'Thủ tướng vừa chỉ đạo, thanh tra đi đến đâu hàng hóa cũng giấu hết'

Đại biểu Quốc hội cho biết, sau khi Thủ tướng chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh với hàng giả, 'lực lượng thanh tra đi đến đâu là hàng hóa giấu hết'.
Sáng 22.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án luật Thanh tra sửa đổi.
"Thanh tra bị trói tay trói chân rất nhiều"
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) nói, một trong những lý do để sửa luật lần này là hoạt động thanh tra chưa hiệu quả, vậy sau khi sửa luật thì có đảm bảo hiệu quả được nâng cao hơn hay không.
Theo bà Lan, dự thảo luật "tập trung hơi nhiều" vào xây dựng các quy định để phòng, chống tiêu cực, lạm quyền đối với lực lượng thanh tra. Trong khi đó, các quy định nhằm tăng cường "sức mạnh" cho lực lượng thanh tra, để từ đây nâng cao hiệu quả công tác, dường như còn chưa đủ.
Nữ đại biểu nhận định lực lượng thanh tra hiện nay "bị trói tay, trói chân rất nhiều". Vì thế, cần các quy định thông thoáng hơn, điển hình như việc thanh tra đột xuất.
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, bà Lan cho rằng, việc thanh tra theo kế hoạch "hầu như không có hiệu quả". Bởi lẽ, kế hoạch thanh tra, danh sách đối tượng thanh tra được thống nhất, được cấp trên duyệt, công bố từ đầu năm; trước khi đi thanh tra sẽ thông báo cho đối tượng thanh tra chuẩn bị.
"Có những đơn vị dù được thông báo chuẩn bị nhưng vẫn vi phạm, như vậy thì quá ghê. Nhưng rõ ràng, điều này hạn chế rất nhiều yếu tố bất ngờ", bà Lan nói.
Dẫn chứng tình trạng hàng giả, sữa giả vừa qua, sau khi Thủ tướng có chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh, bà Lan cho biết, "lực lượng thanh tra chúng tôi đi đến đâu là hàng hóa giấu hết, tất cả các nhà thuốc nói không bán thực phẩm chức năng…".
Thực tế trên cho thấy, sẽ rất khó để bắt quả tang nếu việc kiểm tra, thanh tra thực hiện theo kế hoạch, thông tin rầm rộ.
Lo ngại kéo dài thời gian thanh tra
Luật hiện hành quy định thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra là 60, 45 hoặc 30 ngày, tùy thuộc vào chủ thể nào tiến hành thanh tra. Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất giữ nguyên các mốc thời hạn, song sẽ tính theo ngày làm việc.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), cùng là 60 ngày, nhưng thời hạn của luật hiện hành và dự thảo luật sẽ rất khác nhau. Nếu áp dụng ngày làm việc như dự thảo (không tính thứ bảy, chủ nhật), thời gian làm việc của một cuộc thanh tra có thể kéo dài đến 84 ngày, tăng khoảng 40%.
Điều này nên cân nhắc, vì tiềm ẩn nguy cơ tác động đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, đơn vị là đối tượng thanh tra. "Thời hạn thanh tra kéo dài, họ cứ phải đi theo báo cáo, cung cấp hồ sơ, giấy tờ…", ông Hòa nêu quan điểm.
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị duy trì quy định về thời hạn thanh tra như luật hiện hành, tính theo ngày chứ không phải ngày làm việc.
Ông Hải cho rằng, quy định như dự thảo sẽ vô hình trung kéo dài thời gian hoạt động thanh tra. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng thanh tra.
"Một cuộc thanh tra, nhất là đơn thư tố cáo, càng giải quyết nhanh càng tốt, càng kéo dài càng phức tạp", ông Hải nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) nói, với việc áp dụng công nghệ thông tin như hiện nay giúp hiệu quả công việc cải thiện, thời hạn thanh tra không những nên giữ nguyên mà cần tiến tới rút ngắn hơn nữa.