Tinh gọn để không ai thừa

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính hiệu quả của bộ máy hành chính không chỉ phụ thuộc vào số lượng bộ ngành và số lượng cán bộ trong bộ máy đó mà còn phụ thuộc vào khả năng tương tác giữa các bộ phận chức năng sao cho vừa có sự phân định nhiệm vụ rõ ràng, vừa có sự phối hợp ăn ý với nhau.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến tính hiệu quả, tinh gọn của bộ máy Nhà nước, bởi theo Người, bộ máy Nhà nước là công cụ hữu hiệu để phục vụ nhân dân chứ không phải là gánh nặng cho nhân dân. Bàn về vấn đề này, Hồ Chí Minh đã có hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc.
Thừa cán bộ sẽ sinh bệnh lười biếng
Thứ nhất, Hồ Chí Minh xác định tiêu chí của một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Theo Người, tiêu chí đầu tiên của một bộ máy tinh gọn là ít bộ - ngành, ít tầng nấc, ít cán bộ nhưng vẫn thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Là người luôn gắn tư tưởng với hành động, trong mọi chặng đường cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thiết lập bộ máy Chính phủ gọn nhẹ.
Trước thềm Cách mạng Tháng Tám, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào đã cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Sau Cách mạng Tháng Tám, Ủy ban giải phóng dân tộc khi cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời vẫn giữ cơ cấu 15 người với 13 bộ. Ra đời sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến chỉ gồm 12 thành viên và 10 bộ. Trả lời câu hỏi của các phóng viên vì sao Chính phủ chỉ có 10 bộ, Người đã nói: "Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ" [1].
Sau khi thiết lập bộ máy hành chính T.Ư, Hồ Chí Minh chỉ đạo việc xây dựng Ủy ban nhân dân các cấp theo phương châm gọn nhẹ về tổ chức, rõ ràng về chức năng nhiệm vụ. Trong bài viết Cách thức tổ chức các ủy ban nhân dân, Bác giải thích: "Ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương... Ủy ban có từ 5 đến 7 người" [2].
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính hiệu quả của bộ máy hành chính không chỉ phụ thuộc vào số lượng bộ ngành và số lượng cán bộ trong bộ máy đó mà còn phụ thuộc vào khả năng tương tác giữa các bộ phận chức năng sao cho vừa có sự phân định nhiệm vụ rõ ràng, vừa có sự phối hợp ăn ý với nhau. Vì thế, Người nhấn mạnh: "Chúng ta tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người làm không tròn nhiệm vụ là hỏng cả" [3]. Tinh gọn đến mức không có ai thừa ra trong bộ máy đó, đồng bộ đến mức hành động của một người tác động đến sự vận hành của cả một bộ máy - đó là quan điểm của Hồ Chí Minh về tiêu chí của bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Thứ hai, Hồ Chí Minh sớm đặt ra yêu cầu tinh giản biên chế. Khi chính quyền nhân dân thành lập mới chỉ hơn 1 tháng, Bác đã nhìn thấy thực trạng "trong một ủy ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc: nào ngoại giao, nào tư pháp, nào tài chính" [4]. Vì thế, Người yêu cầu ủy ban các cấp phải có sự phân công công việc rành mạch theo đúng sở trường, trong quá trình vận hành phải thường xuyên xem xét, đánh giá hiệu quả công việc của từng người để điều chỉnh cho phù hợp. Sự rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của mỗi người và công tác sàng lọc cán bộ buộc mọi người phải làm tốt công việc của mình và khi hăng hái làm việc thì "những khuyết điểm lặt vặt cũng tự sửa chữa được nhiều" [5].
Ngược lại, việc dư thừa cán bộ sẽ làm nảy sinh căn bệnh lười biếng, ỷ lại và nguy cơ "nhàn cư vi bất thiện". Đáng chú ý là ngay khi bộ máy Nhà nước vẫn trong giai đoạn hình thành, Hồ Chí Minh đã yêu cầu: "Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các ủy ban cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản)... Vô luận thế nào cũng phải tìm đủ cách để biên chế các cơ quan lại" [6]. Người nói rõ mục tiêu tinh gọn bộ máy không chỉ là giảm cơ học các đầu mối, con người trong bộ máy Nhà nước và đoàn thể mà là nâng cao năng suất và trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy đó. Do đó, chủ trương tinh giản biên chế của Hồ Chí Minh không chỉ xuất phát từ lòng thương yêu nhân dân mà còn từ sự quý trọng cán bộ, mong muốn đào tạo họ thành những cán bộ, công chức có tâm, có tầm, thu phục được lòng dân.
Tuyệt đối không đưa người tư vào làm việc công
Thứ ba, Hồ Chí Minh đề ra hệ thống giải pháp hữu hiệu để xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức công vụ, ý thức nâng cao năng suất lao động và quyết tâm sửa đổi lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Tính hiệu quả của bộ máy hành chính còn phụ thuộc vào công tác tổ chức và nghệ thuật dùng người. Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều cán bộ xuất thân từ tầng lớp lao động đã trở thành người quản lý trong khi chưa được đào tạo về nghiệp vụ quản lý hành chính. Cái duy nhất họ có khi đó chỉ là nhiệt tình cách mạng, cái yếu nhất của họ là kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức như Hồ Chí Minh đã nhận xét: "Ta có thể nói: một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các ủy ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức" [7]. Vì thế, muốn nâng cao tính hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước thì phải khắc phục căn bệnh "thiếu óc tổ chức", phải sắp xếp bộ máy Nhà nước theo phương hướng: "Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ" [8].
Tính hiệu quả của bộ máy còn phụ thuộc rất lớn vào việc sử dụng cán bộ có khéo hay không. Kế thừa quan điểm của ông cha "dụng nhân như dụng mộc", Hồ Chí Minh yêu cầu người đứng đầu các tổ chức phải biết tùy tài mà dùng người, "tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy" [9]; hết sức tránh việc "thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao". Muốn có bộ máy tinh gọn, hiệu quả thì phải đẩy lùi trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo căn bệnh tư túng, bè phái, địa phương chủ nghĩa. Hồ Chí Minh yêu cầu người có quyền chức tuyệt đối không được "đưa người tư vào làm việc công" bởi những cán bộ tiến thân bằng quan hệ chứ không phải bằng đạo đức, năng lực sẽ chỉ làm hao tiền, tốn của, mất thời gian, mất lòng tin của dân. Ý tưởng về nhà nước tinh gọn, hiệu quả của Hồ Chí Minh, suy cho cùng, xuất phát từ tư tưởng vì dân. Ngược lại, để vì dân, phục vụ nhân dân một cách hiệu quả hơn thì phải tinh gọn bộ máy Nhà nước một cách kiên quyết và kiên trì.
Là tổng công trình sư của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh không chỉ nhìn thấy những gì đang diễn ra mà còn mường tượng rõ những điều sẽ diễn ra và sớm đề ra phương hướng khắc phục. Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã phải dùng đến 70% ngân sách để "nuôi" bộ máy cồng kềnh, do đó, nguồn lực dành cho đầu tư, phát triển là quá ít. Không chỉ lãng phí tiền bạc, bộ máy cồng kềnh còn gây lãng phí nhân lực và phiền nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Việc tinh gọn bộ máy lúc này không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà còn tạo cơ sở để cải cách thể chế - điều đang bị coi là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" của sự phát triển. Lý do là bởi chủ thể của thể chế chính là hệ thống chính trị; muốn có đột phá về thể chế thì phải đột phá vào cái đã sinh ra nó.
Cách mạng muốn thắng lợi phải có thời cơ. Đây chính là "thời điểm vàng" để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới; việc tinh gọn bộ máy chính là "dọn đường băng" để "cất cánh" nhằm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Không dừng ở bộ máy Nhà nước, việc tinh gọn toàn bộ hệ thống chính trị của Đảng hiện nay chính là sự kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân trong bối cảnh mới. Quyết tâm và thực hiện thành công chủ trương này sẽ là minh chứng về lòng trung thành đi đôi với tinh thần sáng tạo, đổi mới của Đảng đối với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.146.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.12.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.219.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.42.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.284.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.367.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.42.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.132.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.43.