Nhảy đến nội dung
 

TP.HCM nghĩa tình: Gắn cả đời mình với khu phố

Không giữ chức vụ cao, không có lương hưu hay chế độ đặc biệt, gần nửa thế kỷ qua, ông Chín Thể và ông Năm Êm vẫn kiên trì thực hiện công việc của mình, góp phần thay đổi khu phố ngày càng tốt đẹp hơn.

Dân tin yêu, Đảng giao việc thì cứ làm

Ông Nguyễn Văn Thể (Chín Thể, sinh năm 1958), hiện là Trưởng ban công tác mặt trận, tổ phó tổ nhân dân 1 (ấp Đông Lân 1, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM).

Ông Chín Thể lớn lên giữa những ngày đất nước còn khói lửa. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông tình nguyện tham gia đoàn thanh niên khắc phục hậu quả chiến tranh. Từ đó, cuộc đời ông gắn chặt với công tác địa phương, được kết nạp Đoàn TNCS Việt Nam, làm bí thư chi đoàn của ấp, trở thành thủ lĩnh sinh viên. Năm 1981, ông được kết nạp Đảng, tiếp tục công tác tại địa phương, sau đó chuyển qua công tác mặt trận.

"Chỗ nào thiếu người thì tôi tham gia, tổ chức phân công đi đâu thì tôi làm đó. Như công trình thủy lợi Trần Quang Cơ, tôi cũng vận động thanh niên của xã đi đào kênh, dẫn nước về đồng thành công", ông Chín Thể kể.

Năm 2004, trong quá trình công tác, ông được người dân tín nhiệm nên ra ứng cử làm đại biểu HĐND xã Bà Điểm, đại diện cho một khu dân cư để làm cầu nối cho người dân và chính quyền.

Hầu hết những phong trào, hoạt động được phát động tại địa phương, ông Chín Thể đều đi đầu, vận động người dân cùng thực hiện như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Xây dựng gia đình hạnh phúc", "Xây dựng nông thôn mới"... Trong 2 đợt vận động xây dựng nông thôn mới của xã Bà Điểm, ông năng nổ tuyên truyền, vận động người dân lắp đặt cống thoát nước và bê tông hóa 25 con đường với kinh phí hơn 4 tỉ đồng; lắp đặt 9 đầu thu, 79 mắt camera an ninh, kinh phí 500 triệu đồng…

Đặc biệt, ông đã gương mẫu đi đầu, tình nguyện hiến 60 m² đất, tháo dỡ nhà, bàn giao mặt bằng để mở rộng đường giao thông nông thôn Hà Thị Tháng khi địa phương có chủ trương nâng cấp. "Đường này hồi đó chỉ đủ xe bò đi qua, giờ tôi hiến đất mở đường thì những người bên trong đi ra rộng rãi hơn. Mà chuyện này nói ra làm gì, mình làm thì dân biết thôi. Xã Bà Điểm bây giờ đã phát triển hơn hồi xưa rất nhiều. Có thể nói đây là sự đóng góp rất tích cực của toàn dân, là công lao của tập thể, chứ chẳng phải của riêng ai", ông Chín Thể khiêm tốn.

Giai đoạn dịch Covid-19, dù tuổi cao, ông Chín Thể vẫn tham gia hỗ trợ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa phòng chống dịch Covid-19.

Hỏi về động lực để gắn bó 49 năm cho công tác khu phố, ông chia sẻ: "Tôi là đảng viên và việc xây dựng đất nước giàu đẹp và hòa bình là điều mà tôi học được và luôn theo đuổi lý tưởng này. Làm công tác mặt trận hồi trước đâu có tiền hay lợi ích gì, nhưng tôi vẫn cứ làm. Gia đình tôi thuần nông, trước đây chỉ trồng trầu, sau đó được nhà nước cho vay vốn để mở rộng chăn nuôi, phát triển sản xuất để có cái lo cho cuộc sống, từ đó có thể tham gia công tác cho tốt".

Nửa đời người gắn với việc vận động, tuyên truyền, làm "cầu nối" giữa chính quyền và người dân, ông Chín Thể đúc kết sự tin tưởng và gắn bó của người dân dành cho những người tổ trưởng tổ dân phố rất quan trọng. "Mình phải sống hòa đồng, còn thở là còn làm, Đảng còn giao việc thì vẫn sẽ làm, chưa bao giờ trong đầu tôi có chữ "nản". Được phục vụ người dân, ra đường ai thấy cũng kêu ông Chín Thể vô uống cà phê, làm chai bia là bà con thương mình, niềm vui này còn lớn hơn vật chất nữa", ông chia sẻ.

Đãi thân mình ra để tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt

Còn ngay giữa lòng Q.1 sầm uất, ông Nguyễn Khắc Êm (Năm Êm) cũng là một hình mẫu: giản dị, điềm đạm, nhưng luôn lo chuyện xóm giềng một cách tử tế nhất. Ông Năm Êm sinh năm 1945, làm tổ trưởng tổ dân phố 29 (KP.3, P.Bến Nghé) từ năm 1976.

"Giai đoạn đó mới chuyển giao chính quyền, kiếm người làm tổ dân phố khó lắm, tôi tình nguyện đăng ký, chính quyền thấy làm được nên giao cho tôi. Hồi đó, tôi có 31 tuổi, ban ngày làm ở công ty dược, tối về đi kiểm tra khu phố cùng công an khu vực, phải quản lý nhân khẩu, phát sổ gạo, sổ dầu, nhu yếu phẩm… cho người dân. Hồi đó là cực nhất", ông Năm Êm kể.

Những năm 1980, ông Êm đi tuần cùng công an khu vực, nắm tình hình những người nghiện ma túy và vận động họ đi cai nghiện. "Tôi đến những gia đình có người nghiện để khuyên người thân đưa họ đi cai. Tôi giải thích cho họ hiểu tác hại của ma túy như thế nào, phân tích chính sách nhà nước hỗ trợ ra sao, được đi học nghề gì… Họ nghe hiểu và tự nguyện đi, cũng cả chục người", ông Êm nói tiếp.

Trong quá trình làm tổ trưởng tổ dân phố, gia đình ông cũng thuộc diện khó khăn nên được chính quyền hỗ trợ một số vốn để buôn bán, giúp vươn lên thoát nghèo. Nhận thấy sự tiến triển tốt của ông Năm Êm, khoảng năm 2000, chính quyền địa phương bố trí cho ông làm thêm nhiệm vụ "tổ trưởng giảm nghèo". Không có gì lớn lao, ông lấy kinh nghiệm của bản thân ra, hướng dẫn bà con thực hiện theo nhiều cách khác nhau để đời sống khá hơn.

"Hộ nào có người đang trong độ tuổi lao động, tôi hướng dẫn họ lên quận đăng ký những khóa tập huấn để làm bếp, làm nhân viên nhà hàng. Còn những người ở nhà, không có điều kiện đi làm, tôi đề nghị chính quyền hỗ trợ vốn cho họ bán bún riêu, bún bò, bán những gì trong khả năng họ làm được… Bây giờ cả xóm hơn 40 hộ đều thoát nghèo rồi, mấy đứa nhỏ được đi học đầy đủ, không có em nào bỏ học hết", ông Năm Êm cười nói.

Giai đoạn TP.HCM chống dịch Covid-19, cũng như ông Chín Thể, ông Năm Êm xông xáo tham gia hỗ trợ tại những điểm phải phong tỏa.

"Bữa đó, tôi với một anh quản lý trật tự đô thị đi trực, tới góc đường Hàn Thuyên - Pasteur, thấy cặp vợ chồng đang chở con đi cấp cứu nhưng xe hư. Tôi nói anh đô thị ở đây coi sửa xe cho người chồng, tôi chở người vợ với đứa nhỏ vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cho kịp. Người chồng sửa xe xong đi kiếm tôi cảm ơn quá chừng. Thời điểm đó người dân khó khăn, cái gì mình giúp được là mình giúp, thực hiện đúng với nghĩa tình của người thành phố", ông Năm Êm nghẹn ngào nhắc lại kỷ niệm khó quên.

Cũng vì hoạt động nhiều trong đợt dịch bệnh, cả nhà ông Năm Êm đều mắc Covid-19 và phải đi thu dung điều trị tại TP.Thủ Đức. "Khi đó, bà con ở đây ghét tôi lắm, nói tôi lo chuyện bao đồng nên tha bệnh về. Tôi giải thích cho bà con biết đó là nhiệm vụ công tác, chứ tôi đâu ham muốn vậy, thì bà con cũng thông cảm. Mừng là cả nhà đều khỏi bệnh, được về nhà", ông cười.

Nhà ông Năm Êm nằm sâu trong một con hẻm cụt trên đường Nguyễn Du (Q.1). Nhận thấy khó khăn của các shipper giao hàng trong hẻm vì tìm số nhà phức tạp, ông Êm nhờ người trong xóm làm một bảng hướng dẫn sơ đồ số nhà gắn ở vị trí đầu hẻm, để người giao hàng tìm nhà dễ dàng. Đây là điều hiếm thấy ở một con hẻm tại TP.HCM.

"Bà con cần gì, tôi hiểu biết được thì tôi hướng dẫn, tôi chỉ. Người nào lạc đường thì mình lái họ về đường đúng. Mình phải góp phần chăm lo, giữ đất nước tiến lên", ông Êm cười móm mém.

Nửa thế kỷ miệt mài "lo chuyện bao đồng", ông Năm Êm nhìn nhận làm công tác khu phố, thấy nơi đây ngày càng phát triển, người đối với người kính trọng, quý mến nhau, tình làng nghĩa xóm bền chặt là ông vui lắm.

"Tôi suốt đời cứ đãi thân mình ra, làm được gì cứ làm, cuộc đời thì không đơn giản, bình thản, lúc này lúc kia. Nhưng tình thương giữa người với người thì còn bao la, ai tôi cũng thương, thương suốt đời", ông Năm Êm đúc kết.