Thời tiết nắng nóng và cảnh báo quan trọng cho người bệnh suy tim

Những người khỏe mạnh có khả năng chịu đựng tốt khi tiếp xúc với nắng nóng. Tuy nhiên, khả năng này bị suy giảm ở bệnh nhân tim mạch.
Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy bệnh nhân tim mạch đặc biệt dễ bị tổn thương do nhiệt. Bài viết này xem xét ảnh hưởng của nắng nóng lên chức năng tim mạch, đặc biệt ở bệnh nhân suy tim mạn tính (CHF).
Nắng nóng ảnh hưởng thế nào đến suy tim sung huyết?
Suy tim sung huyết là tim bạn suy giảm khả năng tống máu vào tuần hoàn cơ thể (suy tim có phân suất tống máu bảo tồn, HFpEF, HFmpEF) hoặc khiếm khuyết trong quá trình đổ đầy tâm thất (suy tim có phân suất tống máu bảo tồn, HFpEF).
Nhiệt độ và độ ẩm cao có thể gây khó khăn cho những người bị suy tim sung huyết và các bệnh tim khác vì chúng phá vỡ quá trình làm mát tự nhiên của cơ thể thông qua 2 cách:
Khi trời nóng, lưu lượng máu qua da tăng lên để làm mát cơ thể thông qua việc đổ mồ hôi và bốc hơi. Tim cần làm việc nhiều hơn để gia tăng lưu lượng máu có liên quan đến việc tăng phân suất tống máu và các yếu tố Doppler mô của chức năng tâm thu, giảm áp lực đổ đầy tâm thất.
Phản ứng sinh lý này dẫn đến mất nước, cô đặc máu, tình trạng tăng đông máu và rối loạn điện giải. Tình trạng tăng đông máu dẫn đến hình thành cục máu đông gây nên các biến cố mạch vành cấp tính hoặc đột quỵ.
Đổ mồ hôi khiến bạn mất rất nhiều sức lực, đổ mồ hôi giúp giải phóng nhiệt. Tuy nhiên khi bạn đổ mồ hôi, bạn sẽ mất đi các khoáng chất có giá trị và cơ thể sẽ sản xuất hormone để cố gắng giảm thiểu các ảnh hưởng này, chính điều này sẽ gây áp lực cho tim của bạn.
Rối loạn điện giải (natri, kali hoặc magie…) đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành điện thế hoạt động xuyên màng và do đó gây mất cân bằng điện giải, làm thay đổi điện thế hoạt động của tế bào cơ tim dẫn đến các loạn nhịp tim khác nhau.
Ngoài ra, tình trạng mất nước có thể kích hoạt hệ thần kinh giao cảm dẫn đến tăng nhịp tim và nhu cầu chuyển hóa của tim. Ở bệnh nhân tim mạch, đều này gây ra sự mất cân bằng cung - cầu dẫn đến các biến cố thiếu máu cục bộ và thậm chí là vỡ màng bám dẫn đến đột quỵ và biến cố tim mạch.
Thêm vào đó, một thành phần chính trong điều trị suy tim là thuốc lợi tiểu như: furosemide, torsemide… để thúc đẩy tác dụng lợi natri bằng cách ức chế hệ thống đồng vận chuyển natri-clorua ở quai Henle. Điều này góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước và gây mất cân bằng điện giải.
Cách nhận biết và ứng phó với bệnh do nhiệt
Nóng đến mức nào thì được gọi là quá nóng? Khi nhiệt độ đạt 70 độ F (21,1 độ C) với độ ẩm ít nhất là 70%, tim bạn cần làm việc nhiều hơn để giúp cơ thể được mát mẻ. Mối đe dọa đối với tim bạn tăng lên khi nhiệt độ và độ ẩm tăng.
Khi thời tiết bên ngoài nóng và ẩm, bạn hãy tránh hoạt động ngoài trời cho đến khi trời mát hơn. Bệnh nhân suy tim tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm cao có thể khiến cơ thể trở nên quá nóng.
Bạn có các triệu chứng: mồ hôi quá nhiều, chuột rút cơ, mạch nhanh, da ẩm ướt, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt hoặc yếu… đây là những dấu hiệu của bệnh do nhiệt gọi là kiệt sức do nhiệt. Bạn hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn bị nôn, các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn hoặc chúng không biến mất sau một giờ.
Nếu bạn ngừng đổ mồ hôi, da đỏ, khó thở hoặc nhiệt độ cơ thể của bạn trên 40 độ C, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Bạn có thể đang gặp phải tình trạng nguy hiểm được gọi là say nắng.
Trong trường hợp say nắng, tình trạng mất nước và kích hoạt giao cảm sẽ chuyển hướng dòng máu ra khỏi ruột dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ ruột và tăng tính thấm của màng biểu mô ruột, cho phép các chất có hại như lipopolysaccharide của vi khuẩn và HMGB 1 xâm nhập vào máu.
Điều này kích hoạt phản ứng miễn dịch toàn thân thông qua việc kích hoạt thụ thể toll 4 gây ra hội chứng đáp ứng viêm toàn thân hoặc SIRS. Ngoài ra, nội mô mạch máu bị tổn thương thúc đẩy đông máu vi mạch và suy đa cơ quan, bao gồm rối loạn chức năng tim mạch.
Cách giữ an toàn trong thời tiết nóng bức
Chọn thời gian tập thể dục ngoài trời một cách cẩn thận, không tập thể dục hoặc làm việc nhà ngoài trời vào thời điểm nóng nhất trong ngày. Thay vào đó, bạn hãy dành các hoạt động ngoài trời vào sáng sớm hoặc buổi tối và tập thể dục ở nơi có máy lạnh vào những giờ oi bức nhất.
Mặc quần áo nhẹ, mặc quần áo sáng màu, thoáng khí, không giữ nhiệt, uống đủ nước. Nên tham khảo bác sĩ tim mạch hướng dẫn bạn về lượng chất lỏng vào hằng ngày vì tình trạng giữ nước có thể là vấn đề đối với những bệnh nhân bị suy tim sung huyết, không uống rượu hoặc đồ uống có chứa caffeine vì chúng có thể gây mất nước.
Chủ động bảo vệ sức khỏe chính là chìa khóa để trái tim luôn khỏe mạnh bất chấp những thử thách khắc nghiệt của thời tiết. Đừng để nắng nóng khiến trái tim bạn thêm gánh nặng!