Thứ trưởng Bộ Công an lo vướng mắc khi cho người Việt Nam giữ 2 quốc tịch

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ lo ngại sẽ có nhiều vướng mắc trong quản lý xuất nhập cảnh, đầu tư, thuế, ngân hàng khi mở rộng cho phép người Việt Nam giữ 2 quốc tịch
Chiều 17.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quốc tịch Việt Nam.
Nêu ý kiến tại tổ, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, quy định mở rộng trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam và vẫn giữ quốc tịch nước ngoài có thể gây khó khăn cho công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nếu người Việt Nam có 2 quốc tịch sử dụng hộ chiếu nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Công an phân tích, khi người Việt Nam nhập cảnh bằng hộ chiếu nước ngoài thì thông tin nhập cảnh là thông tin của người nước ngoài. Họ sẽ phải thực hiện khai báo tạm trú theo quy định và ở Việt Nam theo thời hạn chứng nhận tạm trú, hoạt động theo mục đích nhập cảnh…
Nếu họ quá thời hạn tạm trú, cư trú "lỳ" hoặc không thực hiện các trách nhiệm như khai báo tạm trú, hoạt động theo mục đích nhập cảnh... thì việc xử lý vi phạm gặp vướng mắc, đặc biệt là trường hợp có áp dụng hình thức xử phạt là trục xuất.
Tương tự, ông Tỏ cho rằng, trong các lĩnh vực đầu tư, ngân hàng, thuế... có thể xảy ra tình trạng vướng mắc tương tự nếu công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu nước ngoài để đăng ký thực hiện thủ tục.
Từ đó, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị cần bổ sung vào dự thảo luật quy định về cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh, tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý công dân, các vấn đề xung đột pháp lý và xử lý vi phạm đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.
Ông cũng đề nghị các quy định phải bảo đảm không để các đối tượng lợi dụng việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm đổi lại tài sản hoặc các quyền lợi khác, lợi dụng vấn đề "song tịch" để trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm công dân Việt Nam, cũng như ở nước sở tại.
Cùng đó, không để các nước lợi dụng chủ trương cởi mở, thông thoáng của Việt Nam nhằm đẩy đuổi số bị trục xuất, số không xác định được quốc tịch, số đối tượng có hoạt động chống phá trong cộng đồng người gốc Việt về Việt Nam hoặc lợi dụng vấn đề bảo hộ công dân để tạo cớ can thiệp, gây sức ép với Việt Nam...
Ông Tỏ cũng nhấn mạnh, đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ các nội dung cơ bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.
Cân nhắc trường hợp người có 2 quốc tịch tham gia cơ quan nhà nước
Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị cân nhắc các trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định mang 2 quốc tịch được tham gia cơ quan dân cử, cơ quan thuộc hệ thống chính trị Việt Nam. Theo ông Tỏ, Chính phủ theo chức năng, thẩm quyền không quy định về việc ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn các vị trí thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Chủ tịch nước.
Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị rút gọn phạm vi các vị trí Chính phủ quy định trong trường hợp đặc biệt.
Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất cho phép các nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài và những người có người thân thích là công dân Việt Nam xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể giữ quốc tịch nước ngoài.
Theo đó, những người nhập quốc tịch Việt Nam vẫn giữ quốc tịch nước ngoài phải đáp ứng 2 điều kiện là: việc giữ quốc tịch nước ngoài phải phù hợp với pháp luật của nước đó và không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Ngoài ra, các trường hợp này phải Chủ tịch nước cho phép.