Tìm ra thủ phạm khiến vòng eo phát phì tuổi trung niên

Các nhà khoa học vừa tìm ra 'thủ phạm' khiến vòng bụng phình to theo tuổi tác: một nhóm tế bào gốc.
Nhóm tế bào gốc này hoạt động mạnh ở giai đoạn trung niên, thúc đẩy cơ thể sản sinh thêm lượng lớn tế bào mỡ, làm gia tăng nguy cơ bệnh tật và rút ngắn tuổi thọ.
Vì sao vòng eo tăng theo tuổi tác?
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Tiểu đường và Trao đổi chất Arthur Riggs, trực thuộc City of Hope (Mỹ), phối hợp với Đại học California Los Angeles (UCLA), cho biết: quá trình lão hóa không chỉ làm các tế bào mỡ (adipocyte) phình to, mà còn kích thích cơ thể sản sinh ra các tế bào mỡ mới một cách ồ ạt, đặc biệt ở vùng bụng.
Từ lâu, y học đã ghi nhận vòng eo của con người có xu hướng phình to, mất cơ bắp và tăng mỡ nội tạng khi già đi, dù tổng trọng lượng cơ thể không đổi, song cơ chế sinh học cụ thể vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Các thí nghiệm trên chuột cho thấy: tế bào tiền thân của tế bào mỡ (APC) từ những con chuột già có khả năng tạo ra lượng lớn tế bào mỡ mới, ngay cả khi được cấy ghép vào cơ thể chuột trẻ. Ngược lại, APC từ chuột trẻ không sản sinh nhiều tế bào mỡ khi đưa vào cơ thể chuột già.
Điều này chứng minh rằng sự thay đổi nội tại trong tế bào APC do tuổi tác, chứ không phải môi trường cơ thể quyết định việc tích mỡ tăng nhanh.
Phát hiện loại tế bào gốc mới "thức dậy" khiến vòng eo to ở tuổi trung niên
Các nhà khoa học đã phân tích bằng kỹ thuật giải trình tự RNA đơn bào và nhận thấy rằng khi bước vào tuổi trung niên, APC trong mô mỡ trắng (WAT) của chuột "thức dậy" mạnh mẽ, bắt đầu nhân đôi và biệt hóa thành các tế bào mỡ mới với tốc độ cao.
Không chỉ vậy, nhóm còn phát hiện một loại tế bào gốc mới xuất hiện, gọi là tiền tế bào mỡ đặc thù tuổi tác (committed preadipocytes, age-specific - CP-A).
Các CP-A này hoạt động như "nhà máy sản xuất mỡ" đặc biệt hiệu quả, giải thích tại sao mỡ bụng tích tụ nhanh ở tuổi trung niên và già.
"Trong khi phần lớn tế bào gốc trưởng thành suy giảm khả năng tái tạo theo tuổi tác thì các APC và đặc biệt là CP-A lại gia tăng hoạt động, góp phần làm vòng bụng phình to", tiến sĩ Adolfo Garcia-Ocana, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định.
Nghiên cứu cũng chỉ ra: một tín hiệu phân tử có tên thụ thể ức chế bệnh bạch cầu (LIFR) giữ vai trò "chìa khóa" trong việc kích hoạt CP-A phân chia và tạo mỡ.
Ở chuột trẻ, quá trình tạo mỡ diễn ra không cần LIFR. Nhưng ở chuột già, LIFR trở thành yếu tố bắt buộc, thúc đẩy quá trình tăng sinh CP-A và sản sinh mỡ mới.
Để kiểm chứng, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu mẫu mô mỡ người ở nhiều độ tuổi khác nhau. Kết quả cũng cho thấy sự hiện diện của CP-A và sự gia tăng số lượng tế bào này ở mô của người trung niên.
Đặc biệt, CP-A ở người cũng có khả năng tạo tế bào mỡ rất mạnh, tương tự như trên mô chuột.
Kết quả nghiên cứu mở ra hướng đi mới trong việc phòng ngừa béo bụng do tuổi tác, yếu tố nguy cơ cao gây tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh lý khác.
Các bước tiếp theo sẽ tập trung vào: theo dõi sự vận động của CP-A trong cơ thể sống, xác định cách loại bỏ hoặc làm bất hoạt CP-A, nhằm phát triển các liệu pháp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tích tụ mỡ ở tuổi trung niên.
Việc xác định vai trò của LIFR mở ra cơ hội tìm kiếm các liệu pháp can thiệp, phát triển những chiến lược ngăn chặn CP-A hoặc tín hiệu LIFR để kiểm soát mỡ bụng và kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh cho con người trong tương lai.