Thưởng tới 1 tỷ đồng cho nhà khoa học có sáng chế quốc tế

TPO - Giảng viên, nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể được thưởng từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng nếu có sáng chế, chuyển giao công nghệ quốc tế.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa phê duyệt Đề án “Đầu tư phát triển nhà khoa học xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh chuẩn quốc tế” và chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa giai đoạn 2026-2031.
Đề án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và chuyển giao công nghệ, góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức của Việt Nam. Huy động tối đa các nguồn lực và xây dựng môi trường nghiên cứu tiên tiến nhằm quy tụ, trọng dụng các nhà khoa học xuất sắc trong và ngoài đại học này.
Ưu tiên phát triển các công nghệ chiến lược trong các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn: Tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến, và kinh tế số nhằm tạo ra những đột phá ban đầu; Phát triển mạnh mẽ các công nghệ lượng tử, tự động hóa thông minh, công nghệ năng lượng tái tạo và y sinh tiên tiến để nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng; Định hình các công nghệ nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo.
![]() |
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Điều kiện tham gia đề án là cán bộ cơ hữu của Đại học Quốc gia Hà Nội, có trình độ từ tiến sĩ trở lên; đã và đang tham gia đào tạo tiến sĩ; là tác giả chính của ít nhất 3 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín, hoặc chủ biên 1 sách chuyên khảo, hoặc là tác giả của 1 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ và được ứng dụng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; sử dụng thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn; đã hoặc đang chủ trì ít nhất 1 nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp Đại học Quốc gia trở lên; đang không bị xem xét kỉ luật hoặc thi hành kỉ luật.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng ban hành bộ tiêu chí đánh giá cụ thể đối với giảng viên, nhà khoa học trong việc triển khai đề án này.
Trong đó có tiêu chuẩn đóng góp cho khoa học bao gồm các tiêu chí như số sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao để thương mại hóa hoặc sản xuất trong 5 năm gần đây; số hợp đồng tư vấn chính sách/giải pháp hữu ích được áp dụng trong 3 năm gần đây; số lượng sáng chế (hoặc tương đương) được cấp văn bằng bảo hộ trong 3 năm gần đây…
Đại học Quốc gia Hà Nội dự toán kinh phí giai đoạn 2024-2025 đầu tư nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm trọng điểm, nhà khoa học xuất sắc là 102,5 tỷ đồng
Kinh phí thực hiện giai đoạn 2026-2030 đầu tư nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm trọng điểm, nhà khoa học xuất sắc là 775 tỷ đồng.
Đề án cũng đề cập tới mức thưởng cho các giảng viên, nhà khoa học khi có bài báo khoa học đột phá. Cụ thể, bài báo top 1% ngành: 200-300 triệu đồng/bài; Nhóm Q1: 100 triệu đồng/bài, nhóm Q2: 50 triệu đồng/bài.
Thưởng sáng chế, chuyển giao công nghệ: Patent quốc tế (WIPO, USPTO, EPO): 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/sáng chế; chuyển giao công nghệ: Nhận 30-50% doanh thu từ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Đối với cơ chế nghiên cứu có thu nhập cao, trong 3 năm đầu công tác tại đại học này được ưu tiên giao đề tài/chương trình/nhiệm vụ có kinh phí lớn (1- 3 tỷ đồng đối với nhà khoa học xuất sắc chuẩn Đại học Quốc gia Hà Nội; Với nhà khoa học xuất sắc chuẩn quốc tế là 5-10 tỷ đồng).
Đối với chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa giai đoạn 2026- 2031, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu tuyển chọn 300 ứng viên để đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước theo lộ trình trở thành giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao trong tương lai. Đối tượng là học sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, có tài năng và đam mê nghiên cứu, giảng dạy.