TP.HCM chưa tính thu phí rác theo ký

Từ ngày 1.6, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt tại TP.HCM sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Thế nhưng đến thời điểm này, người dân vẫn không biết phải đóng tiền thế nào.
Chỉ thực hiện khi tiến hành phân loại rác tại nguồn
Theo Quyết định 67/2025 của UBND TP.HCM, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tiền rác sinh hoạt) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.6. Cụ thể, hình thức và mức giá rác sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Nhiều người thắc mắc, có phải từ tháng tới, mỗi lần bỏ rác phải xếp hàng đợi cân ký tính tiền như mua hàng?
Ngày 14.5, đại diện Sở NN-MT TP.HCM xác nhận với PV Thanh Niên: Từ ngày 1.6, việc tính giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt theo đơn giá mới và theo khu vực thay vì theo từng quận, huyện như từ trước nay. Chủ nguồn thải nhỏ là các cá nhân, hộ gia đình sẽ được áp dụng định mức 126 kg rác/tháng, đơn giá sẽ theo khu vực như quy định. Với những hộ kinh doanh, nguồn thải lớn cũng sẽ tiếp tục được áp dụng định mức khối lượng như hiện tại nhưng với đơn giá mới. Do vậy, về cơ bản chi phí có biến động nhẹ.
Tuy nhiên, vị này cho biết hiện tại TP.HCM chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn nên chưa áp dụng việc tính phí (đơn giá) theo khối lượng, thể tích. Việc tính đơn giá theo khối lượng, thể tích sẽ được áp dụng khi thành phố tiến hành thực hiện phân loại rác tại nguồn. Khi đó, UBND TP sẽ có hướng dẫn cụ thể về phương pháp, lộ trình thực hiện. "Việc tính phí theo khối lượng cũng sẽ theo hướng đơn giản, thuận tiện chứ không có chuyện phải cân ký mỗi khi người dân đi bỏ rác", vị này khẳng định.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, so với hiện tại, tiền rác do UBND các quận, huyện tự xây dựng và ban hành dựa theo các quy định hiện hành. Còn theo Quyết định 67, tiền rác do UBND TP.HCM quy định và phân theo khu vực với mức giá khác nhau như: khu vực 1 là các quận trung tâm và TP.Thủ Đức; khu vực 2 là Bình Chánh và Củ Chi; và khu vực 3 là các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ.
Ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Grac, đơn vị đang phối hợp với nhiều địa phương ở TP.HCM và các tỉnh thành thực hiện số hóa việc thu gom phân loại rác tại nguồn, thông tin: Theo quyết định mới, đối với nguồn thải là hộ gia đình không có hoạt động kinh doanh ở khu vực 1 sẽ được áp dụng định mức khối lượng rác thải là 126 kg/tháng trở xuống; giá thu gom được áp dụng là 61.000 đồng, giá vận chuyển là 23.000 đồng, cộng thêm 8% thuế VAT thì tổng mức tiền phải trả là 90.720 đồng/hộ. So với trước đây, với cùng định mức phổ biến ở các quận huyện từ 120 - 125 kg thì tổng số tiền rác phải trả có tăng nhẹ; cụ thể tại Q.Phú Nhuận là 83.500 đồng/hộ hay tại Q.Bình Thạnh là 68.000 đồng/hộ... Đối với khu vực 2, theo giá mới thì hộ dân (không kinh doanh) trả tiền rác là 86.400 đồng và khu vực 3 là 82.080 đồng. Các hoạt động thu gom vận chuyển vẫn thực hiện như hiện tại. Đối với những hộ kinh doanh cũng áp dụng theo cách làm và định lượng tương tự.
"Trước đây, thành phố giao về cho địa phương nên mỗi quận một giá thì nay thống nhất cả thành phố chỉ có 3 mức giá theo 3 khu vực. TP.HCM hiện chưa triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn theo luật Bảo vệ môi trường 2020 và mức phí này tính theo giá chưa phân loại được áp dụng cho cả thành phố. Trong trường hợp các hộ gia đình có lượng rác thu gom gia tăng bất thường thì người thu gom sẽ báo với chủ nguồn thải để đảm bảo quyền và nghĩa vụ liên quan của các bên", ông Nguyễn Trọng Minh thông tin.
Đẩy mạnh phân loại rác và số hóa nguồn thải
Luật Bảo vệ môi trường quy định từ ngày 1.1.2025, các hộ gia đình phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, đến nay tại TP.HCM việc thực hiện vẫn chỉ "nằm trên giấy". Đại diện Phòng TN-MT (Q.Tân Bình) cho biết trong thời gian qua, địa phương áp dụng chuyển đổi số vào công tác quản lý các chủ nguồn thải đã lọc ra được khoảng 2.000 trường hợp bị trùng lặp so với trước kia. Hiện nay, việc trả phí rác thải, chủ nguồn thải trả 80%, còn 20% được thành phố hỗ trợ. Việc lọc ra được sự trùng lặp này giúp ngân sách thành phố tiết kiệm được một khoản đáng kể. Đây chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh về những tồn tại trong công tác thu gom rác ở địa phương.
Ông Lê Trí Bá, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích Q.Bình Thạnh, cũng xác nhận việc thu tiền điện, nước rất hiện đại và thuận tiện nhờ đẩy mạnh số hóa nhờ có nguồn lực tốt, trong khi các đơn vị thu gom rác lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc số hóa dữ liệu người dùng/nguồn thải.
Ông Nguyễn Trọng Minh nhấn mạnh rác cũng là tài nguyên và phân loại rác tại nguồn không còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu bắt buộc vì đã được luật hóa. Một trong những nguyên nhân khiến chính sách này chưa đi vào cuộc sống là do chúng ta chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về chủ nguồn thải nên việc xử lý chất thải còn khó khăn. Trong khi đó, mô hình thu gom rác dân lập vốn chiếm tỷ lệ đến 60% ở thành phố hiện nay ngày càng giảm hiệu quả.
Theo đó, để phân loại rác tại nguồn hiệu quả, cần tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng. Có thể xây dựng các mô hình thí điểm ở khu dân cư, trường học, cơ quan để tạo thói quen và nhân rộng dần. Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý, ban hành các văn bản hướng dẫn rõ ràng về cách thức phân loại, quy chuẩn cho từng loại rác, lịch thu gom, xử phạt vi phạm. Thứ ba là nâng cấp cơ sở hạ tầng và công nghệ; đầu tư vào hệ thống thu gom - vận chuyển - xử lý tương ứng với các loại rác đã được phân loại. Cần có các nhà máy hoặc dây chuyền xử lý phù hợp; cơ sở hạ tầng đồng bộ sẽ giúp quá trình phân loại thực sự hiệu quả.