Thúc đẩy nghiên cứu trong trường đại học

TP - Các trường đại học tạo môi trường để sinh viên nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công việc ngay từ khi các em đang ngồi trên giảng đường.
Học và hành với chuyên gia giỏi
Năm 2022, khi còn là sinh viên, Nguyễn Anh Minh được thử sức ở môi trường mơ ước ở Viettel Telecom với vai trò là thực tập sinh chuyên ngành Khoa học dữ liệu. Anh Minh là thủ khoa Toán Tin (Đại học Bách khoa Hà Nội) mong muốn trở thành kỹ sư có kinh nghiệm thực tế. Kỷ niệm khó quên với sinh viên này là chuỗi ngày ở lại công ty làm việc xuyên đêm để đạt hiệu quả tốt nhất phần việc được giao. Sau 3 tháng đào tạo song song giữa môi trường đại học và doanh nghiệp, Minh xuất sắc vượt qua hàng trăm sinh viên khác được mời ở lại làm việc.
![]() |
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ 2024 |
Theo Minh, chương trình đào tạo thực tế là vô giá vì sinh viên vừa được các chuyên gia hàng đầu nâng cao năng lực chuyên sâu, được gặp gỡ, trao đổi với các bạn trẻ có niềm đam mê công nghệ và sau này trở thành đồng nghiệp, có thể trao đổi xuyên đêm về công nghệ. Sau 2 năm rời giảng đường và làm việc ở môi trường năng động, Minh nhận được nhiều giá trị đó là rèn tính trách nhiệm, kỷ luật, được làm việc với những người biết truyền động lực, đặt niềm tin vào người trẻ và chú trọng đào tạo nhân lực thay vì bỏ mặc cho “tự bơi”.
![]() |
Sản phẩm nghiên cứu khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội tại triển lãm sản phẩm Sáng tạo trẻ 2024 |
Cũng như Minh, năm 2024 sinh viên Nguyễn Thị Linh tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội xuất sắc được đầu quân về tập đoàn sau 6 tháng tham gia thử thách chương trình đào tạo nhân lực trẻ. Linh đảm nhận vai trò kỹ sư giải pháp Cloud. Với Linh, quãng thời gian được doanh nghiệp đào tạo cô thấy mình trưởng thành, học hỏi được nhiều nhất vì liên tục phải học, tăng kỹ năng mềm. Thời gian đó, nhiều người đặt câu hỏi, con gái có làm được công nghệ hay không? Khi bắt tay vào thử sức ở các dự án công nghệ, cô mới thấm sự vất vả, áp lực phải thức đến 1-2 giờ sáng để làm việc là bình thường. Điều khiến cô bất ngờ là trong giai đoạn dự án gặp nhiều lỗi, mọi người trao đổi với nhau đến 4-5h sáng. Cô học hỏi được không chỉ là kiến thức công nghệ, kinh nghiệm triển khai dự án mà còn là tinh thần “quyết chiến” khi vào việc. “Ngoài ra, các sinh viên tham gia dự án sau này dù không làm cùng một doanh nghiệp nhưng đã trở thành cộng đồng, mạng lưới những người ham mê công nghệ, trao đổi lẫn nhau”, Linh nói.
“Nhà nước cần đầu tư có trọng điểm cho các nghiên cứu lõi, nghiên cứu cơ bản, chuyển giao công nghệ đồng thời cần có sự đầu tư cho các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học một cách bài bản và chuyên sâu, trong đó ưu tiên phát triển khoa học cơ bản gắn với công nghệ lõi, có chiến lược gửi nhân lực đào tạo các ngành trọng điểm quốc gia ở các nước”.GS Nguyễn Văn Minh
Bà Vũ Thị Mai, Trưởng Ban tổ chức nhân lực Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ, nhiều năm qua, đơn vị đối mặt với vấn đề cạnh tranh nhân lực nên đã đặt ra bài toán làm thế nào để xây dựng được nguồn nhân lực số chất lượng cao, giỏi công nghệ. Mục tiêu không chỉ “làm giàu” nhân lực cho tập đoàn mà còn đào tạo nguồn lực trẻ, giỏi cho thị trường lao động quốc gia. Đơn vị đã nghiên cứu mô hình cộng hưởng giữa trường đại học và doanh nghiệp để đào tạo nhân sự chất lượng cao thông qua việc hợp tác, giới thiệu sinh viên tham gia chương trình đào tạo của doanh nghiệp.
“Trên thế giới, các doanh nghiệp có chương trình đào tạo nhân tài, xây dựng chiến lược quản trị viên tập sự. Nhiều người trưởng thành, trở thành lãnh đạo trong các công ty. Có thể thấy, sự kết nối, cộng hưởng giữa các trường đại học và doanh nghiệp đem lại hiệu quả lớn trong đào tạo nhân lực”, bà Mai nói.
Khác với đào tạo ở trường đại học, sinh viên tập sự sẽ được các doanh nghiệp mời chuyên gia có tên tuổi, dày dặn kinh nghiệm trong và ngoài nước đào tạo chuyên sâu, nâng cao về kiến thức công nghệ. Sau một thời gian ngắn, sinh viên sẽ được “ném” vào các dự án lớn để thử thách. Mỗi sinh viên sẽ được ghép đôi với người có kinh nghiệm thực chiến trong các dự án để được chỉ dẫn và làm việc ngay. Nhiều sinh viên chia sẻ, suốt 3 tháng làm việc trong các dự án, dường như ai cũng căng thẳng, quên ăn quên ngủ để thể hiện tối đa năng lực vì đây cũng là cơ hội mà các em có thể áp dụng kiến thức đã học với công việc có đem lại hiệu quả hay không. Chương trình đặt mục tiêu đào tạo nhân tài số, truyền cảm hứng cho sinh viên trong lĩnh vực công nghệ. Dù các em sau đó không làm việc trực tiếp cho đơn vị đào tạo nhưng họ tin cũng sẽ trở thành những hạt giống truyền cảm hứng cho sinh viên trong lĩnh vực công nghệ.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo chủ trương chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học. Đây là định hướng lớn của Nhà nước. Sự chuyển dịch này là phù hợp với thông lệ quốc tế khi các nước đều coi các cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản do tập trung nhiều nhất nhân lực nghiên cứu cơ bản, nhất là nhân lực trẻ như đội ngũ giảng viên, giáo sư, sinh viên, nghiên cứu sinh.
Đại học bắt tay doanh nghiệp
Đại diện nhà tuyển dụng của doanh nghiệp cho rằng, thực tế sinh viên bước ra khỏi nhà trường như “tờ giấy trắng”, không có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc do đó cần được đào tạo về nghề, thôi thúc có ước mơ, khát vọng nhằm tạo ra sản phẩm tốt trong tương lai. Có những em trước đó yêu khoa học, có niềm đam mê nghiên cứu nhưng cần được “nhúng” vào thực tế nhiều hơn.
Hằng năm Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức hội nghị kết nối sinh viên nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp, các nhà khoa học, cộng đồng khởi nghiệp. Năm 2025, các đề tài của sinh viên tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể trong đời sống như: Môi trường, năng lượng, công nghệ giáo dục, chuyển đổi số…
Sau thời gian nghiên cứu, sinh viên sẽ thuyết trình, phản biện và các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ, các nhà đầu tư và chuyên gia đổi mới sáng tạo được mời tham gia trực tiếp vào quá trình đánh giá, góp ý, lựa chọn đề tài xuất sắc. Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, đây sẽ là cầu nối thiết thực giữa sinh viên và thị trường lao động, giữa nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm.
Mới đây, các đại học, trường đại học tại Hà Nội đã mở chương trình hội thảo bàn giải pháp thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong cơ sở giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, cần phải có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, trong đó khuyến khích sự kết nối của các tổ chức liên quan để cùng trao đổi, khai thác nguồn lực.
Theo PGS Tuấn, điểm nghẽn hiện nay là Hà Nội chưa xây dựng được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở như kỳ vọng mà nguyên nhân là do nguồn lực phân tán, thiếu cơ chế chia sẻ các nguồn lực hiệu quả, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ… Do đó, cần tăng cường kết nối các bên giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học/viện nghiên cứu. Xây dựng Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc thành công viên đổi mới sáng tạo mở, trở thành trung tâm kết nối các bên trong hệ sinh thái nhằm thu hút và chia sẻ các nguồn lực. Ông nhấn mạnh chính sách liên kết, hợp tác thu hút doanh nghiệp với cơ chế độ phá cũng như tăng cường sự hiện diện của cơ sở giáo dục đại học/viện nghiên cứu trong đào tạo.
GS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, khoa học, công nghệ là chìa khóa cho sự tiến bộ và phát triển của bất kỳ quốc gia nào. Một trong những giải pháp hiện nay đó là xác định công nghệ lõi, tập trung đầu tư có trong điểm đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng để làm chủ công nghệ đồng thời xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa các công ty, tập đoàn trong nước với các đại học, viện nghiên cứu nhằm sớm đưa sản phẩm vào thị trường. Đồng thời, cần thành lập các Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.