Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị cần phải tiếp tục khơi dậy tinh thần Nguyễn Văn Linh - tinh thần đổi mới, quyết đoán, khoa học, gần dân và trung thực.
Ngày 1-7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2025).
Tiếng nói thẳng thắn, dũng cảm và đầy trách nhiệm của người đứng đầu Đảng
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Đại hội Đại biểu lần VI của Đảng năm 1986, trước muôn vàn khó khăn của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trước sự trì trệ, bao cấp kéo dài, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thể hiện một bản lĩnh hiếm có.
Ông khẳng định không thể tiếp tục làm theo lối cũ. Nếu không đổi mới, đất nước sẽ không thể phát triển, nhân dân sẽ không thể ấm no.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khởi xướng các chủ trương cải cách mạnh mẽ, tháo gỡ những rào cản về cơ chế, giải phóng sức sản xuất, mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở, thí điểm và sau đó củng cố các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, thiết lập cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Một trong những dấu ấn đặc biệt của ông là loạt bài "Những việc cần làm ngay" trên báo Nhân Dân từ năm 1987, với bút danh "NVL".
Đây là tiếng nói thẳng thắn, dũng cảm và đầy trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, thể hiện tinh thần chống tiêu cực, quyết liệt xử lý tham nhũng, quan liêu, lãng phí - những căn bệnh ăn mòn uy tín của Đảng và sự tin tưởng của nhân dân.
Từ những chỉ đạo chiến lược và quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, công cuộc đổi mới đã đem lại chuyển biến sâu sắc trên mọi lĩnh vực: từ sản xuất nông nghiệp chuyển từ tập trung sang khoán hộ, từ bao cấp sang thị trường, từ đóng cửa sang hội nhập, từ quản lý mệnh lệnh sang vận hành theo quy luật cung-cầu.
Nhờ đó nền kinh tế Việt Nam từng bước vượt qua khủng hoảng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao.
Không chấp nhận cán bộ bảo thủ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để lại nhiều bài học sâu sắc, có giá trị bền vững trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển hiện nay.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ bài học về tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bài học về gắn bó mật thiết với nhân dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân; bài học về chống chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn đạo đức cách mạng, chỉnh đốn Đảng từ bên trong; bài học về độc lập tư duy, phát huy nội lực, đi lên từ chính bản thân mình.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ trong thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn nhấn mạnh: Việt Nam đổi mới không theo lệnh của ai, không rập khuôn mô hình bên ngoài, mà xuất phát từ thực tiễn của chính mình, vì lợi ích của dân tộc. Đó là tầm nhìn sâu xa, phù hợp cả trong bối cảnh toàn cầu hóa hôm nay.
Việt Nam cần học hỏi quốc tế, hợp tác sâu rộng, nhưng quan trọng hơn là phát triển bản lĩnh nội tại: khoa học công nghệ, thể chế linh hoạt, nguồn nhân lực chất lượng cao và tinh thần dân tộc kiên cường.
Trong thời điểm cả dân tộc đang chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; cả nước bắt đầu vận hành mô hình đơn vị hành chính hai cấp với không gian phát triển mới, Tổng Bí thư đề nghị cần phải tiếp tục khơi dậy tinh thần Nguyễn Văn Linh - tinh thần đổi mới, quyết đoán, khoa học, gần dân và trung thực.
Phải đào tạo và lựa chọn những cán bộ vừa có đức, vừa có tài, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, không chấp nhận cán bộ bảo thủ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chỉ lo an toàn cho bản thân.
Cần kiên định đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời linh hoạt, thích ứng nhanh với các xu thế công nghệ, tài chính xanh, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Cần tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người dân.
Phải đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại, để sánh vai với các cường quốc năm châu.