Nhảy đến nội dung

Tình bạn 50 năm của 2 phi công phi đội hào hoa đánh Tân Sơn Nhất

Cách đây 50 năm, vào đúng ngày này, ông Từ Đễ và ông Trần Văn On là các thành viên của Phi đội Quyết thắng tham gia trận đánh "có một không hai" vào sân bay Tân Sơn Nhất.

LTS: 50 năm sau chiến thắng lịch sử, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới – “xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam”. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.

Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn thắng lợi của cuộc kháng chiến, là ý chí bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc và thống nhất non sông, là niềm tin bước vào Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.  

VietNamNet mời độc giả gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân trong những thời khắc lịch sử.

Đứng trước dinh Độc Lập vào một ngày tháng Tư, trong niềm tự hào, ông Từ Đễ và ông Trần Văn On ngước nhìn bầu trời - nơi sẽ diễn ra màn trình diễn của lực lượng Không quân Việt Nam tại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Cả hai ông đều là phi công của Phi đội Quyết thắng - một phi đội với những thành viên hào hoa, toàn tài. Đây là đơn vị thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975.

Trong cuộc không kích quan trọng vào sân bay Tân Sơn Nhất cách đây 50 năm, không quân ta đã phá hủy 24 máy bay các loại cùng nhiều kho xăng và vũ khí của địch, góp phần rất lớn cho thắng lợi của ngày 30/4/1975.

Trong ảnh là phi công Từ Đễ (thứ 3 từ trái qua) và phi công Trần Văn On (thứ 3 từ phải qua) cùng Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều muộn 28/4/1975. Cả 6 phi công vừa rời máy bay, trong tay mỗi người cầm mũ bay, cười rạng rỡ sau khi thắng trận trở về. 

Tháng Tư năm nay, nhân chuyến đi từ Tiền Giang lên TPHCM để quay phim tư liệu, ông On có dịp gặp lại người đồng đội cũ. Cả hai xúc động hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia đình rồi bắt đầu kể cho nhau nghe đủ mọi chuyện. Các ông cùng nhau ôn lại những ngày bay lượn trên bầu trời, lập chiến công hiển hách.

Ông Đễ nhớ lại lần đầu tiên gặp ông On: "Anh Trần Văn On và anh Trần Ngọc Sanh khi ấy là 2 phi công từng làm việc cho chế độ cũ, được tiếp nhận vào sân bay sân bay Phù Cát để làm người hướng dẫn về kỹ thuật và cách sử dụng máy bay A-37. Sau một chút e dè, ngại ngần khi tiếp xúc với những phi công từng ở bên kia chiến tuyến thì chúng tôi đã nhanh chóng hòa đồng. Và thế là tất cả lập tức cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc.

Khi ấy, chúng tôi cư xử với nhau dựa trên sự tôn trọng trình độ, lòng yêu nước chứ không phân biệt ai từng là không quân chế độ cũ hay không quân miền Bắc. Bao nhiêu năm đến giờ, anh On vẫn giữ sự hiền lành, chân chất của người miền Tây. Tình bạn 50 năm của chúng tôi vẫn đậm sâu".

50 năm trước, các phi công lúc đó chỉ có vỏn vẹn vài ngày làm quen với máy bay A-37 để chuẩn bị cho việc ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây là loại máy bay ta mới thu được của địch. Thiết bị trên A-37 được bố trí hoàn toàn khác biệt so với các loại máy bay mà các phi công của ta từng điều khiển trước đó, từ vị trí phanh cho đến các công tắc.

Đặc biệt, trong quá trình huấn luyện chuyển loại, các phi công Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On và Trần Ngọc Sanh phải dịch các ký hiệu và chữ viết ra tiếng Việt, sau đó ghi chép và dán đè lên những phần chữ tiếng Anh trên máy bay.

“Vậy mà họ tiếp thu rất nhanh. Thời gian từ khi bắt đầu huấn luyện chuyển loại đến khi thực hiện nhiệm vụ chỉ có vài ba ngày” - ông On rất ấn tượng với các phi công cách mạng.

Trong buổi gặp tại dinh Độc Lập, ông On xúc động: "Tôi vui vì đồng đội dù lớn tuổi nhưng vẫn hẹn nhau gặp mặt ở Sài Gòn để hàn huyên chuyện cũ".

Câu chuyện của 2 cựu phi công, nay đều xấp xỉ tuổi 80, tiếp tục được kể lại khi các ông cùng ghé thăm bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (đường Lê Duẩn, quận 1).

Thuyết minh viên ở bảo tàng rất bất ngờ khi nhận ra ông Từ Đễ và ông Trần Văn On. Lập tức, cô giới thiệu họ với nhóm học sinh đang tham quan tại đây. 

"Giới thiệu với các em, đây chính là 2 trong số 6 phi công của Phi đội Quyết thắng" - cô hào hứng nói.

Ông Đễ vui vẻ giới thiệu người đồng đội và giao lưu với các em học sinh. "Ông còn nhớ chuyện này không?", "Lúc đó có 3 người nhỉ?"... Chốc chốc, ông Đễ lại quay sang hỏi ông On, rồi cả 2 bật cười.

Ông Đễ nói: "Chừng nào còn khỏe, còn nhớ thì chúng ta phải kể hết lịch sử cho mọi người biết". Những câu nói này của ông giản dị nhưng đầy trách nhiệm trong việc truyền lại ký ức lịch sử cho thế hệ sau.

Cả 2 cựu phi công như được trở về những ngày tháng lịch sử năm 1975 khi xem lại những hiện vật, tư liệu tại bảo tàng.

Lúc 16h17 ngày 28/4/1975, Phi đội Quyết thắng được lệnh cất cánh. Phi đội bay theo hình chữ A do phi công Nguyễn Thành Trung bay vị trí số 1 dẫn đường, Từ Đễ bay số 2, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On bay số 5.

“Chúng tôi phải bay cặp theo bờ biển, ở độ cao khá thấp, khoảng 300-400m để tránh bị radar phát hiện. Khi vào đến nơi, từng chiếc một cắt bom đúng mục tiêu rồi thoát ly, bay về. Chúng tôi chỉ đánh vào hangar - nơi chứa máy bay, chứ không đánh vào đường băng.

Chúng tôi vào đánh bom mà dưới sân bay Tân Sơn Nhất không biết là ai. Ở loạt bom đầu tiên, họ cứ nghĩ là có người bên trong làm phản. Sở chỉ huy sân bay Tân Sơn Nhất liên tục hỏi “A-37 của không đoàn nào?", "A-37 của phi đoàn nào?” nhưng chúng tôi im lặng, không trả lời.

Đến lượt tôi là máy bay cuối cùng, cắt một lần hết 4 trái bom. Bay từ Phan Rang vào nên tôi chỉ mang theo 4 trái bom vì phải gắn thêm 4 bình xăng phụ. Khi bay về, đáp xuống là vừa hết xăng, may mà không rớt máy bay” - ông On vui vẻ kể lại.

Ông On cũng chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc với lời Tư lệnh Lê Văn Tri (Trung tướng, 1920- 2006) không cho ném bom đường băng Tân Sơn Nhất. Tư lệnh Tri nói 'Chúng ta đánh cho quân Mỹ chấn động, hoảng sợ mà rút. Vì thế, phải dành đường băng nguyên lành cho chúng rút, chứ nếu ùn ứ lại thì chiến tranh sẽ kéo dài, thương vong sẽ lớn'”.

Trong bảo tàng hiện trưng bày nắp buồng lái máy bay hạng nhẹ của Mỹ trang bị cho Không quân Việt Nam cộng hòa và bộ đồ bay mà phi công Từ Đễ sử dụng trong trận đánh Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975.

Hai người đàn ông lớn tuổi đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc mỗi khi được gặp lại những thành viên Phi đội Quyết thắng ngày ấy. 

"Thời điểm mà Tư lệnh Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ, trao cho tôi - một phi công của chế độ cũ - bộ quần áo phi công của quân giải phóng là vô cùng đặc biệt. Tôi không bao giờ quên giờ phút đó" - ông On xúc động chia sẻ.

Cuối buổi gặp, ông Đễ và ông On hẹn sẽ cùng dự khai trương nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất - nơi từng là chiến trường xưa, rồi tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước...