Tiền tuyến mới trong xung đột Nga – Ukraine

TPO - Trận chiến thực sự trong cuộc xung đột Ukraine hiện nay không phải trên bầu trời Kiev hay Dnipro, cũng không phải tiến triển chậm chạp của quân đội Nga trên chiến trường tàn khốc ở miền đông Ukraine sẽ quyết định kết quả cuộc xung đột kéo dài 3 năm.
Cuộc đấu tranh quan trọng đang diễn ra giữa các bên tham chiến và đồng minh để tranh thủ sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump, người có vẻ ngày càng thất vọng với vai trò làm trung gian hòa bình.
Đó là lý do cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối ngày 19/5 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cả Mátxcơva và Kiev đều đang cố gắng chứng minh rằng bên kia mới là trở ngại thực sự để đạt được hòa bình, với hy vọng có thể lấy lòng nhà lãnh đạo Mỹ hay thay đổi để đạt được kết quả có lợi cho họ.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty) |
Các quan chức châu Âu cho biết sẽ nói chuyện với ông Trump trước khi diễn ra cuộc điện đàm giữa nhà lãnh đạo Mỹ với Tổng thống Putin.
Tháng trước, sau khi nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tại lễ tang của Giáo hoàng Francis, ông Trump đưa ra phát biểu chỉ trích ông Putin, cho biết không chắc chắn liệu nhà lãnh đạo Nga có nghiêm túc với việc chấm dứt xung đột hay không.
Dù từ chối chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn trong 30 ngày, ông Putin vẫn có cách khiến ông Trump phải lắng nghe, bằng những lời đề nghị kinh doanh hay cách lấy lòng nào đó mà ông cho là hiệu quả nhất. Theo các nhà phân tích, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin dường như có niềm tin rằng chỉ họ mới đủ thầm quyền và kỹ năng để giải quyết cuộc xung đột Ukraine, còn châu Âu và Ukraine cuối cùng sẽ phải làm theo.
Cuộc đàm phán không mấy ấn tượng tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước có vẻ càng cho thấy vai trò trung tâm của ông Trump trong khả năng tiến tới thỏa thuận. Điều này khuyến khích nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục phát huy vai trò của mình, bằng cuộc điện đàm trực tiếp với người đồng cấp Nga.
Nỗi sợ lớn nhất của Ukraine là hai nhà lãnh đạo sẽ tự đưa ra kế hoạch hòa bình trong cuộc điện đàm, trong khi Kiev phải chấp nhận những điều khoản bất lợi.
Tổng thống Trump cũng có đòn bẩy với Nga. Khi số người thương vong ngày càng tăng và nền kinh tế chịu nhiều áp lực, Điện Kremlin chắc chắn muốn tránh chọc giận ông Trump đến mức nhà lãnh đạo Mỹ sẽ ủng hộ và hỗ trợ Ukraine tiếp tục cuộc xung đột.
Như thường lệ, vấn đề vẫn là cả Nga và Ukraine vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận các điều kiện cơ bản của nhau. Có thể nghĩa là, dù chịu áp lực của Mỹ, cả Mátxcơva và Kiev vẫn có thể chọn con đường tiếp tục chiến đấu.