Tổng Bí thư: Phải huy động được sức dân, không để tiền nhàn rỗi

Cho ý kiến về sửa đổi luật Các tổ chức tín dụng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 'rất khó nhưng phải làm'.
Thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội chiều 17.5, đề cập đến việc sửa đổi luật Các tổ chức tín dụng, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, dù rất khó nhưng cũng phải làm để lành mạnh hệ thống tín dụng.
Nhắc đến việc vừa qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng bị xử lý rất nhiều, song Tổng Bí thư cũng cho rằng, việc xử lý trọn vẹn chưa đến nơi đến chốn, do sợ ảnh hưởng đến an ninh hệ thống tiền tệ. Đây là điều rất quan trọng vì liên quan đến niềm tin của người dân vào hệ thống tín dụng.
"Một vài ông tội phạm lợi dụng cơ chế ngân hàng thu hút tiền của dân mang về doanh nghiệp, tiêu xài bừa bãi rồi mất vốn. Nhà nước làm sao đứng ra xử lý được, làm sao bỏ tiền ngân sách ra đền bù cái này được. Nhưng ông doanh nghiệp đi tù rồi, tử hình rồi, vậy tiền của dân ai xử lý?", Tổng Bí thư nêu.
Cũng theo Tổng Bí thư, không thể bảo tiền của dân tích lũy đi gửi tiết kiệm ngân hàng, giờ xua tay bảo "nó ra nước ngoài trốn mất, hay bị tử hình, bị bắt nhốt lại trong trại giam". Đến lúc thống kê lại không đủ tiền trả dân.
"Tiền của dân là hợp pháp, đóng góp vào ngân hàng. Hệ thống tín dụng của ngân hàng là nhà nước cho phép. Vậy gỡ như thế nào, có phá sản được không, có ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng khác không?", Tổng Bí thư nêu vấn đề, và cho rằng phải tính toán cách thức quản lý thế nào để không xảy ra tình trạng như vậy.
Theo đó, tổ chức tín dụng phải thực sự để phục vụ cho sản xuất kinh doanh, huy động nguồn lực xã hội. Người dân gửi tiết kiệm cũng là đóng góp sức lực, góp phần xây dựng đất nước.
Hệ thống tín dụng phải lành mạnh
Tổng Bí thư nhấn mạnh, "nguồn lực xã hội lớn lắm, người dân không biết đóng góp đâu cả. Không phải ai cũng biết cổ phần cổ phiếu, gửi tiết kiệm là lành mạnh nhất. Làm sao phải huy động được toàn bộ sức của dân, không để tiền nhàn rỗi". Nhưng nếu người dân không tin tổ chức tín dụng nữa sẽ để tiền ở nhà. Trong khi hệ thống tín dụng vay rất khó, doanh nghiệp không vay được để kinh doanh, lại sinh ra tín dụng đen, lãi suất cao.
Người dân cần tiền buôn bán, kinh doanh, phải vay vốn mà điều kiện của ngân hàng khó khăn về thủ tục, tài sản thế chấp, thậm chí phải phần trăm, nên đi vay tín dụng đen cho nhanh, dù lãi cao, Tổng Bí thư nêu. Theo Tổng Bí thư, làm sao hệ thống tín dụng phải lành mạnh, phục vụ cho phát triển.
"Vừa qua không làm được điều đó thì giờ phải làm. Nhà nước phải ra quy định, thể chế nhưng bảo đảm quyền lợi cho dân. Đây là quyền lợi hợp pháp, dân có tiền gửi vào tiết kiệm, tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép, Nhà nước kiểm soát hoạt động. Bảo dân ham lãi suất nhiều, mang tiền từ ngân hàng nọ sang gửi ngân hàng kia. Giờ bảo ngân hàng đổ vỡ, tổ chức tín dụng vỡ thì không có trách nhiệm gì với dân à? Không thể được, người dân không chấp nhận điều đó. Cách gì thì cách, phải đảm bảo được quyền lợi người dân", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Khẳng định tiền vào ngân hàng càng tăng thêm sức mạnh quốc gia, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ nếu sản xuất lành mạnh thì lãi suất càng thấp hơn vì phục vụ cho kinh doanh là chính.
"Tiền trong dân vẫn rất nhiều, nhưng ngược lại người dân, doanh nghiệp muốn tiếp cận vay vốn ngân hàng rất khó. Các tổ chức tín dụng phải chữa được các bệnh, các tồn tại này, rất cấp bách", Tổng Bí thư nói và cho rằng luật cũng không nên quá chi tiết, nếu nay mai thay đổi lại phải sửa. Chỉ chủ trương, định hướng, giao cho cơ quan chức năng tổ chức thực hiện đảm bảo các yêu cầu.