Nhảy đến nội dung

Tôi loại ngay ứng viên nói 'đi làm vì đam mê' nhưng chê lương 10 triệu

Tôi năm nay hơn 40 tuổi, đã trải qua nhiều công ty khác nhau. Từ thời còn đi học, tôi đã làm lao động phổ thông, phục vụ, bảo vệ, bán hàng tự do, làm freelancer thiết kế website cho doanh nghiệp... Những năm đầu mới ra trường, tôi đồng hành với hai công ty khá lớn – một công ty 5 năm và một công ty 7 năm. Sau đó, do nhiều biến cố, tôi thay đổi tư duy và không còn muốn gắn bó quá lâu tại một nơi làm việc nữa.

Có một câu hỏi mà rất nhiều bạn trẻ mới ra trường thường hay trăn trở, đó là: sinh viên cần chuẩn bị những gì để tìm kiếm một cơ hội việc làm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường tuyển dụng? Hay tại sao có nhiều bạn trẻ bằng cấp loại ưu, nhưng vẫn bị loại, không thể vượt qua vòng phỏng vấn? Tôi cũng từng ngồi ở vị trí quản lý, phỏng vấn hơn 1.000 ứng viên đủ mọi cấp bậc – từ lao động phổ thông, bán hàng đến cấp Giám đốc. Sau đây là những chia sẻ của tôi về những gì đã trải qua, hy vọng sẽ mang đến cho các bạn một cái nhìn toàn diện nhất về vấn đề này:

Khi cần tuyển dụng, nếu có 50 hồ sơ cho một vị trí nào đó thì mức độ cạnh tranh sẽ rất cao. Người có bằng cấp cao hơn, thể hiện kinh nghiệm giá trị trên CV tốt hơn đương nhiên sẽ được ưu tiên gọi phỏng vấn trước. Có nhiều tiêu chí để chọn nhân sự, nhưng nếu có ba người giỏi ngang nhau, kinh nghiệm ngang nhau thì trên cương vị là người tuyển dụng, ai yêu cầu mức lương sát với thực tế, phù hợp với doanh nghiệp nhất sẽ được chúng tôi ưu tiên lựa chọn.

>> Tuổi 42 không xin được việc lương 10 triệu đồng

Doanh nghiệp luôn muốn bạn làm được nhiều việc nhất có thể với mức lương phù hợp. Việc thương lượng lương đầu vào cực kỳ quan trọng, vì những năm sau bạn sẽ rất hiếm khi được tăng lương quá 11% mỗi năm. Nhảy việc hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân, nhưng nếu hai năm liên tiếp không được tăng lương quá 5%, điều đó có thể đồng nghĩa với việc bạn đang xuống dốc và có thể bị tinh gọn bất cứ lúc nào.

Có hai khái niệm hay bị nhầm lẫn, đó là "người không có năng lực giúp công ty phát triển" (thể hiện qua việc không được tăng lương, không thăng tiến và cũng không thể chuyển sang công ty lớn hơn) và "người gắn bó cống hiến lâu dài". Quan điểm cá nhân của tôi là vòng đời tốt nhất tại một công ty nên từ 3 đến 5 năm là đủ, không nên ngắn hơn và cũng không cần dài hơn. Bởi đây cũng là khoảng thời gian mà các công ty thường có đợt rà soát, đánh giá và tái cơ cấu bộ máy nhân sự một lần.

Tôi từng gắn bó với một công ty rất lớn tới bảy năm. Thú thật, lý do là bởi chế độ ở đó quá tốt, lương khá, đồng nghiệp thân thiện, không chê vào đâu được, nên làm tôi không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Để đưa ra quyết định rời khỏi đó, tôi phải đấu tranh tư tưởng suốt hơn hai năm, khi trong thâm tâm còn nhiều lưu luyến.

Cuối cùng, câu hỏi lớn nhất mà mỗi người cần phải tự đặt ra cho mình là: chúng ta đi làm vì cái gì? Theo tôi, thứ quan trọng nhất vẫn là tiền, bởi có tiền mới lo được cho cha mẹ, vợ con, mua xe, mua nhà... Tiếp theo đó, một yếu tố quan trọng khác là được làm đúng chuyên ngành mình học và làm việc mình thích. Các bạn trẻ luôn cần kinh nghiệm và trải nghiệm và xem đây là lý do quan trọng để lựa chọn một công việc. Còn những người trên 35 tuổi sẽ ưu tiên yếu tố gia đình, như được gần cha mẹ, có thời gian cho con cái...

Tôi từng phỏng vấn một bạn trẻ nói rằng: "Em đi làm vì đam mê". Nghe vậy, tôi chỉ cười và hỏi lại: "Vị trí này thị trường đang trả mức lương khoảng 20 triệu đồng. Nếu công ty chỉ trả em 10 triệu và ký hợp đồng ba năm liền, liệu em có làm không?". Bạn đó trả lời không do dự: "Dạ không được ạ". Vậy là tôi hiểu mức độ đam mê của bạn tới đâu và chấm loại ứng viên.

>> Ăn mì gói 3 tháng vì 'nghỉ việc để thoát khỏi vùng an toàn'

Lại có một bạn khác, khi hỏi câu tương tự, bạn nói: "Không biết đi làm vì điều gì". Trường hợp này, tôi cũng quyết định loại ứng viên, vì nếu họ đi làm mà không rõ lý do, mục đích thì cũng sẽ không có động lực phấn đấu cho công việc sau này.

Với nhiều năm ngồi ghế phỏng vấn, tôi khuyên các bạn trẻ nên trải nghiệm thật nhiều cách kiếm tiền (hợp pháp) ngay từ thời sinh viên. Bằng chính số tiền tự mình kiếm được, bạn không chỉ có thể mua tặng người thân của mình những món quà nhỏ, mà còn có thể tham gia thử sức đầu tư lấy kinh nghiệm, đi du lịch đây đó lấy trải nghiệm... Tất cả những thứ đó đều rất hữu ích cho bạn sau này.

Cuối cùng, các bạn hãy xin làm thực tập sinh cho các doanh nghiệp ngay từ năm nhất đại học và duy trì cho tới lúc ra trường. Tóm lại, hãy trải nghiệm hết mức có thể khi còn là sinh viên, nó sẽ giúp bạn có sự tự tin, quyết liệt của tuổi trẻ - thứ mà nhà tuyển dụng rất cần với lực lượng nhân sự mới ra trường. Cộng với một bảng thành tích học tập tốt, chắc chắn bạn sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng lựa chọn mình.

GĐNS

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn