Thời trang Việt giữa 'cơn bão' đóng cửa

Sau Catsa, Lép, "cơn bão" đóng cửa, rời khỏi thị trường tiếp tục càn quét thêm những cái tên lớn như Elpis, Một, Hnoss… cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường thời trang Việt năm 2025.
Thương hiệu kỳ cựu kiệt sức
Tính từ thời điểm giữa năm 2024 cho đến hiện tại, thời trang Việt đã có khoảng 10 cái tên rời khỏi sân chơi local brand (thương hiệu nội địa). Hầu hết trong số này là các thương hiệu lớn, phát triển quy mô và có lượng khách hàng rộng khắp. Thương hiệu thời trang nam Catsa có 13 năm kinh doanh với hàng chục cửa hàng, doanh thu thời đỉnh cao lên đến hàng trăm tỉ đồng; Hnoss có 17 năm hoạt động, với 36 cửa hàng và từng được Tập đoàn Seedcom đầu tư. Trong khi đó Elpis vốn được những ngôi sao như Ninh Dương Lan Ngọc, Tiểu Vy, Ngọc Trinh… yêu thích, cũng dừng hoạt động sau 10 năm. Những local brand còn lại cũng có tuổi đời từ 5 - 8 năm như Một, The Peachy, Lép, MIEU, Lenoir, Edini…
Ra đời năm 2018, Một từng được gọi là thương hiệu của giới trẻ. Thương hiệu giày "Made in Vietnam" này nhanh chóng được yêu thích nhờ chất lượng sản phẩm và triết lý kinh doanh đi ngược lại chủ nghĩa tiêu dùng. Với tiêu chí "Một cho tất cả", thương hiệu Việt chỉ sử dụng một kiểu dáng giày duy nhất để đảm bảo đặc điểm trung tính cho đôi giày mà ai cũng có thể mang, bất kể độ tuổi, bất kể giới tính. Tinh thần thời trang tối giản của Một càng có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn khi kết hợp cùng nhiều thương hiệu quần áo đi theo con đường bền vững như Moriko, Tim Tay, Nhung Linen…
Khép lại hành trình thời trang rực rỡ, nhiều nhà sáng lập (founder) cởi mở chia sẻ lý do thương hiệu phải dừng lại. Founder của Catsa cho biết quyết định dừng hoạt động vì không muốn tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy của thời trang nhanh. Trong khi đó, thương hiệu Lép và Edini lý giải họ phải dừng cuộc chơi vì không thể chạy theo sự thay đổi chóng vánh của xu hướng, giảm chất lượng sản phẩm để cạnh tranh giá hay tham gia các chiêu trò làm giá từ các kênh trung gian…
Tìm hướng đi mới
Trong một lần trò chuyện cùng PV Thanh Niên, ông Bạch Cao Cường, nhà sáng lập một thương hiệu Việt, có hơn 30 năm làm việc trong ngành may mặc, cho biết khủng hoảng thừa đang diễn ra kéo theo sự sụp đổ của các nhãn hàng phụ thuộc vào sàn thương mại điện tử. Nếu cứ chạy theo các chương trình giảm giá, thuê KOLs (người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm) và hạ giá bán thì thương hiệu chỉ có cách sản xuất nhiều hơn. Điều này dẫn đến kết cục không đủ chi phí duy trì doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội thảo Xu hướng người tiêu dùng năm 2026, bà Trang Lê, Chủ tịch Tuần lễ Thời trang quốc tế VN, cho biết hợp tác với tổ chức dự báo xu hướng là bước chuẩn bị đầu tiên để có thể đưa thời trang Việt hòa cùng dòng chảy với quốc tế. Từ thông tin dự báo xu hướng, các nhà thiết kế, chủ thương hiệu thời trang có được những hiểu biết sâu sắc về các xu hướng tiêu dùng trong tương lai, từ đó có thể xây dựng các chiến lược đón đầu.
Bà Carla Buzasi, Giám đốc điều hành Công ty dự báo xu hướng WGSN, nhận định người tiêu dùng luôn phải được đặt ở vị trí trọng tâm trong mọi kế hoạch chiến lược của thương hiệu. Thực tế hiện nay hành vi tiêu dùng có sự thay đổi nhanh chóng mặt, do đó thương hiệu thời trang cần nắm bắt kịp thời thông tin dự đoán thị trường để có thể giảm thiểu rủi ro và lên kế hoạch hiệu quả. Một trong những điều quan trọng nhất là thương hiệu xác định được nhóm khách hàng mục tiêu và tương tác với họ lâu dài trong tương lai.
Tuy nhiên, bức tranh thời trang Việt nửa đầu năm 2025 không hoàn toàn chỉ có mảng màu xám. Bên cạnh làn sóng đóng cửa, dừng hoạt động thì nhiều thương hiệu vẫn có những tín hiệu lạc quan. Thương hiệu White Ant, Sixdo tiếp tục mở thêm cửa hàng ở các tỉnh. Thương hiệu PHAM, các nhà thiết kế Lê Thanh Hòa, Đỗ Mạnh Cường có show diễn runway trong tháng 4. Bước sang tháng 5, người yêu thời trang tiếp tục chờ đón chuỗi sự kiện runway dành cho thương hiệu nội địa SR Celebrating Local Pride 9, show thời trang cưới Vietnam Wedding Fest và Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2025 dự kiến trở lại vào đầu tháng 6.