Nhảy đến nội dung
 

Toàn cảnh phần tranh luận Trương Mỹ Lan được đề nghị giảm án chung thân

Trương Mỹ Lan không được đề nghị giảm 30 tỉ đồng án phí

Trước đó vào năm 2024, bị cáo Trương Mỹ Lan (69 tuổi) bị TAND TP.HCM phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hơn 30.000 tỉ đồng), 12 năm tù tội rửa tiền (hơn 445.000 tỉ đồng), 8 năm tù tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (hơn 106.000 tỉ đồng). Tổng hợp hình phạt mà bị cáo Lan phải lãnh là án chung thân.

Đồng thời, tòa buộc bị cáo Lan bồi thường hơn 30.000 tỉ đồng, tương ứng với mỗi trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá 100.000 đồng, cho hơn 35.000 người dân.

Trong phần tranh luận tại cấp phúc thẩm, theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan ở cả 3 tội danh trên là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Tuy nhiên, tính đến ngày 21.3, bị cáo đã thi hành án ở giai đoạn 1 được khoảng 7.000 tỉ đồng, giai đoạn 2 được khoảng 1.000 tỉ đồng. Số tiền cả hai giai đoạn khoảng 8.000 tỉ đồng…

"Số tiền bị cáo Lan đã thi hành đến giai đoạn này tương đương 1/4 trách nhiệm. Đây là tình tiết mới ở cấp phúc thẩm", Viện kiểm sát nêu. Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM sửa án sơ thẩm, giảm án tù chung thân về lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hơn 30.000 tỉ đồng) cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Ngoài ra, ở phần xét hỏi trước đó, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho rằng, theo quy định pháp luật, người cao tuổi trên 60 tuổi là được miễn đóng án phí. Vì thế bị cáo Lan xin tòa được miễn đóng án phí 30 tỉ đồng, mà tòa sơ thẩm đã tuyên. "Trong trường hợp không được, bị cáo vẫn chấp hành", bị cáo Lan nói.

Về vấn đề này, Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo không thuộc hoàn cảnh khó khăn nên không được xem xét.

Trước đó, bị cáo Lan không đồng tình với bản án sơ thẩm nên đã kháng cáo toàn bộ bản án. Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm trên vì cho rằng bị quy buộc cả 3 tội danh trên là không đúng.

Chồng Trương Mỹ Lan không kháng cáo cũng được đề nghị giảm án

Đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị tòa cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Chu Lập Cơ (người Hồng Kông, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) vì tích cực khắc phục hậu quả, mặc dù bị cáo này không kháng cáo. Bị cáo Chu Lập Cơ bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù, đồng phạm giúp sức với vợ rửa 33 tỉ đồng.

Bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu bị cáo Lan) và nhiều bị cáo khác được Viện kiểm sát đề nghị giảm từ 6 - 18 tháng tù so với án sơ thẩm. Các bị cáo đã thành khẩn khai báo, nộp lại một phần tiền để khắc phục hậu quả… Bị cáo Huệ Vân bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các trái chủ.

Riêng 3 bị cáo: Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula), Viện kiểm sát cho rằng bản án sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội. Tại cấp phúc thẩm các bị cáo không có tình tiết mới nên Viện kiểm sát đề nghị tòa bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Viện kiểm sát cũng đề nghị tòa tiếp tục kê biên, phong tỏa 13 tỉ đồng của bị cáo Bùi Văn Dũng (tài xế của bị cáo Trương Mỹ Lan). Đề nghị xem xét trả lại đồng hồ và điện thoại cho bị cáo Trương Huệ Vân nếu không liên quan vụ án.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mong được giảm án sâu

Phần tự bào chữa, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đề nghị tòa giảm án sâu cho bị cáo và xem xét lại về trái phiếu hơn 30.000 tỉ đồng. Bởi theo bị cáo phải là 28.000 tỉ đồng mới đúng.

"Đề nghị tòa giảm án sâu cho bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm nay bị cáo đã gần 70 tuổi rồi, 10 năm nữa không biết có sống được 80 tuổi không", bị cáo Lan nói.

Về phần dân sự, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trả lại dự án 6A (ở H.Bình chánh TP.HCM), khách sạn Windsor, 85% cổ phần tại Công ty Quê Hương cùng 173 tài sản khác, và 65 tài sản mà bị cáo dùng để bảo lãnh cho bị cáo Dương Tấn Trước.

Đối đáp lại tranh luận của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát cho biết, tại cấp phúc thẩm không có tình tiết nào mới làm thay đổi bản chất vụ án. Tuy nhiên, các bị cáo thể hiện ăn năn hối cải, bị cáo Trương Mỹ Lan nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác.

Đối với phần tranh luận của bị cáo Lan, đề nghị xem xét bị cáo không tham gia phát hành trái phiếu. Về vấn đề này, Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Bùi Văn Dũng (lái xe của bị cáo Lan) đã nhiều lần nhận tiền từ ngân hàng chở về tòa nhà ở Q.3 (TP.HCM) theo chỉ đạo của bị cáo Lan. Một tài xế không thể làm được gì nếu không có mệnh lệnh của bị cáo Lan.

"Chính những hành vi gian dối của bị cáo dẫn đến các trái chủ tin và mua trái phiếu", đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm.

Đối với yêu cầu để bị cáo Trương Mỹ Lan được thực hiện các quyền của cổ đông hơn 91% cổ phần, đề nghị tham gia phương án phục hồi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), theo Viện kiểm sát đây là vấn đề không thuộc phạm vi xét xử nên không tranh luận lại.

Luật sư đề nghị cho bị cáo Trương Mỹ Lan tham gia vào giai đoạn kê biên xử lý tài sản, Viện kiểm sát cho rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án nên đề nghị luật sư và bị cáo liên hệ với cơ quan này.

Việc luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng việc sử dụng kết luận giám định của công ty Hoàng Quân không đảm bảo, gây bất lợi cho bị cáo, theo Viện kiểm sát vấn đề này thuộc giai đoạn 1, nên không tranh luận lại.

"Hành vi sử dụng tiền từ nguồn tiền phạm tội để tiến hành kinh doanh, hoặc hoạt động khác, nên bản án sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội rửa tiền là có căn cứ", đại diện Viện kiểm sát nhận định.

Về việc thu hồi vật chứng để trả cho các trái chủ, căn cứ vào hồ sơ, đối với số tiền hơn 15.000 tỉ đồng, cấp sơ thẩm đã kiến nghị Bộ Công an bóc tách xử lý theo quy định. Việc chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam thông qua các hợp đồng khống, không đúng quy định, nên đây là hành vi vận chuyển tiền trái phép qua biên giới. Từ đó Viện kiểm sát cho rằng: "Các bị cáo vận chuyển tiền này là phương thức phạm tội mới"…

Cháu gái Trương Mỹ Lan nói gì?

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Trương Huệ Vân cho rằng, về bản chất, các công ty ma, các lô trái phiếu chính là công cụ để cho SCB sinh tồn. Hệ lụy cũng phát sinh rồi, có hơn 35.000 bị hại bị ảnh hưởng, còn các bị cáo thì phải trả giá quá đắt. Huệ Vân mong tòa có bản án mang tính răn đe hơn là trừng phạt.

Chủ tọa phiên tòa cho biết đối với những sai phạm, tùy vào tính chất, mức độ, hành vi phạm tội tòa sẽ tiếp tục xem xét. "Pháp luật rất nhân văn, nếu các bị cáo ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, tòa sẽ ghi nhận và đánh giá", chủ tọa nói.

Với vai trò là Tổng giám đốc Công ty WMC, bị cáo Trương Huệ Vân đã ký các hợp đồng, chứng từ khống để công ty chuyển 13.000 tỉ đồng cho Công ty An Đông mua trái phiếu sơ cấp. Bị cáo đồng phạm với cô ruột Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của các bị hại.

Sau khi nghe các bên tranh luận, hôm 9.4, chủ tọa thông báo phiên tòa tạm dừng để tòa làm việc lại với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhằm làm rõ số tiền trong vụ án. Bởi đây là số tiền quá lớn, sẽ ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bị cáo. Ngày mai (14.4), tòa tiếp tục làm việc.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt án tử hình ở giai đoạn 1

Trong giai đoạn 1 của vụ án, cuối năm 2024, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm tuyên phạt y án sơ thẩm tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về 3 tội danh: tham ô tài sản (tử hình), đưa hối lộ (20 năm tù), vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (16 năm tù; sơ thẩm 20 năm tù).

Tòa còn buộc bị cáo Lan phải bồi hoàn cho SCB hơn 673.000 tỉ đồng.