Nhảy đến nội dung

Thói quen tai hại khiến vợ chồng cùng có khối u trong gan

Theo bác sĩ Hà Hải Nam, ung thư gan ngày càng phổ biến hơn. Ảnh: NPR.

Một buổi chiều đầu tuần, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa ngoại bụng 1, Bệnh viện K, tiếp nhận một cặp vợ chồng hơn 30 tuổi, cùng đến khám vì những dấu hiệu giống nhau: mệt mỏi kéo dài, chán ăn, sút cân nhanh.

Họ gần như kiệt sức nhưng không ai nghĩ đến điều gì nghiêm trọng vì cả hai đều có lối sống lành mạnh, không thuốc lá, không rượu bia.

Thói quen ăn uống gây bệnh tưởng vô hại

Điều khiến bác sĩ bất ngờ là kết quả xét nghiệm của cả hai đều phát hiện khối u trong gan, nghi ngờ ung thư.

Người chồng nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường. Anh thường xuyên mệt mỏi, đuối sức dù ăn uống không thay đổi, sau đó xuất hiện cảm giác đau tức vùng bụng phải. Đi khám tại bệnh viện tư, siêu âm cho thấy một khối u kích thước 6 cm trong gan. Bác sĩ khuyên nên chuyển ngay đến cơ sở chuyên khoa ung bướu.

Khi cùng chồng đến phòng khám của bác sĩ Nam để kiểm tra lại, người vợ cũng cho biết mình có triệu chứng tương tự. Bác sĩ nhanh chóng nhận rabiểu hiện lạ như môi thâm, da khô, mắt hơi vàng và đề nghị xét nghiệm. Kết quả,người vợ cũng có một khối u lớn trong gan, đang chèn ép đường mật.

"Họ cùng bật khóc, khẳng định cả hai đều khoẻ mạnh từ nhỏ, chưa từng mắc bệnh gan, hiếm khi ốm vặt", bác sĩ Nam kể lại.

Lắng nghe kỹ hơn về lối sống và sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ Nam dần nhận ra một điểm chung có thể là "manh mối".

Gia đình họ buôn bán trái cây tại một sạp nhỏ trong chợ đầu mối Hà Nội. Để tiết kiệm, những trái cây bị hư được họ lọc bỏ phần dập nát, giữ lại phần lành để ăn dần, bảo quản trong tủ lạnh.

khoi u gan anh 1

Aflatoxin trong nấm mốc là loại độc tố gây ung thư gan mạnh nhất hiện nay. Ảnh: Freepik.

Ngoài ra, trong lúc ngồi bán hàng, họ thường xuyên ăn vặt bằng hạt hướng dương, hạt bí mua sỉ, để trong hộp không đậy kín và dùng kéo dài từ ngày này qua ngày khác.

"Những thói quen tưởng vô hại ấy lại có thể là cửa ngõ dẫn đến căn bệnh ung thư gan. Thủ phạm có thể là aflatoxin, một loại độc tố cực mạnh do nấm mốc sinh ra trong các loại thực phẩm như trái cây hư, hạt khô để lâu, lạc mốc, bánh mì cũ, thậm chí là các vật dụng gỗ bị ẩm như đũa, thớt", vị chuyên gia nói.

Theo y văn, chỉ cần 1 mg aflatoxin B1 hấp thụ qua đường ăn uống đã có thể gây ung thư gan; nếu lên đến 20 mg trong một lần, độc tố này có thể gây tử vong ngay lập tức. Aflatoxin kết hợp với enzym trong gan, tạo ra đột biến DNA và là nguyên nhân dẫn đến 5-15% các ca ung thư gan trên toàn cầu.

Ai cần tầm soát ung thư gan?

Theo bác sĩ Hà Hải Nam, ung thư gan ngày càng phổ biến hơn. Khi ngồi tại phòng khám của Bệnh viện K, có ngày, bác sĩ Nam tiếp nhận 2-3 bệnh nhân ung thư gan. Nhiều người còn rất trẻ chỉ 30-40 tuổi.

Vị chuyên gia khuyến cáo những người dưới đây cần tầm soát sớm ung thư gan:

Những người mắc bệnh về gan và người có tiền sử gia đình mắc ung thư gan: Những người mắc bệnh viêm gan virus B, C, xơ gan, gan nhiễm mỡ hoặc trong gia đình có người mắc ung thư gan rất cần được tầm soát. Virus viêm gan B và viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát.

khoi u gan anh 2

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa ngoại bụng 1, Bệnh viện K. Ảnh: BSCC.

Các bệnh viêm gan nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm bệnh tự miễn khác như đái tháo đường type 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ... cần điều trị để tránh biến chứng sang gan về sau.

Người béo phì, tiểu đường: Đường và mỡ máu cao sẽ được tích tụ tại gan, dẫn đến tổn thương thoái hoá các tế bào gan và dẫn tới xơ gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan.

Người uống nhiều đồ uống có cồn: Rượu, bia có khả năng thúc đẩy gene sinh ung thư phát triển nhanh, dẫn đến ung thư sớm. Ngoài ra, rượu còn gây tổn thương các tế bào gan. Khi uống quá nhiều rượu, chức năng thải độc của gan sẽ bị quá tải, các tế bào gan bị tổn thương trầm trọng, hình thành nên mô sẹo, xơ, từ đó hình thành bè gan xơ và ung thư gan.

Người ăn thực phẩm nấm mốc: Aflatoxin trong nấm mốc là loại độc tố gây ung thư gan mạnh nhất hiện nay. Aflatoxin gây ung thư gan bằng cách gây đột biến ở gene p53. Nấm mốc thường xuất hiện ở những thực phẩm bảo quản, lưu trữ trong môi trường nóng, ẩm như gạo, lạc, đậu tương, lúa mì, ngô…

Người hay ăn thịt tươi sống nhiễm sán: Những loại sán khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phá hủy gan, gây ung thư gan.

Người lạm dụng thuốc, hóa chất gây tổn thương gan: Một số thuốc, hóa chất nếu sử dụng hay tiếp xúc trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho gan và dẫn tới ung thư gan như: Thorotrast (trước đây được sử dụng cho chẩn đoán hình ảnh), vinyl chloride (sử dụng trong công nghiệp nhựa)...

Người sử dụng chất kích thích: Các chất kích thích như thuốc lá, cà phê nếu sử dụng với hàm lượng nhiều, trong thời gian dài, có thể gây nên bệnh về gan, trong đó có ung thư gan.

Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.