Nhảy đến nội dung

TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất nhiều vấn đề sáp nhập

TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã họp và thống nhất sẽ có 168 phường, xã mới không trùng tên, đồng thời giải quyết nhiều vấn đề khác trước sáp nhập.

Ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, phát biểu tại họp báo chiều 17/4. Ảnh: Thảo Liên.

Tại buổi họp báo về kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 17/4, ông Võ Ngọc Quốc Thuận - Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - đã chia sẻ về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở, các khu lằn ranh chồng lấn giữa 3 tỉnh, thành và chính sách đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách khi tổ chức mô hình chính quyền hai cấp.

Theo phương án dự kiến, TP.HCM giảm từ 273 xã, phường, thị trấn xuống còn 102 phường, xã để đảm bảo đúng tỷ lệ 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã cũ theo quy định tại Nghị quyết số 60 và Nghị quyết số 76. Trong đó, thành phố giữ nguyên xã đảo Thạnh An do vị trí biệt lập.

Đối với tỉnh Bình Dương, địa phương này dự kiến giảm từ 91 phường, xã, thị trấn xuống còn 36 phường, xã. Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm từ 77 phường, xã còn 30 phường, xã, đặc khu.

Sau khi sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị hành chính mới sẽ có 168 đơn vị hành chính cơ sở. Đồng thời, 3 địa phương cũng đã thống nhất tên gọi của 168 phường, xã để tránh trùng lặp.

Ngoài ra, bản đồ TP.HCM mới sau sáp nhập cũng được thống nhất để trình Bộ Nội vụ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Quốc hội quyết định thông qua.

"Vừa qua, Sở Nội vụ TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương và Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để trao đổi, thống nhất nhiều vấn đề. Theo đó, 3 tỉnh, thành phối hợp xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và rà soát các ranh đơn vị hành chính của các khu vực ranh chồng lấn", ông Thuận chia sẻ.

Cũng theo ông Thuận, 3 tỉnh, thành còn phối hợp đề xuất các phương án về sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, bố trí nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được Bộ Chính trị đặt ra.

"Theo dự thảo đề án, trụ sở chính trị - hành chính sẽ được bố trí tại TP.HCM. Cơ sở 2 và 3 sẽ đặt tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc này nhằm ổn định bộ máy thời kỳ đầu sắp xếp. Sau đó, trong quá trình thực hiện, các cơ quan sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp", ông Thuận nhấn mạnh.

Đối với mô hình chính quyền hai cấp, ông Thuận cũng cho biết sẽ dừng việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn.

Số lượng biên chế cần bố trí là 6.120 người. Trong đó, mỗi phường, xã có 60 biên chế. Dự kiến sau sắp xếp, TP.HCM có 11.015 nhân sự dôi dư, gồm 5.453 người thuộc biên chế và 5.562 người hoạt động không chuyên trách đang công tác tại 273 phường, xã, thị trấn.

Hiện, thành phố đã xây dựng các phương án hỗ trợ, chế độ, chính sách đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách như giải quyết chế độ tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 29 của Chính phủ; hỗ trợ thêm một lần theo quy định tại Nghị quyết số 50 của HĐND TP.HCM; giới thiệu việc làm đối với người hoạt động chuyên trách.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.