Nhảy đến nội dung
 

Thông điệp 'Không có đá quá mềm' của ông Phan Văn Trường

Đôi khi mình bắt buộc phải nhìn nhận rằng “chân thì phải cứng, nhưng đá vẫn không quá mềm”!

Đó là lời nhắn nhủ của tác giả Phan Văn Trường qua bài viết Trong vũ trụ bao la in trong tập sách Không có đá quá mềm. Cuốn sách gồm 19 câu chuyện của những người khuyết tật và người thân thiết nhất của họ: chị em, vợ chồng…, cùng 3 câu chuyện của người quan sát. Các mẩu chuyện là lời tâm tình chân thành và thẳng thắn, không bi kịch hóa vấn đề hay phóng đại sự việc.

Qua đó, cuốn sách như thay lời khẳng định: những khiếm khuyết trên cơ thể gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống, nhưng không phải là bất hạnh.

Bằng nghị lực, những tác giả là người khuyết tật góp mặt trong cuốn sách đã học cách vươn lên khỏi nghịch cảnh, chấp nhận bản thân, nỗ lực lao động, thi đấu thể thao… và đạt được những thành tựu rực rỡ. Song không chỉ truyền cảm hứng sống, mà cuốn sách còn mở ra cánh cửa để người đọc hiểu được tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh, nhu cầu của người khuyết tật, từ đó hỗ trợ, đồng hành cùng họ hiệu quả hơn nữa.

Tinh thần cống hiến, không làm gánh nặng xã hội

Lương Ngọc Hà Mi, sinh năm 2004, là người trẻ tuổi nhất trong nhóm tác giả. Hà Mi hiện là sinh viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM. Cô nhớ lại kỷ niệm lần đầu gặp thầy Phan Văn Trường ở trường quay. Biết được ông là chuyên gia đàm phán quốc tế, lĩnh vực liên quan mật thiết đến ngành học của mình, từ đó Hà Mi "hồn nhiên trao đổi, hỏi thăm thầy như với một người ông trong gia đình".

Một năm sau, tại buổi ra mắt sách Không có sông quá dài, anh Lê Việt Cường, người sáng lập Vụn Art, đề xuất thực hiện một cuốn sách do những người khuyết tật và những ai liên quan đến người khuyết tật cùng viết. Tác giả Phan Văn Trường lập tức đưa ra ý tưởng viết sách Không có đá quá mềm.

Vốn có nhiều trăn trở, tâm tư khi đồng hành cùng người khuyết tật và bản thân cũng là người khuyết tật, Hà Mi đã tham gia vào quyển sách. "Nhóm tác giả chúng tôi đến với nhau vì tinh thần cống hiến, không muốn trở thành gánh nặng cho xã hội", Hà Mi nói.

Qua tác phẩm này, Hà Mi muốn nhắn nhủ: "Những ai chưa tin vào nỗ lực của bản thân, thì hãy bắt đầu học cách tin vào chính mình. Trong bối cảnh mọi thứ biến đổi linh hoạt ngày nay thì sự nỗ lực quyết định rất nhiều khía cạng đời sống. Làm sao để sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc là 3 yếu tố quan trọng nhất".

Trên giảng đường đại học, Hà Mi luôn tự hỏi: "Môn học này mình có thể ứng dụng như thế nào?" Tâm niệm quan hệ quốc tế không chỉ là vấn đề quốc gia, mà "quan hệ" thì luôn xuất phát từ cá nhân, Hà Mi học được là 3 chìa khóa của một mối quan hệ: chân thành, tin cậy, trách nhiệm. Hà Mi đã ứng dụng điều này vào công tác xã hội vận động tạo việc làm cho người khuyết tật.

Cuốn sách còn có sự góp mặt của chị Nguyễn Thị Vân, đồng sáng lập Trung tâm Nghị Lực Sống chuyên dạy nghề và kết nối việc làm cho hàng nghìn người khuyết tật tại Việt Nam; “ông làng” Nguyễn Thế Vinh, người sáng lập và dạy học tại Cơ sở Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương; ThS Tâm lý học Đặng Hoàng An; chàng trai khởi nghiệp trên xe lăn Nguyễn Trung Hậu;...

Khong co da qua mem anh 1

Sách Không có đá quá mềm. Ảnh: NXB Trẻ.

Vẻ đẹp nơi mỗi người

Tác giả Phan Văn Trường cho rằng nếu cuộc sống là một tảng đá thì "chắc chắn người khuyết tật sẽ thấy đá mềm hơn là người bình thường cảm nhận rất nhiều", vì họ đã quen đối mặt với muôn vàn khó khăn và trở ngại.

Ở vị trí "người quan sát", tác giả Phan Văn Trường có những đúc kết sâu sắc, giàu lòng yêu thương. Ông thuật lại quá trình tiếp xúc và thay đổi tư duy của mình về người khuyết tật: từ lạ lẫm, bỡ ngỡ, đến khi dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, đến khi thấu hiểu cách giúp đỡ họ từ tinh thần, vật chất đến việc cho "cần câu" thay vì "con cá".

Về sau, một cuộc chuyển hóa quan trọng giúp ông khám phá ra rằng "... người nào cũng có một tâm hồn, người nào cũng có một thể diện, mỗi người một vẻ đẹp, mỗi người đều có quyền tự hào về mình cho dù mình không hoàn hảo đến đâu".

Chính vì vậy mà "Chúng ta hãy tích cực giúp mọi người, trong đó có người khuyết tật, sống một cuộc đời đáng sống [...] Tôi còn thầm nghĩ, chẳng biết trước được, có khi chính người khuyết tật mới có khả năng chữa cho sự yếu mềm của chúng ta, là những người gọi là lành", ông viết trong cuốn sách.

Tác giả Đông Vy - nổi tiếng với Nếu biết trăm năm là hữu hạn (dưới bút danh chung Phạm Lữ Ân), Hãy tìm tôi giữa cánh đồng, Những lối về ấu thơ, Lạc giữa nhân gian… chia sẻ quan sát của mình về câu chuyện của người khuyết tật trong cuộc sống xã hội hiện nay. Từ kinh nghiệm của mình, bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh đưa ra góc nhìn về nhu cầu y tế của những người khuyết tật hiện nay, khơi mở nhiều suy ngẫm đồng thời gợi ý những giải pháp thiết thực...

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.