Thủ đoạn tinh vi của nhóm sản xuất, mua bán hàng chục tấn ‘khí cười’ vừa bị công an triệt phá

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, nhóm bị can trong đường dây sản xuất, mua bán 'khí cười' (N₂O) hoạt động rất tinh vi. Nhóm này lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Tại cơ sở sản xuất "khí cười" ở thôn 7, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội - một trong ba cơ sở sản xuất "khí cười" mà Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá, xưởng sản xuất được xây dựng bằng tôn, thép nằm trong khu đất rộng hàng nghìn mét vuông, bao quanh bằng tường rào, cổng sắt kiên cố.
Trong quá trình xưởng này hoạt động, người dân địa phương có hỏi nhưng các nghi phạm giải thích liên quan đến thương hiệu nên hạn chế người ra vào, tránh bị lộ quy trình sản xuất.
Vì vậy mọi hoạt động bên trong kho xưởng diễn ra như thế nào, sản xuất cái gì, người địa phương đều không biết.
Chỉ đến khi Công an tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang, thu giữ trang thiết bị máy móc, người dân địa phương mới biết đây là xưởng sản xuất hàng cấm là "khí cười".
Tương tự như cơ sở sản xuất "khí cười" ở thôn 7, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, nhóm này còn sử dụng hai cơ sở khác ở thôn Mùi, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai và ở thôn Xuân Sen, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.
Ngoài núp bóng dưới hình thức kinh doanh hợp pháp, các nghi phạm thường lựa chọn thuê nhà xưởng gần khu dân cư, nhưng được ngụy trang, che giấu và hoạt động khép kín.
Các nghi phạm tham gia sản xuất "khí cười", cũng như người vận chuyển nguyên vật liệu đều ít được ra ngoài, mà chủ yếu ăn ở khép kín.
Theo điều tra ban đầu của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa, quá trình sản xuất "khí cười" của đường dây này thường diễn ra vào ban đêm, sẽ thay đổi địa điểm sản xuất khi có dấu hiệu bị lộ.
Trong đường dây này, có những người có trình độ học vấn cao, có chuyên môn về hóa học, cơ khí, kỹ thuật, máy móc.
Để hoàn thiện được hệ thống máy móc sản xuất "khí cười", một phần các nghi phạm tự gia công chế tạo, một phần đặt mua linh kiện ở nước ngoài.
Thượng tá Trịnh Văn Phú - phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa - cho biết: "Các nghi phạm chia nhỏ công đoạn sản xuất "khí cười", nhập khẩu nguyên liệu đem về nhà xưởng điều chế, rồi móc nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Mỗi nghi phạm phụ trách từng công đoạn không quen biết nhau, dùng các phương thức liên lạc như trên mạng xã hội, các nền tảng bảo mật cao, xóa tin nhắn để tránh sự điều tra của cơ quan chức năng".