TP.HCM giải bài toán y tế sau sáp nhập

Việc hợp nhất TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu mang đến cơ hội lớn trong cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức về quy mô cung ứng và nguồn lực phục vụ gần 14 triệu dân.
TP.HCM vừa hoàn thiện dự thảo phương án tổng thể sắp xếp cơ quan chuyên môn khi hợp nhất UBND TP.HCM với 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong đó, sáp nhập 3 sở y tế TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương thành Sở Y tế TP.HCM.
Trên tinh thần dự thảo này, Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bình Dương và Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hội thảo lần thứ nhất, nhằm đánh giá quy mô cung ứng dịch vụ y tế sau hợp nhất trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM là ngành y tế phải đảm bảo phục vụ người dân các khu vực lân cận sau khi hợp nhất.
Cần điều chỉnh chỉ tiêu về y tế phù hợp tình hình mới
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay sau khi hợp nhất, dân số TP.HCM mới sẽ khoảng hơn 13,7 triệu người (chỉ tính nhân khẩu có đăng ký cư trú - PV). Điều này kéo theo nhu cầu cung ứng dịch vụ y tế gia tăng mạnh.
Cụ thể, số bệnh viện tăng từ 134 lên 174 (thêm 27 bệnh viện từ Bình Dương và 13 từ Bà Rịa-Vũng Tàu). Số giường bệnh tuy tăng từ 41.525 lên 49.147 giường, nhưng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân giảm từ 41,7 xuống còn 31,3, thấp hơn so với chỉ tiêu phấn đấu là 42 giường/vạn dân. Nguồn nhân lực y tế cũng ghi nhận gia tăng về số lượng nhưng lại giảm về tỷ lệ tương đối. Số bác sĩ tăng từ 20.727 người lên 24.629 người, nhưng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân giảm từ 20,8 xuống còn 13,08 (chỉ tiêu hiện nay là 21 bác sĩ/vạn dân). Tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân giảm từ 37 xuống còn 29 (so với chỉ tiêu 39 điều dưỡng/vạn dân).
"Tỷ lệ giường bệnh, bác sĩ và điều dưỡng trên 10.000 dân giảm xuống khi hợp nhất do sự khác biệt thực tế hiện nay giữa TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngành y tế cần tham mưu lãnh đạo thành phố tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù cho vấn đề này, đồng thời cần điều chỉnh lại chỉ tiêu phấn đấu cho phù hợp tình hình mới", PGS-TS Tăng Chí Thượng chia sẻ.
Khám chữa bệnh có thể gia tăng ở tuyến cuối
Trong khi các chỉ tiêu y tế có thể giảm sau hợp nhất thì dự báo số lượt khám chữa bệnh sẽ tăng mạnh tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP.HCM.
Theo đó, lượt khám bệnh dự kiến tăng từ hơn 42 triệu lên hơn 51 triệu lượt/năm (cộng lượt khám chữa bệnh của cả 3 địa phương hiện nay). Lượt điều trị nội trú từ trên 2,2 triệu lên hơn 3,8 triệu lượt/năm. Nếu xét trên quy mô cả nước, hệ thống y tế TP.HCM sau hợp nhất sẽ cung ứng khoảng 30% số lượt khám ngoại trú và hơn 23% số lượt điều trị nội trú toàn quốc - một tỷ trọng rất lớn.
"Khả năng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP.HCM có nguy cơ quá tải khi người dân TP.HCM có nhu cầu đến bệnh viện để khám chữa bệnh thay vì đến các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành y tế nghiên cứu triển khai thêm cơ sở 2, cơ sở 3 của các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn mới ở Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh loại hình du lịch y tế chất lượng cao", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.
Bên cạnh đó, một hoạt động rất cần thiết trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân đã được ngành y tế TP.HCM chủ động triển khai trên địa bàn thành phố nhưng chưa được triển khai ở 2 địa phương còn lại là cung ứng dịch vụ cấp cứu ngoài bệnh viện (do Trung tâm cấp cứu 115 và mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh đảm trách). Vì vậy, cần chủ động sớm có kế hoạch mở rộng hoạt động này khi hợp nhất.
Bệnh viện tuyến cuối TP.HCM sẵn sàng "chia lửa"
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là bệnh viện tuyến cuối phía nam điều trị ung thư. Hiện mỗi năm bệnh viện đón nhận hơn 880.000 lượt bệnh nhân đến khám, gần 55.000 lượt điều trị nội trú, hơn 375.000 lượt điều trị ngoại trú, gần 39.000 ca phẫu thuật, 180.000 lượt xạ trị và 320.000 lượt điều trị nội khoa (hóa trị, liệu pháp nhắm đích, liệu pháp miễn dịch)…
Khi chưa tiến hành sáp nhập các địa phương thì số lượng bệnh nhân từ các tỉnh về Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng đã rất đông, chiếm 70%. Trong bối cảnh bệnh nhân đông, thời gian chờ làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và xạ trị kéo dài thêm. Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp giảm thời gian chờ cho bệnh nhân như khám sớm, khám thông tầm…, thậm chí xạ trị kéo dài đến tận khuya. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân dự báo sẽ tiếp tục tăng khi bệnh viện đầu tư rất nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, kỹ thuật mới…
Trong khi đó, Bình Dân là bệnh viện về ngoại khoa hàng đầu phía nam với các chuyên khoa sâu. Mỗi ngày, bệnh viện có 1.200 lượt nội trú và trung bình 2.300 ca khám/ngày. Số bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm đến 60%. Còn Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện đa khoa với các trung tâm chuyên sâu, mỗi ngày có từ 3.500 - 4.000 ca khám và 2.000 ca nội trú; bệnh nhân ngoài tỉnh chiếm 50%.
"Chúng tôi vừa được đầu tư tòa nhà mới, cũng là một phần góp vào sự phát triển của y tế TP.HCM khi hợp nhất. Đây là giải pháp giảm tải bệnh viện và là cơ hội phát triển nhưng cũng là thách thức", PGS-TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, chia sẻ.
Ông Hưng cũng cho biết bệnh viện đảm bảo nguồn nhân lực là bác sĩ và điều dưỡng, nếu có thêm nhiều bệnh nhân thì bệnh viện sẽ triển khai thêm phòng khám, giờ khám. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã và đang chuyển giao kỹ thuật cho các tỉnh. Sắp tới, nếu lãnh đạo ngành y tế có thêm các chỉ đạo về giải pháp tiếp theo thì bệnh viện sẽ thực hiện.
Bác sĩ Trần Văn Sóng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, cũng nhận định số lượt khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú sẽ tăng sau hợp nhất, nhất là bệnh viện có các chuyên khoa sâu. Từ dự báo này, bệnh viện đã chuẩn bị triển khai thêm phòng khám, bệnh viện vệ tinh và chuyển giao kỹ thuật.
Đặc biệt, để giảm tải, Bệnh viện Nhân dân 115 đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật điều trị đột quỵ và chuyển bệnh nhân về các bệnh viện địa phương để điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ nói riêng và các bệnh lý khác nói chung. Như vậy, chắc chắn hệ thống y tế sẽ có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị để chia sẻ nguồn lực và phát triển trung tâm chuyên sâu tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương để bệnh nhân không phải đi xa.
"Lực lượng bác sĩ không thiếu, chúng tôi đảm bảo phục vụ bệnh nhân tại chỗ và đi chuyển giao kỹ thuật, thậm chí là đào tạo cho các đơn vị càng nhiều càng tốt để giảm tải cho tuyến trên", bác sĩ Sóng khẳng định và lưu ý rằng vấn đề hiệu quả đào tạo giúp làm chủ kỹ thuật vẫn chủ yếu nằm ở đơn vị thụ hưởng. Do đó, các tuyến phải quan tâm, chuẩn bị nguồn nhân lực tại chỗ để phát triển cho mình.
Một vấn đề quan trọng khác được quan tâm hiện nay là các bệnh viện tự chủ tài chính. Trong đó, việc phát triển kỹ thuật, chất lượng khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân là vấn đề sống còn. Và ở khía cạnh khác, nếu bệnh viện không phát triển thì cũng khó giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, bệnh viện tuyến dưới muốn tồn tại cũng phải chủ động phát triển.