Nhảy đến nội dung
 

Tôi cho con về nghỉ hè với ông bà nội sau ly hôn

Mỗi mùa hè, tôi lại chuẩn bị một chiếc vali nhỏ, xếp đồ cho con gái út về quê nội. Con bé ríu rít hỏi mẹ: "Năm nay con về với ông bà bao lâu ạ?", "Một tháng như mọi năm con nhé", tôi mỉm cười đáp. Và cứ thế, con về quê, còn tôi tiếp tục công việc và duy trì một nhịp sống bình thường như mọi mùa hè khác.

Nghe qua, câu chuyện này có vẻ rất bình thường. Nhưng vấn đề ở đây là tôi và chồng cũ đã ly hôn được ba năm. Tuy vậy, dù cuộc hôn nhân không còn tiếp tục, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ cắt đứt mối quan hệ của con với ông bà nội. Sau ly hôn, điều tôi nghĩ đến đầu tiên không phải là làm sao để hai con gái của mình vẫn có thể lớn lên đủ đầy về tình cảm cả từ phía nhà nội, lẫn nhà ngoại?

Tôi và chồng cũ chia tay trong êm thấm. Dù không còn là vợ chồng, chúng tôi vẫn là bố và mẹ của hai đứa trẻ. Tôi không muốn những đứa con của mình lớn lên với cảm giác mất mát, thiếu thốn hay bị kéo vào cuộc chiến cảm xúc của người lớn. Bố mẹ chồng cũ từng là gia đình của tôi suốt 17 năm. Họ là ông bà nội của hai con gái tôi, là những người rất thương cháu gái của họ. Tôi không có lý do gì để cấm cản các con về thăm ông bà, cũng như không muốn tự biến mình thành một người mẹ ích kỷ.

Tôi và chồng cũ chia tay trong văn minh, không ầm ĩ, không tranh giành con cái, tài sản. Tôi không cố níu kéo, cũng không cay nghiệt hay hận thù. Vì tôi hiểu: người lớn không còn hợp nhau là điều có thể xảy ra, nhưng con trẻ không có lỗi. Từ ngày chia tay, tôi chưa bao giờ xem bố mẹ chồng cũ là "người dưng". Họ vẫn là ông bà nội của hai con gái tôi. Thỉnh thoảng, họ vẫn gọi điện hỏi thăm cháu, gửi quà và đón cháu về quê nghỉ hè. Họ đã già và tôi hiểu, việc mình cho con về quê nội không chỉ là tình thân mà còn là ký ức, là cuội nguồn.

>> Mang tiếng ích kỷ vì bỏ chồng khi con mới hai tuổi

Tôi từng tự hỏi: Có nên để con về quê nội không? Lỡ nhà nội nói chuyện gì không hay về tôi? Lỡ nhà nội đối xử phân biệt với con gái tôi? Nhưng rồi tôi hiểu tất cả những cái "lỡ" đó đều là suy nghĩ chủ quan của người lớn. Còn với con, ông bà nội vẫn là ông bà, quê nội vẫn là tuổi thơ và một tháng hè ấy có thể là những kỷ niệm không gì đánh đổi được.

Tôi nghĩ rằng, con trẻ có quyền được yêu thương đủ đầy từ cả hai phía, dẫu cha mẹ đã ly hôn. Con gái tôi luôn háo hức được về quê thăm ông bà nội, vì đó là khoảng thời gian con được sống với cây trái, ao cá, được nghe bà kể chuyện cổ tích, được ông đưa đi chợ quê, ra đồng ruộng hái rau, xem ông bà bắt cá dưới ao... Đó là những điều mà giữa thành phố, con chỉ nghe qua sách vở.

Tôi biết, ông bà nội vẫn thương con tôi như ngày xưa. Tình cảm ấy là thật dù bố con đã có gia đình mới. Và tôi không thể và không nên tước đi của con quyền được nhận đủ đầy sự yêu thương ấy. Quan trọng hơn cả, tôi muốn con cảm nhận rằng: dù bố mẹ không còn bên nhau, nhưng tình yêu của hai bên nội ngoại dành cho con vẫn còn nguyên vẹn. Chuyến đi hè mỗi năm đã dạy con tôi biết yêu thương nhiều hơn, biết trân trọng gia đình và cũng giúp con hiểu rằng: tình yêu không biến mất chỉ vì người lớn chia tay.

Cho con một mùa hè đủ đầy không phải là sự ngu ngốc, yếu mềm hay tiếc nuối, mà là trách nhiệm. Một số người hỏi tôi: "Chồng cũ có vợ mới rồi, sao chị vẫn để con về nhà nội?". Tôi không trách họ, vì ai cũng có lý do, có trải nghiệm riêng. Nhưng tôi nghĩ thế này: Nếu mình lấy cảm xúc cá nhân để ngăn con tiếp xúc với gia đình nội, mình đang để cái tôi người lớn làm nghèo đi tuổi thơ của con. Tôi cũng là một người mẹ, tôi hiểu rõ, mỗi đứa trẻ cần gì để lớn lên lành lặn, đó là tình yêu thương không bị phân biệt, không bị cắt xén chỉ vì người lớn đã không còn chung đường. Tôi chỉ sợ con lớn lên mà thiếu đi sự dịu dàng và tình cảm từ bên nội.

Mỗi lần đón con trở lại thành phố, thấy con lớn hơn một chút, hiểu chuyện hơn một chút, tôi tin rằng, nếu mình cư xử tử tế, con cũng sẽ học được cách sống tử tế từ đó. Tôi biết, có nhiều người ly hôn xong là "đóng sập" cánh cửa với bên nội. Họ nghĩ đó là cách để bảo vệ con hoặc giữ thể diện cho mình. Tôi thì khác. Việc tôi giữ mối quan hệ bình thường với gia đình chồng cũ không có nghĩa là tôi chưa buông bỏ. Trái lại, đó là khi tôi đủ mạnh mẽ để bước qua tổn thương, để đặt con lên trước cái tôi cá nhân.

Có người nói tôi "ngu ngốc, điên khùng". Có người chê "yếu đuối thế" hay "không sợ con mình bị ảnh hưởng bởi mẹ kế à?". Tôi chỉ mỉm cười. Tôi chọn giữ thái độ bình thường với chồng cũ - không hằn học, không thù hận, không chửi bới, không gieo rắc vào đầu con trẻ những từ ngữ không hay về bố chúng. Bởi nếu tôi ứng xử cực đoan, con tôi sẽ học được gì? Tôi không cần con lớn lên trong oán trách hay dằn vặt.

Và tôi tin, một ngày nào đó, khi lớn lên, con gái tôi sẽ hiểu: mẹ đã chọn làm điều đúng đắn, không phải vì mẹ yếu đuối, mà vì mẹ muốn các con lớn lên lành lặn. Có lẽ tôi "lạ" trong mắt nhiều người. Nhưng tôi nghĩ cách cha mẹ sống sau ly hôn chính là "giáo trình âm thầm" dạy con về cách làm người. Tôi chọn cách sống tử tế.

Và nếu có ai đó còn lưỡng lự: "Có nên cho con về nhà bố mẹ chồng cũ nghỉ hè không?", tôi sẽ nhẹ nhàng trả lời: Hãy nghĩ cho con không phải bằng cảm xúc, mà bằng trái tim của một người mẹ muốn con lớn lên trọn vẹn.

Vũ Thị Minh Huyền

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn