Thủ phủ của Long An trước cuộc sáp nhập thành Tây Ninh mới

Tỉnh lỵ của Long An nằm ở vị trí chiến lược giữa TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đóng vai trò quan trọng trong giao thương và phát triển kinh tế của khu vực.
Đường đến TP Tân An (Long An) sẽ qua cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, một trong những "cửa ngõ" kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM. Thành phố nằm giữa các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 1, quốc lộ 62, cách trung tâm TPHCM khoảng 45km.
Với diện tích tự nhiên khoảng 81,79km², Tân An là đô thị loại 2 theo quy hoạch của tỉnh Long An.
Đầu năm 2025, TP Tân An là đơn vị đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh cấp tỉnh theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhắc đến Tân An, những năm gần đây nhiều người đã biết đến cây cầu Vàm Cỏ Tây - dự án đường vành đai khởi công cuối năm 2021 giúp giảm áp lực cho các tuyến đường chính, tạo ra không gian phát triển mới cho thành phố và nâng cao tính kết nối với TPHCM.
Công trình dài 5km, rộng 18m với 4 làn xe, tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng. Cầu được thiết kế hiện đại, phần dây văng đấu nối vào hai trục chịu lực ở giữa theo công nghệ cầu Extradosed của Pháp.
Từ thời điểm thị xã Tân An được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh đến nay, hơn 15 năm phát triển, diện mạo đô thị trẻ có nhiều thay đổi, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Trong ảnh là tháp đồng hồ ở bùng binh giao lộ Nguyễn Trung Trực - Võ Văn Tần thuộc trung tâm thành phố.
Điểm nhấn của Tân An là Công viên tượng đài Long An với khẩu hiệu "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" nằm ngay cửa ngõ vào thành phố. Công trình này được khánh thành năm 2010, trở thành biểu tượng của tỉnh.
TP Tân An là điểm sáng trong việc phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững. Nhiều khu đô thị mới được hình thành, hệ thống tiện ích thương mại - dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ.
Nội đô Tân An nhìn từ trên cao nổi bật với các công trình công cộng như công viên, khu vui chơi giải trí, khu trung tâm thương mại, đô thị sinh thái tạo điểm nhấn ấn tượng, hài hòa với không gian kiến trúc cảnh quan của thành phố.
Ngoài nằm cạnh dòng Vàm Cỏ Tây, Tân An còn “ấp ôm” trong lòng thành phố một dòng chảy khác là kênh Bảo Định.
Dọc tuyến kênh Bảo Định là các công viên được thiết kế, quy hoạch bài bản, tạo không gian xanh mát, hiện đại nhằm phục vụ đời sống tinh thần cho người dân. Cùng với đó còn có nhiều công trình gắn với sự phát triển của đô thị như sân vận động, Trung tâm Văn hoá Long An,...
Chùa Quan Âm nằm trên bờ kè kênh Bảo Định, có lịch sử 206 năm tuổi là điểm đến tâm linh của người dân địa phương.
Bảo tàng Long An (nằm bên quốc lộ 1A) là một trong những địa chỉ du lịch điểm nhấn của Tân An. Nơi đây lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, tư liệu quý về lịch sử, văn hóa và khảo cổ, phản ánh các giai đoạn lịch sử và đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư.
Cũng tọa lạc bên quốc lộ 1A, khối nhà cơ quan thuộc Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh Long An hiện đại được xây dựng vào năm 2024. Nơi này dành cho các cơ quan đoàn thể, tạo nên điểm nhấn quan trọng trên tuyến quốc lộ từ TPHCM đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Tại đây, khu đô thị mới dọc đường tránh quốc lộ 1 qua TP Tân An được quy hoạch bài bản với hệ thống biệt thự, nhà liền kề, nhà phố thương mại cùng các tiện ích đồng bộ như trường học, khu thương mại dịch vụ, không gian thể dục thể thao và bãi đỗ xe.
Ngày 29/4, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Long An khóa 10 đã thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính Long An và tỉnh Tây Ninh, trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của hai tỉnh.
Sau sắp xếp, dự kiến tỉnh Tây Ninh mới đặt trung tâm chính trị - hành chính tại TP Tân An hiện nay. Tỉnh mới có diện tích tự nhiên 8.536,44km2, quy mô dân số 3.254.170 người, dự kiến có 96 đơn vị hành chính cấp xã.
Tỉnh Long An và Tây Ninh có nhiều tương đồng khi từng là một phần của phủ Gia Định dưới triều đại vua Minh Mạng. Quá trình hình thành và phát triển, cả hai đều trải qua nhiều thay đổi về địa giới hành chính. Trong truyền thống và văn hóa, hai tỉnh này đều có bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng “trung dũng, kiên cường”.
Về vị trí địa lý, cả hai tỉnh đều có con sông Vàm Cỏ Đông chảy qua trước khi hợp lưu với sông Vàm Cỏ Tây tạo thành sông Vàm Cỏ.
Xem thêm: VẺ ĐẸP CÁC TỈNH, THÀNH VIỆT NAM