Thực phẩm bẩn len lỏi thị trường: Bộ Y tế ra công văn ‘nóng’ yêu cầu kiểm tra toàn diện

TPO - Trước thực trạng thực phẩm giả, kém chất lượng và ngộ độc có chiều hướng gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố siết chặt kiểm tra thị trường, xử lý mạnh tay các vi phạm về an toàn thực phẩm. Người đứng đầu địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trên địa bàn.
Bộ Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã có văn bản số 2633/BYT-ATTP gửi Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn quốc.
Động thái này được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 và ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại Công văn số 3565/VPCP-KGVX ngày 24/4/2025, nhằm xử lý triệt để tình trạng sản xuất, buôn bán thực phẩm và thuốc chữa bệnh giả đang có dấu hiệu gia tăng.
Văn bản do Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành nhấn mạnh, các địa phương cần khẩn trương ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ và phòng ngừa ngộ độc, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, trong đó người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm.
Các địa phương được yêu cầu chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tại các khu vực trọng điểm như khu công nghiệp, khu du lịch, trường học, nơi có bếp ăn tập thể, các cơ sở dịch vụ ăn uống và điểm bán hàng rong. Đặc biệt cần hướng dẫn kỹ về cách lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm để đảm bảo an toàn, tránh sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, giả mạo hoặc kém chất lượng.
![]() |
Xử lý triệt để và công khai vi phạm
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ giữa Sở Công Thương, ngành Y tế, Nông nghiệp và các lực lượng chức năng để thanh tra, kiểm tra thực phẩm trên thị trường. Mục tiêu là phát hiện và xử lý các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, hàng chưa thực hiện thủ tục tự công bố hoặc đăng ký theo quy định.
Đáng chú ý, việc kiểm soát thực phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử cũng được nhấn mạnh. Các sàn giao dịch, ứng dụng bán hàng trực tuyến, website thương mại điện tử sẽ bị rà soát nhằm kịp thời gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm quảng cáo, không công bố hoặc có dấu hiệu lừa đảo.
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương nhấn mạnh, phải kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động (nếu thuộc diện phải cấp). Đồng thời, công khai trên các phương tiện truyền thông danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm để cảnh báo người tiêu dùng.
Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng
Song song với kiểm tra và xử lý, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cũng được yêu cầu đẩy mạnh. Nội dung truyền thông cần tập trung vào việc hướng dẫn người dân cách nhận biết thực phẩm an toàn, lựa chọn và chế biến thực phẩm truyền thống phù hợp với tập quán từng vùng miền nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh, tránh những thói quen tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe.
Người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đóng hộp đã hết hạn, bị phồng, móp méo, rỉ sét hoặc có dấu hiệu biến chất. Chỉ sử dụng thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác đầy đủ.
Đây là một trong những biện pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh tình hình thị trường thực phẩm đang tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng.