TPHCM phát hiện biến chủng mới của COVID-19

TPO - Trước tình hình gia tăng số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, ngành y tế TPHCM đã thực hiện giải trình tự gen và đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng mới NB.1.8.1 với tỷ lệ chiếm ưu thế.
Tối 25/5, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng mới NB.1.8.1 với tỷ lệ chiếm ưu thế. Biến chủng này là nguyên nhân khiến COVID-19 đang gia tăng ở nhiều quốc gia khác.
Lan nhanh, chưa rõ mức độ nguy hiểm
Theo kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu COVID-19 thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), NB.1.8.1 đã được phát hiện trong 83% mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhập viện điều trị trong tuần thứ 3 của tháng 5/2025.
Theo các chuyên gia, NB.1.8.1 là một biến thể phụ của dòng XDV.1 được hình thành từ sự tái tổ hợp gen giữa hai biến chủng JN.1 và XDE. Biến chủng này lần đầu được ghi nhận vào đầu năm 2025 và đến nay đã xuất hiện tại ít nhất 22 quốc gia trên thế giới, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều quốc gia khác ở châu Âu và châu Á.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa phân loại NB.1.8.1 vào bất kỳ nhóm nguy cơ nào, bao gồm các nhóm biến chủng cần theo dõi (VUM), cần quan tâm (VOI) hay biến chủng đáng lo ngại (VOC). Các dữ liệu khoa học chưa ghi nhận sự khác biệt rõ ràng về khả năng lây lan hoặc mức độ gây bệnh nặng của biến chủng này so với những biến thể trước đó.
![]() |
TPHCM đang ghi nhận sự gia tăng trở lại của COVID-19 do sự xuất hiện của biến thể mới. |
Mặc dù vậy, tại Đài Loan (Trung Quốc) – nơi NB.1.8.1 đang chiếm ưu thế, phần lớn các trường hợp bệnh nặng lại rơi vào nhóm chưa tiêm đủ vắc xin, người lớn tuổi hoặc người có bệnh nền. Đây cũng là xu hướng ghi nhận tại một số quốc gia có sự hiện diện của biến chủng mới.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (US-CDC) cũng vừa xác nhận NB.1.8.1 đã được phát hiện ở nhiều hành khách quốc tế tại các sân bay lớn. Theo CBS News, biến chủng này có thể là nguyên nhân góp phần vào sự gia tăng ca bệnh tại Trung Quốc và nhiều nước châu Á trong thời gian gần đây.
Đeo khẩu trang, duy trì trạng thái sẵn sàng...
Tại TPHCM, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy số ca mắc COVID-19 đang có chiều hướng tăng từ tuần thứ 16 đến tuần 20 của năm 2025 (từ ngày 14/4 đến 18/5). Trung bình mỗi tuần, thành phố ghi nhận 11 ca mắc – cao gấp 5 lần so với mức trung bình 1-2 ca/tuần trong 15 tuần đầu năm. Riêng tuần 20, số ca mắc tăng vọt lên 26 ca, cao hơn nhiều so với mức trung bình 10 ca/tuần của 4 tuần trước đó.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 79 ca mắc COVID-19, trong đó có 43 trường hợp điều trị nội trú và 36 ca điều trị ngoại trú. Dù số ca bệnh còn thấp và chưa có trường hợp nặng phải thở máy nhưng giới chuyên môn nhận định đây là dấu hiệu cần theo dõi chặt, đặc biệt là trong bối cảnh biến chủng NB.1.8.1 đang lan rộng.
![]() |
Ngành y tế kêu gọi người dân tăng cường các biện pháp phòng bệnh, không chủ quan nhưng cũng không nên hoang mang. |
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành công văn số 5423/SYT-NVY ngày 21/5, yêu cầu toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng đến điều trị phải duy trì trạng thái sẵn sàng. Các bệnh viện cần đảm bảo thu dung, cấp cứu và điều trị hiệu quả cho người bệnh, phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng để xử lý kịp thời, đồng thời đặc biệt chú trọng bảo vệ nhóm có nguy cơ cao.
Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) được giao phối hợp chặt chẽ với OUCRU trong việc giám sát biến động dịch tễ học, đánh giá nguy cơ và đề xuất biện pháp ứng phó phù hợp.
Trước tình hình trên, ngành y tế TPHCM khuyến cáo người dân không nên hoang mang, song cũng tuyệt đối không chủ quan. Việc chủ động phòng ngừa bằng đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tập luyện thể dục nâng cao sức khỏe, ăn uống đủ chất, đến bệnh viện thăm khám khi có biểu hiện bất thường… sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng trước các diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19.