Nhảy đến nội dung
 

Tình thế từ chính sách thuế của Mỹ

Chính sách thuế của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump khiến nhiều nền kinh tế gặp khó và chính Washington cũng đối mặt thách thức không nhỏ.

Hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố mức thuế đối với các tấm pin mặt trời đến từ một số nước Đông Nam Á.

Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương gặp khó

Trong đó, mức thuế dành cho các tấm pin mặt trời của Campuchia là 3.403,96%, Thái Lan là 799,55%... Lý do được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra là vì "được hưởng lợi từ các hỗ trợ không công bằng" và hàng hóa do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất tại một số nước Đông Nam Á để "lách thuế". Ủy ban Thương mại liên minh sản xuất thiết bị quang năng Mỹ cáo buộc các công ty Trung Quốc hoạt động ở Đông Nam Á, bán các linh kiện thiết bị quang năng thấp hơn giá thị trường và nhận được trợ cấp không công bằng khiến các tấm pin mặt trời của Mỹ không thể cạnh tranh.

Không riêng gì các nền kinh tế Đông Nam Á, mà mở rộng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đều đang đối mặt thách thức lớn từ Chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Mặc dù, Washington "ân hạn" 90 ngày để đàm phán thuế đối ứng, nhưng phần thuế cơ bản 10% vẫn đang áp dụng và kết quả đàm phán sau cùng được cho là khó có chuyện quay về mức như trước kia.

Chính vì thế, trong phân tích gửi đến Thanh Niên mới đây, Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn Moody's, đã hạ thấp dự báo tăng trưởng so với mức dự báo hồi tháng 3 đối với nhiều nền kinh tế ở APAC. Điển hình, kinh tế Trung Quốc đại lục được dự báo chỉ còn tăng trưởng 4% trong năm nay, thấp hơn mức dự báo trước đó là 4,2% và cách xa chỉ tiêu 5% mà chính phủ Trung Quốc đề ra. Tương tự, dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc giảm từ 1,5% còn 1,2%, Ấn Độ từ 6,4% xuống còn 6,1%, Indonesia từ 5% xuống còn 4,8%, Philippines từ 5,9% còn 5,8%, Singapore từ 2,7% xuống còn 2,5%...

Một vấn đề mà nhiều nền kinh tế APAC đang đối mặt chính là sức ép từ Trung Quốc khi đàm phán với Mỹ. Theo Reuters, đại diện chính quyền Trung Quốc ngày 21.4 cáo buộc Mỹ lạm dụng thuế quan, Bắc Kinh đồng thời cảnh báo các nền kinh tế khác không nên đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ bằng cách gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc đe dọa nếu điều đó xảy ra thì "sẽ thực hiện các biện pháp đối phó một cách kiên quyết và có đi có lại".

Liên quan vấn đề "lách thuế", hải quan Hàn Quốc ngày 21.4 thông báo phát hiện nhiều vụ việc hàng hóa nước ngoài, chủ yếu là hàng hóa Trung Quốc, "bùa phép" xuất xứ thành hàng hóa của Hàn Quốc để tránh thuế khi xuất khẩu vào Mỹ.

Mỹ giằng co với lãi suất

Trong khi đó, kinh tế Mỹ cũng đối mặt thách thức không nhỏ. Theo tờ The New York Times, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường chỉ trích nhằm vào Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) Jerome H. Powell đang khiến giới đầu tư lo lắng. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đang tiếp tục đà đi xuống vì e ngại đối với sự không chắc chắn trong chính sách kinh tế của nước này, nhất là trong bối cảnh chính sách thuế quan đang gây nhiều xáo trộn.

Tuần qua, khi chỉ trích ông Powell, chủ nhân Nhà Trắng quy kết Fed phải chịu trách nhiệm nếu không cắt giảm lãi suất điều hành dẫn đến kinh tế Mỹ suy thoái. Trong khi Tổng thống Trump gây sức ép để Fed cắt giảm lãi suất điều hành thì ông Powell lo ngại điều đó sẽ không thể kiềm chế lạm phát vì giá cả leo thang do chính sách thuế của Nhà Trắng khiến nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng giá. Theo thống kê, trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 2 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 2,5%, tức cao hơn mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Nhưng đó là thời điểm mà Nhà Trắng chưa công bố thuế đối ứng, nên lạm phát có thể còn tăng cao hơn nữa.

Năm ngoái, Fed đã dần cắt giảm lãi suất điều hành sau một thời gian neo ở mức cao để ứng phó lạm phát do đại dịch Covid-19. Tổng cộng, Fed đã cắt giảm 1 điểm phần trăm. Thế nhưng, từ cuối năm ngoái thì Fed tạm dừng cắt giảm lãi suất do lo ngại chính sách thuế của ông Trump khiến lạm phát quay lại. Lãi suất hiện vẫn ở mức 4,25 - 4,5%.

Theo dữ liệu do Fed New York công bố ngày 14.4, người tiêu dùng Mỹ có thể đối mặt với lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong năm tới. Cụ thể, trong 5 năm tới thì lạm phát ở mức 3% mỗi năm.

Chính vì thế, Mỹ thực tế đang rơi vào thế lưỡng nan giữa chính sách thuế và lãi suất điều hành vốn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nền kinh tế nước này.