Thủ đoạn lừa đảo tinh vi này khiến nhiều người sập bẫy...

Không ít sinh viên, người lao động cho biết bị mất tiền vì sập chiêu lừa "tuy cũ mà mới". Bởi lẽ những thủ đoạn tinh vi hơn.
Chiêu lừa "nếu muốn giữ phòng"
Những ngày vừa qua, nhiều thành viên trên nhóm Phòng trọ Thủ Đức bức xúc về sự việc tài khoản Văn Bảo giăng ra chiêu lừa đóng tiền đặt cọc với nhiều người có nhu cầu thuê phòng.
Cụ thể, tài khoản Văn Bảo liên tục đăng bài với nội dung cho thuê phòng trọ. Trong đó đính kèm nhiều hình ảnh chụp phòng trọ.
Khi người có nhu cầu thuê đã để lại bình luận, tin nhắn, tài khoản Văn Bảo nhanh chóng trả lời. Sau đó, tài khoản này yêu cầu người thuê phải đặt cọc với lý do "phòng đẹp nên nhiều người liên hệ, ưu tiên người nào đóng cọc trước".
Trong nhiều bài viết cho thuê phòng trọ, tài khoản Văn Bảo đưa ra nhiều mức giá khác nhau như: 1,7 triệu đồng, 3,8 triệu đồng… và buộc người có nhu cầu thuê nếu muốn giữ phòng phải đóng trước từ 850.000 – 1,9 triệu đồng, tương ứng với 50% giá trị tiền thuê phòng mỗi tháng.
Đã có những nạn nhân dính chiêu lừa do tài khoản Văn Bảo giăng ra. Nguyễn Đình Ánh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết vì thấy bài đăng có hình ảnh phòng trọ phù hợp với nhu cầu: có kệ nấu ăn, không chung chủ, giờ giấc tự do, tiền điện, nước hợp lý… nên đã liên hệ.
"Em liên hệ muốn xem phòng. Người ấy bảo đang ở nhà vợ dưới tỉnh Bình Dương nên chưa thể về kịp. Họ cũng nói không hiểu sao có quá nhiều người muốn thuê phòng đấy, nếu muốn giữ phòng thì chuyển khoản tiền đặt cọc 1,1 triệu đồng (cho phòng thuê giá 2,2 triệu đồng/tháng)", Ánh kể.
Cũng theo Ánh: "Tài khoản ấy gửi mã QR, cho rằng là "tài khoản của ba". Em tin và chuyển khoản. Sau đó bị chặn trên Messenger. Mất số tiền lớn, nên em đã tìm đến địa chỉ mà bài viết đăng thì địa chỉ ấy chỉ là nhà kho, không có bảng cho thuê phòng. Hỏi người lân cận cũng được biết địa chỉ ấy không có phòng trọ cho thuê. So sánh lại hình ảnh mà bài viết tài khoản Văn Bảo đăng với hình ảnh của nhà kho cũng không hề trùng khớp. Lúc đó em mới biết đã bị lừa".
Một số thành viên khác cũng cho biết "ngậm đắng nuốt cay" vì tài khoản Văn Bảo lừa từ 700.000 đồng – 3 triệu đồng.
Trên các nhóm Phòng trọ Thủ Đức, nhiều bài viết bóc mẽ chiêu lừa của tài khoản Văn Bảo để cảnh báo mọi người.
"Dù để tên Văn Bảo, nhưng thật ra đây là tài khoản ảo, sử dụng hình ảnh của người khác. Chủ nhân của tài khoản này tên N.H.K, sử dụng tài khoản số... 403201 của một ngân hàng thương mại cổ phần. Và dùng số điện thoại... 704254", Bùi Hương Ly (27 tuổi), ngụ ở 58/22 đường số 5, TP.Thủ Đức chia sẻ trên nhóm Phòng trọ Thủ Đức.
Bài viết của Hương Ly nhận được nhiều đồng tình bởi nhiều người đã từng giao dịch chuyển tiền và liên lạc. Có người cho biết thêm, khi lưỡng lự chuyển khoản đóng tiền cọc thì bị tài khoản Văn Bảo chửi với nhiều lời lẽ xúc phạm.
Để không trở thành nạn nhân...
Tài khoản Văn Bảo không phải là trường hợp duy nhất "tung chiêu" để lừa người khác bằng cách yêu cầu người có nhu cầu thuê trọ chuyển khoản tiền đặt cọc. Tại các nhóm phòng trọ trên Facebook xuất hiện không ít bài đăng chỉ rõ chiêu lừa này.
Một sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đăng bài trên nhóm IUH - Phòng trọ sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, phản ánh tài khoản tên Ngọc Lan sử dụng số điện thoại... 547558 lừa tiền người khác với chiêu lừa tương tự.
Sinh viên này cho hay: "Tài khoản ấy đăng bài cho thuê một phòng trọ khá lớn, giá rất rẻ so với mặt bằng chung ở Q.Gò Vấp. Nhưng sau khi đến xem phòng thì gọi điện thoại không được, nhắn tin không trả lời. Mình hỏi những người ở trọ trong dãy phòng ấy thì được biết nơi này không có phòng trống. Chủ dãy trọ cũng cung cấp thông tin "mấy ngày nay có nhiều người đến và cho biết đã bị lừa mất tiền đặt cọc". Chính vì thế, sinh viên này đăng bài để cảnh báo người khác không sập bẫy lừa.
Bùi Thị Hạnh (26 tuổi), ngụ ở hẻm 113 Lê Văn Chí (TP.Thủ Đức), kể lại chuyện bị lừa: "Tôi thấy tài khoản Hạnh Hạnh đăng bài cho thuê phòng ở đường Võ Văn Ngân (TP.Thủ Đức) trên một nhóm phòng trọ. Người này cho biết phòng đẹp, chỉ có giá 2,5 triệu đồng nhưng đầy đủ nội thất như: tủ lạnh, tủ đồ, nệm... Phí sinh hoạt cũng rẻ, giờ giấc thoải mái, an ninh tốt...".
"Vì tính tin người và hấp tấp, cùng với nỗi lo bị người khác thuê phòng đó, nên tôi đã cọc ngay cho bạn ấy trong đêm với số tiền là 2 triệu đồng. Tuy nhiên tôi đã bị lừa", Hạnh kể thêm.
Ở một số nhóm phòng trọ khác như: phòng trọ Q.7, phòng trọ Q.Phú Nhuận, phòng trọ Bình Dương… cũng có không ít bài viết với những nội dung ta thán vì bị lừa tiền đặt cọc thuê phòng trọ, "bóc phốt" tài khoản lừa đảo người thuê trọ.
Theo anh Trương Hoàng Bảo, thành viên diễn đàn chongluadao.vn, chiêu lừa đóng cọc tiền thuê trọ "tuy cũ mà mới".
"Cũ vì từ trước đến nay chiêu lừa này khá phổ biến. Còn mới vì thủ đoạn tinh vi hơn. Và bẫy lừa này đang tiếp diễn. Tinh vi ở chỗ kẻ lừa đã sử dụng hình ảnh những phòng trọ sáng sủa, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, giá cả phải chăng… mà người có nhu cầu thuê trọ chỉ cần nhìn vào là có thể "chốt" ngay. Để rồi từ đó kẻ lừa cho rằng có quá nhiều người liên hệ để thuê nên ưu tiên cho ai đóng tiền cọc trước. Và rồi, với tâm lý "sợ phòng có người khác thuê", cả tin, đã chuyển tiền và sập bẫy lừa", anh Bảo nói.
Anh Bảo cho biết thêm: "Kẻ lừa đã sử dụng hình ảnh của người khác, tự tạo ra những địa chỉ ảo, luôn từ chối yêu cầu được xem phòng của người có nhu cầu thuê. Để né bẫy lừa này, tuyệt đối không được làm theo yêu cầu chuyển tiền đóng cọc. Muốn thuê phòng trọ, nhà ở, cần đến xem trực tiếp trước khi có ý định thuê".
"Phải tuyệt đối cảnh giác với những tài khoản đăng bài cho thuê phòng trọ nhưng lại để chế độ khóa trang cá nhân trên Facebook. Cũng nên lưu ý những người liên tục thúc giục chuyển tiền đặt cọc. Cần cẩn thận với những bài viết cho thuê phòng trọ giá rẻ một cách bất thường. Và nếu tên tài khoản Facebook là A, nhưng tên tài khoản ngân hàng lại là B thì khả năng cao kẻ ẩn danh đang lừa đảo", anh Bảo nói thêm.