Thúc đẩy kinh tế số từ việc mang đến dịch vụ dễ tiếp cận

Tận dụng thế mạnh công nghệ và đội ngũ nhân sự thấu hiểu sâu sắc thị trường, Grab đẩy mạnh mở rộng tập người dùng với các giải pháp “may đo” dành riêng cho người Việt.

Theo báo cáo của Kantar năm 2024, Grab là ứng dụng đặt xe số 1 về thương hiệu được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam năm 2024. Ở mảng giao đồ ăn, thương hiệu hiện dẫn đầu về thị phần tại thị trường Việt Nam (khảo sát từ Momentum Works). Báo cáo của Rakuten Insight Global cũng cho thấy Grab hiện là thương hiệu đặt xe công nghệ được sử dụng thường xuyên nhất với 55% người dùng tại các thành phố lớn và 54% tại các tỉnh, thành khác tin dùng.
Dẫn đầu ở những dịch vụ quan trọng của thị trường tiêu dùng số, theo bà Nguyễn Thanh Anh - Giám đốc Tiếp thị Grab Việt Nam, sự phát triển của Grab tại Việt Nam trong tương lai sẽ là một hành trình đáng trông đợi. Trong đó, mở rộng dịch vụ - cả về chiều rộng lẫn chiều sâu - nhằm gia tăng sự tiện lợi và giúp các dịch vụ số trở nên dễ tiếp cận hơn cho mọi người dân Việt Nam là chiến lược quan trọng của Grab trong giai đoạn tới.
Mở rộng tệp người dùng từ giải pháp tối ưu
Hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, Grab thành công mở rộng quy mô hoạt động đến 50 thành phố trên cả nước, trong đó có nhiều thành phố cấp 2, 3 và khu vực nông thôn. Các dịch vụ trong hệ sinh thái Grab đang phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân trong cuộc sống hàng ngày, góp phần tạo ra các giải pháp sinh kế cho đối tác tài xế, đối tác thương nhân tại địa phương và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung.
Theo bà Thanh Anh, thị trường tiêu dùng số tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Trong bối cảnh các giải pháp và dịch vụ công nghệ liên tục được phổ cập rộng rãi hơn, xu hướng sử dụng các dịch vụ số trong cuộc sống sẽ ngày càng mở rộng. Chiến lược tiếp theo của Grab sẽ bao gồm tăng cường tiếp cận những nhóm đối tượng chưa trải nghiệm các dịch vụ số hoặc chưa sử dụng một cách thường xuyên. Đó có thể là người lớn tuổi chưa thành thạo về công nghệ, người dùng ở các khu vực nông thôn với điều kiện tiếp cận hạn chế hay học sinh, sinh viên gặp rào cản về tài chính…
![]() |
Bà Nguyễn Thanh Anh - Giám đốc Tiếp thị Grab Việt Nam. Ảnh: Ngọc Duy. |
“Thay vì cạnh tranh thị phần trong ‘miếng bánh’ hiện tại, Grab tập trung vào các giải pháp phục vụ người dùng tốt hơn, từ đó mở rộng tệp người dùng và tạo ra một ‘miếng bánh’ to hơn, đồng thời gia tăng lợi ích mà kinh tế số mang lại cho mọi người”, bà Thanh Anh cho biết.
Dễ dàng nhận thấy hướng tiếp cận mới này thông qua việc Grab liên tục giới thiệu các sáng kiến phù hợp với nhu cầu của các đối tượng người dùng khác nhau. Một trong số đó là gói giải pháp “Grab cho cả nhà” vừa được ra mắt trong tháng 6, được thiết kế dựa trên sự thấu hiểu người dùng sâu sắc và năng lực công nghệ mạnh mẽ của Grab tại thị trường Việt Nam.
Gói giải pháp bao gồm loạt dịch vụ và tính năng để các thành viên trong gia đình đi lại, ăn uống và mua sắm cùng nhau, đồng thời yên tâm hơn vì người thân của mình được chăm sóc chu đáo khi sử dụng dịch vụ Grab. Cụ thể, tính năng “Tài khoản gia đình” giúp người dùng dễ dàng đặt xe, quản lý và thanh toán cho các chuyến xe của người thân, tính năng “Chuyến xe ân cần” dành cho hành khách cần được hỗ trợ đặc biệt như phụ nữ mang thai, có con nhỏ, người lớn tuổi, người khó khăn trong di chuyển…
Ngoài ra, các BST “Món ăn gia đình”, “Nhà hàng gia đình” trên GrabFood, “Siêu thị gia đình” và “Nhà thuốc gia đình” trên GrabMart phục vụ cho nhu cầu ăn uống, mua sắm của cả nhà.
![]() |
Grab ra mắt gói giải pháp “Grab cho cả nhà” với nhiều tính năng và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của cả gia đình. |
Hiểu người dùng bằng những trải nghiệm thật
Gói giải pháp “Grab cho cả nhà” là một phần trong chiến lược để “siêu ứng dụng” này giúp dịch vụ số dễ tiếp cận hơn cho mọi người. Giải pháp mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dùng, đồng thời góp phần giúp nhóm đối tượng thường ít am hiểu công nghệ vẫn có thể dễ dàng tận hưởng các tiện ích của nền kinh tế số.
Chia sẻ về các giải pháp trên, bà Thanh Anh cho biết, yếu tố thành công nằm ở việc hiểu đúng nhu cầu để đề xuất giải pháp phù hợp, giải quyết được bài toán về sự tiện lợi, nhanh chóng với chi phí hợp lý cho người dùng.
Grab sở hữu đội ngũ nhân sự người Việt thấu hiểu sâu sắc văn hóa, thói quen tiêu dùng và thị hiếu của người Việt để mang đến các giải pháp hữu ích, thực tiễn. Trong mỗi sản phẩm và giải pháp, đội ngũ Grab đều đặt bản thân vào vị trí của người dùng để hiểu được mong muốn của họ và đề xuất giải pháp nâng cao trải nghiệm từ những chi tiết nhỏ nhất.
Đơn cử có thể nhắc đến tính năng “Chuyến xe ân cần” - vốn là một sáng kiến hiện chỉ có ở thị trường Việt Nam, được một thành viên trong đội ngũ Grab Việt Nam đề xuất phát triển từ trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ Grab của chính mình. Những trải nghiệm khi chính mình sử dụng dịch vụ, những chuyến đi thực địa đến các địa phương, hay những câu chuyện đời thường từ người dùng, bác tài, tiểu thương… đều là chất liệu để Grab “đọc” thị trường và hiểu người dùng.
“Một trong những tôn chỉ hàng đầu của đội ngũ Grab là sống với những vấn đề mà người dùng gặp phải mỗi ngày, đúc kết vấn đề và đề xuất giải pháp từ những trải nghiệm thực tế diễn ra mỗi ngày”, bà Thanh Anh nhấn mạnh.
![]() |
Lắng nghe và thấu hiểu người dùng không chỉ giúp đội ngũ Grab có các sản phẩm, giải pháp chinh phục người dùng mà còn được công nhận qua các giải thưởng quốc tế. |
Từ những trải nghiệm thực tế và sự thấu hiểu người dùng này, Grab áp dụng công nghệ để đề xuất đúng giải pháp cho đúng nhóm người dùng vào đúng thời điểm họ cần. Grab sở hữu thế mạnh công nghệ và dữ liệu mà các nền tảng khác khó thể sao chép. Lợi thế cốt lõi về công nghệ là nền tảng để Grab xây dựng hệ sinh thái đa dịch vụ liền mạch, toàn diện cho người dùng lẫn người thân.
“Nhờ đó, nền tảng đang không chỉ thu hút thêm người dùng mới mà còn nhận được những tín hiệu tích cực từ người dùng hiện tại, với tần suất sử dụng dịch vụ tăng ấn tượng. Đơn cử, số lượng Tài khoản gia đình được tạo ra trong quý I năm nay đã tăng gấp 3 lần so với quý IV năm ngoái”, bà Thanh Anh khẳng định.
Mở rộng khả năng tiếp cận với các dịch vụ số là một trong những chiến lược trọng tâm của Grab trong cam kết đóng góp vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Cam kết này được xây dựng dựa trên nền tảng hiểu biết sâu sắc về người dùng Việt và thế mạnh công nghệ cốt lõi của Grab, hướng tới xây dựng một xã hội số toàn diện hơn, nơi mọi người đều có thể hưởng lợi từ các dịch vụ số thiết yếu.