TPHCM tìm nhà cung cấp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng

TPO - Ngày 4/7, Sở Công Thương phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (HEPZA), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (SHTP) khai mạc hội nghị Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2025.
Hơn 300 cuộc kết nối trực tiếp 1-1
Đây là sự kiện thường niên quan trọng nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt tại TPHCM và các địa phương công nghiệp trọng điểm, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với chủ đề “Kết nối công nghiệp hỗ trợ tham gia cung ứng ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao: Cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghiệp y tế, công nghiệp giao thông”, hội nghị năm nay tiếp tục khẳng định vai trò của công nghiệp hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực sản xuất trong nước, từ đó góp phần phát triển công nghiệp nền tảng, hướng đến tự chủ chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu.
![]() |
Các doanh nghiệp chào hàng đến đối tác. Ảnh: Uyên Phương |
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, đây là lần thứ 8 hội nghị được tổ chức với sự chấp thuận chủ trương của UBND TPHCM và đồng hành tích cực từ các ban quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Tính đến nay, hội nghị đã ghi nhận hơn 136 lượt doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) tham dự, thực hiện hơn 2.100 cuộc tiếp xúc trực tiếp với 470 nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm 2025, hội nghị tiếp tục thu hút 20 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn trong các lĩnh vực then chốt như điện tử, điện gia dụng, ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp hàng không và y tế. Những doanh nghiệp này sẽ trực tiếp kết nối với 100 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, thông qua hơn 300 cuộc kết nối 1 - 1, được sắp xếp dựa trên nhu cầu thực tế của các bên trước khi hội nghị diễn ra.
Trong khuôn khổ hội nghị, hàng loạt hội thảo chuyên đề được tổ chức nhằm cập nhật thông tin về xu hướng chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp giá trị cao, điển hình như cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, công nghiệp vi mạch bán dẫn, y tế và giao thông. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt hiểu rõ hơn về yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, và khả năng cung ứng mà các tập đoàn toàn cầu đang tìm kiếm.
Đặc biệt, Ban tổ chức cũng theo dõi sát kết quả kết nối giữa các doanh nghiệp để đánh giá tiềm năng hợp tác lâu dài, từ đó xúc tiến việc đưa các doanh nghiệp có năng lực vào chương trình phát triển nhà cung cấp nội địa tiềm năng do TPHCM xây dựng. Chương trình này nhằm nâng cao năng lực tự chủ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, tiến đến hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ vững mạnh cho thành phố.
![]() |
Công ty Cơ khí chính xác Thịnh Phát tìm được nhiều khách hàng mới từ sự kiện. Ảnh: Uyên Phương |
Chủ động kết nối sâu rộng
Không chỉ dừng lại ở khâu kết nối cung cầu, hội nghị còn được đánh giá là nền tảng giúp doanh nghiệp Việt hoạch định chiến lược sản xuất dài hạn, lên kế hoạch đầu tư, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm – những yếu tố then chốt giúp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Anh Tuyên, Phó giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thịnh Phát (TPHCM) cho biết, đã nhiều lần tham gia những hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ do Sở Công Thương tổ chức. Sau những lần tham gia, công ty có thêm nhiều mối quan hệ, có thêm khách hàng quan tâm và muốn tìm hiểu thêm các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất. “Có nhiều khách hàng trở thành đối tác lớn và ký kết hợp tác lâu dài với chúng tôi cũng từ những hội nghị như thế này” – ông Tuyên chia sẻ.
Ông Ken Le, Giám đốc dự án Công ty M Pacific (phường Phú Lâm) mang những sản phẩm cơ khí đến chào hàng tại hội nghị cho biết, chỉ trong buổi sáng đã gặp được rất nhiều nhà mua hàng lớn cả trong nước lẫn quốc tế. “Đây là cơ hội rất tốt để chúng tôi mở rộng thêm thị trường, tiếp cận nhiều tệp khách hàng và kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đơn hàng mới” – ông Ken Le nói.
Hội nghị năm nay còn có sự góp mặt của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố công nghiệp lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai; Ban quản lý khu công nghiệp tại các địa phương, cùng nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như JETRO (Nhật Bản), Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK), Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TPHCM, Hội Vi mạch bán dẫn, Hội Tự động hóa TPHCM và Liên minh Công nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều khu công nghiệp năng động tại khu vực phía Nam như Long Hậu, Hiệp Phước, Kizuna, Tân Phú Trung và nhà tổ chức triển lãm MTA Việt Nam Informa Markets cũng tích cực tham gia. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sự quan tâm và hỗ trợ sâu rộng từ cả hệ thống, từ quản lý nhà nước đến khu vực tư nhân, nhằm tạo đòn bẩy cho sự phát triển bền vững của công nghiệp hỗ trợ quốc gia.
Trong khuôn khổ sự kiện, hàng loạt hoạt động thiết thực đã diễn ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin và xu hướng mới. Đáng chú ý là các hội thảo chuyên đề xoay quanh các chủ đề về chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp giá trị cao, gồm: cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị, công nghiệp bán dẫn - vi mạch …
Ngoài ra, hội nghị cũng tổ chức hoạt động kết nối cung cầu trực tiếp với đại diện các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, cùng các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực trong nước trong các lĩnh vực: Cơ khí chế tạo, điện - điện tử, ô tô, y tế và hàng không.
Việc tổ chức hội nghị thường niên này nằm trong chiến lược dài hạn của TPHCM nhằm chủ động đón đầu sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh thế giới ngày càng chú trọng đến đa dạng hóa nguồn cung, giảm thiểu rủi ro địa chính trị và gia tăng giá trị nội địa trong sản xuất. Điều đó mở ra cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam, đặc biệt về chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị, công nghệ và sự tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.
Thông qua hội nghị, các doanh nghiệp FDI cũng tìm thấy đối tác nội địa tiềm năng, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả chuỗi cung ứng và từng bước gắn kết chặt chẽ với thị trường trong nước.