Nhảy đến nội dung
 

Tỉ lệ trẻ tự kỷ tăng mạnh, bộ trưởng y tế Mỹ phát ngôn gây tranh cãi

Tỉ lệ trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh, theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh nước này (CDC).

Tính đến năm 2022, cứ 31 trẻ em 8 tuổi tại Mỹ thì có một em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, tương đương tỉ lệ 32,2 trên 1.000 trẻ. Con số này tăng đáng kể so với mức 1/36 vào năm 2020 và 1/150 vào năm 2000. Báo cáo được công bố ngày 15-4 trên tạp chí y tế Morbidity and Mortality Weekly Report của CDC.

Nhiều chuyên gia xem đây là bước tiến trong việc tiếp cận và hỗ trợ người tự kỷ. “Sự gia tăng này phản ánh rõ sự tiến bộ trong phát hiện sớm và can thiệp hiệu quả", bác sĩ Dennis Kuo, chuyên gia nhi khoa tại Đại học Rochester (New York), cho biết. 

Ông nhấn mạnh: "Điều quan trọng không chỉ là chẩn đoán, mà là nhận ra nhu cầu và hỗ trợ phù hợp cho trẻ".

Báo cáo cũng cho thấy sự khác biệt lớn giữa các bang, từ tỉ lệ 9,7/1.000 ở Texas đến 53,1/1.000 ở California, chủ yếu do mức độ triển khai sàng lọc và kết nối dịch vụ khác nhau.

Tuy nhiên, một số chính trị gia như Bộ trưởng Y tế Mỹ Robert F. Kennedy Jr. lại coi sự gia tăng này là “dịch bệnh đang hủy hoại các gia đình”. Phát biểu này đã bị mạng lưới Autistic Self Advocacy Network chỉ trích là “phi nhân tính hóa người tự kỷ, gây sợ hãi và tước đi quyền cơ bản của họ".

“Chúng ta đang nói về những con người, không phải một căn bệnh cần xóa bỏ”, tổ chức này khẳng định trong tuyên bố chính thức.

Theo các nhà khoa học, tự kỷ là một phổ đa dạng với nhiều mức độ biểu hiện, từ khó khăn ngôn ngữ và hành vi đến những khác biệt nhẹ về cảm giác hay tư duy. 

“Không có một hình mẫu duy nhất cho chứng tự kỷ”, chuyên gia tâm lý Zachary Warren từ Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt nhận định. “Đây là thuật ngữ để mô tả những đứa trẻ với khả năng đặc biệt xen lẫn những điểm dễ tổn thương".

Nhiều nhà khoa học cho rằng thay vì tìm cách “phòng ngừa” tự kỷ, cần tập trung vào việc giúp người tự kỷ có cuộc sống chất lượng. 

“Phòng ngừa những biểu hiện nghiêm trọng làm gián đoạn cuộc sống là điều nên làm”, TS Rebecca Landa (Viện Kennedy Krieger, Baltimore) nói. “Nhưng điều quan trọng hơn cả là giúp mọi người sống trọn vẹn và có giá trị".