Nhảy đến nội dung

Tổng Bí thư: Đấu thầu để ngăn tiêu cực, nhưng bán thầu, thông thầu hết

Tổng Bí thư Tô Lâm đặt câu hỏi: Mục tiêu của đấu thầu để ngăn chặn tiêu cực, song thực tế có ngăn được không, hay vẫn thông thầu?

Thảo luận tổ về một số dự án luật, trong đó có sửa đổi luật Đấu thầu, chiều 17.5, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Nghị quyết 66 ra đời với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch, loại bỏ triệt để các rào cản do pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn gây ra.

Cho biết việc sửa toàn diện luật rất khó và phức tạp vì "luật nọ vướng luật kia", theo Tổng Bí thư, trong bối cảnh "vừa chạy, vừa xếp hàng" không thể sửa hết các luật, nếu chờ để sửa luật sẽ bị chậm trễ trong phát triển.

"Luật pháp không phục vụ cho lợi ích của một nhóm nào cả. Phải phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cái cơ chế xin - cho, triệt tiêu các lợi ích cục bộ và các đặc quyền, đặc nhóm", Tổng Bí thư nói và lưu ý phải bỏ tư duy "ai xây dựng dự luật gì là bảo vệ quyền lợi, tạo cái lợi ích cho mình ở việc đó".

Cho ý kiến cụ thể về việc sửa đổi 1 luật, sửa 7 luật trong lĩnh vực đầu tư, Tổng Bí thư cũng lưu ý đây là việc rất khó, nhưng là điểm trũng cần tháo gỡ. "Nhiều năm rồi có tiền không tiêu được hết, trong khi nhu cầu phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay ở nước ngoài. Tại sao? Vì đấu thầu nguyên quy trình đã hết năm rồi. Mấy tháng chọn thầu, mở thầu, mấy tháng chấm thầu. Làm gì còn thời gian thực thi, trong khi tiền ngân sách phải trong năm", Tổng Bí thư nêu và cho biết, đầu tư công quý 1 gần như không tiêu được cái gì cả vì vướng luật.

Đặc biệt, Tổng Bí thư cho rằng, muốn sửa luật Đấu thầu thì tổng kết lại xem đấu thầu có những "tội" gì? "Tội nặng lắm, tội chậm tiến độ phát triển, tội chất lượng kém, tội hư hỏng mất cán bộ mà lại không tiết kiệm nữa. Mục tiêu của đấu thầu để hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ và có những công trình tốt, nhưng không làm được. Vậy làm sao chữa được bệnh này?", Tổng Bí thư nêu.

Dẫn chứng từ việc đấu thầu trong lĩnh vực y tế, theo Tổng Bí thư, với cách đấu thầu thuốc như đấu giá thì "người bệnh Việt Nam không tiếp cận được với thuốc tiên tiến của thế giới". Người bệnh phải xách tay, ngoài luồng, tạo điều kiện cho buôn lậu, hàng giả. Trong khi bệnh viện cấp thuốc không ai uống cả, rất lãng phí. 

"Máy móc tiến bộ nhất, công nghệ hiện đại nhất người bệnh có tiếp cận được không? Đây là tội của ai, tội của các quy định và tội của việc thực thi. Ta phải chữa được những cái này", Tổng Bí thư yêu cầu.

Bên cạnh đó, các quy định trong luật cũng khiến đầu tư công, hợp tác công - công hay hợp tác công - tư đều khó khăn. Như hợp tác công - công, ngân sách nhà nước thiếu tiền, nhưng địa phương có muốn góp cũng không được vì vướng quy định. 

"BOT cũng chết, BT cũng chết. Chủ trương và chính sách nước nào cũng làm nhưng ở ta không làm được nên bỏ, cấm luôn. Sau lại thấy hay cho khôi phục lại. Những cái đó bức xúc lắm, dự án không thể đẩy nhanh được, đấu thầu không chọn được người tốt", Tổng Bí thư nói và nêu thực tế có những công ty xây dựng giỏi "họ chả cần đấu thầu mà cũng không thiếu gì việc". 

"Doanh nghiệp tư nhân mình rất ghẻ lạnh, không công bằng, nhưng có vốn đầu tư nước ngoài lại không sao cả. Doanh nghiệp tư nhân vốn nhà nước thậm chí tâm huyết còn hơn, nhưng nếu ông tham gia vào dự án thì nói chắc "thế nọ, thế kia", tự mình nghĩ thế nên không phát huy được", Tổng Bí thư nói.

Đáng chú ý, bất cập ở chỗ "doanh nghiệp tư nhân mua công nghệ, thậm chí mua cả nhà máy sản xuất ở nước ngoài nhưng về Việt Nam lại không được làm". Theo Tổng Bí thư, đó là những việc rất đau lòng, phải sửa luật để tháo gỡ, khơi thông nguồn lực rất lớn trong khu vực tư nhân. Làm sao giải ngân vốn đầu tư công nhanh, làm sao hợp tác được công - tư.

Tổng Bí thư cũng nêu: "Đấu thầu nói để chặn tiêu cực nhưng thực chất có chặn được không hay thông thầu, bán thầu hết rồi, che đậy cho nhau hết thôi. Cứ nói làm đường có máy nọ máy kia, nhưng thực tế bán thầu đến F9, F10, công nhân vẫn ngồi gánh đá, đập đá có thấy máy móc nào đâu. Những trường hợp như thế tại sao không lên án, tố cáo. Phải ngậm đắng nuốt cay dù tiền của mình. Ví dụ như khi xây nhà, tôi cũng không đấu thầu, tôi tìm ông kiến trúc sư, tìm ông xây dựng giỏi nhất làm cho tôi. Công trình nhà nước cũng phải trách nhiệm như với nhà mình", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn