Nhảy đến nội dung
 

Tin tức thế giới ngày 3-5: Mỹ có thể diễu binh dịp sinh nhật ông Trump; Ukraine mua vũ khí Mỹ

Mỹ có kế hoạch tổ chức diễu binh dịp sinh nhật ông Trump; Washington cắt giảm nhân sự tình báo; Ông Trump viện trợ hơn 3 tỉ USD cho World Bank; Đức đưa Đảng AfD cực hữu vào danh sách tổ chức cực đoan... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 3-5.

Mỹ có kế hoạch tổ chức diễu binh dịp sinh nhật ông Trump

Dẫn các nguồn thạo tin, Hãng tin Reuters ngày 2-5 cho biết quân đội Mỹ đang lập kế hoạch đưa hơn 6.500 binh sĩ, cùng khoảng 150 phương tiện và 50 chiến đấu cơ, đến Washington cho cuộc diễu binh nhằm mừng lễ kỷ niệm 250 năm thành lập quân đội Mỹ và dịp sinh nhật Tổng thống Donald Trump.

Trước đó, quân đội Mỹ được cho là đã có kế hoạch đưa quân và trang thiết bị đến công viên National Mall ở thủ đô Washington vào tháng 6 tới như một phần của lễ kỷ niệm thành lập. 

Tuy nhiên, các quan chức giấu tên tiết lộ rằng kế hoạch trên bây giờ bao gồm một cuộc diễu binh khi ngày kỷ niệm này cũng trùng với sinh nhật lần thứ 79 của ông Trump.

Theo các tài liệu mà Reuters xem được hôm 2-5, quân đội Mỹ sẽ tổ chức một tuần lễ kỷ niệm, với cao trào là cuộc diễu binh vào ngày 14-6 (ngày sinh nhật ông Trump).

Một quan chức Mỹ cho biết kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm mới đây nhất bao gồm việc huy động thêm hàng ngàn quân nhân và hàng chục phương tiện quân sự. 

Quan chức này nói thêm rằng kế hoạch vẫn chưa được Nhà Trắng hoặc lãnh đạo cấp cao của Lầu Năm Góc phê duyệt. 

Nhà Trắng xác nhận ông Trump sẽ tổ chức lễ diễu binh cho các cựu chiến binh và quân nhân nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Trong khi đó, Mỹ rất hiếm khi tổ chức diễu binh.

Washington cắt giảm nhân sự tình báo

Theo báo Washington Post ngày 2-5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch cắt giảm nhân sự đáng kể tại Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và các đơn vị gián điệp lớn khác.

Theo các nguồn thạo tin, CIA đang có kế hoạch cắt giảm 1.200 vị trí, cùng với hàng ngàn vị trí từ nhiều đơn vị khác trong cộng đồng tình báo Mỹ.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, ông Trump và đồng minh là tỉ phú Elon Musk đã tiến hành chiến dịch cắt giảm chi phí liên bang, bao gồm việc tinh giản hoặc giải thể nhiều cơ quan chính phủ, dẫn đến việc hơn 200.000 viên chức mất việc.

Ông Trump viện trợ hơn 3 tỉ USD cho Ngân hàng Thế giới

Ngày 2-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản đóng góp 3,2 tỉ USD cho Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (World Bank). IDA là tổ chức cung cấp các khoản vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất cho các quốc gia nghèo nhất thế giới.

Số tiền này sẽ được phân bổ trong 3 năm. Các chuyên gia tài chính quốc tế dành lời khen ngợi cho đề xuất này của ông Trump, trước những lo ngại cho rằng tổng thống Mỹ sẽ cắt giảm khoản tài trợ cho IDA như đã cắt giảm các khoản viện trợ nước ngoài của Washington trước đó.

Cựu tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết góp 4 tỉ USD cho quỹ này, nhưng số tiền đó vẫn chưa được chuyển đến IDA.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ tiết lộ với báo giới rằng các đề xuất ngân sách công bố hôm 2-5 của ông Trump đã cắt giảm 49 tỉ USD dành cho viện trợ nước ngoài.

Ukraine mua gói thiết bị và bảo dưỡng F-16 từ Mỹ

Ngày 2-5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt một thỏa thuận với Ukraine về việc đào tạo và trang bị cho chiến đấu cơ F-16, loại vũ khí mà cựu tổng thống Joe Biden đã bật đèn xanh cho việc chuyển giao cho Kiev trong khuôn khổ chiến sự với Nga.

Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa qua đã thông báo đến Quốc hội rằng họ đã đồng ý bán cho Ukraine 310,5 triệu USD trị giá thiết bị và các dịch vụ bảo dưỡng phi cơ F-16.

Theo Hãng tin AFP, thỏa thuận do Kiev chi trả này được đưa ra sau khi ông Trump chỉ trích việc Washington dưới thời ông Biden đã chi hàng tỉ USD nhằm hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine trong lúc chiến sự.

Ukraine đã nhận được lô F-16 đầu tiên vào giữa năm 2024, sau hai năm Kiev thúc giục cựu tổng thống Mỹ Biden viện trợ.

Đức đưa Đảng AfD cực hữu vào danh sách 'tổ chức cực đoan'

Ngày 2-5, Cơ quan Tình báo nội địa Đức (BfV) đã đưa Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cực hữu vào danh sách các tổ chức cực đoan, một động thái cho phép cơ quan này giám sát chặt chẽ hơn chính đảng nhận được ủng hộ lớn thứ hai trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 2 vừa qua này.

Báo cáo dài 1.100 trang của các chuyên gia BfV cho rằng AfD là một tổ chức phân biệt chủng tộc và bài Hồi giáo dựa trên "khái niệm về con người định hình nên AfD" được xác định theo dân tộc và tổ tiên.

Việc đưa AfD vào danh sách các tổ chức cực đoan cho phép các cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc sử dụng các phương pháp mật để giám sát chính đảng này. 

Ngoài ra, việc bị gắn mác phân biệt chủng tộc cũng hạn chế việc thu hút thành viên của AfD. 

Theo Bộ Nội vụ Đức, quyết định này cũng có thể khiến nguồn tài trợ công của AfD gặp rủi ro, trong khi các công chức là thành viên AfD có thể bị sa thải, tùy thuộc vào vai trò của họ trong cơ quan chính quyền.

Trên thực tế, một số bộ phận của Đảng AfD như tổ chức thanh niên đã bị xếp vào diện cực đoan từ trước, trong khi toàn bộ đảng đã bị xếp vào diện tình nghi cực đoan từ năm 2021.