Thiết kế nắp chai thỏa mãn tối đa 'thượng đế' của người Nhật

Từ lâu, bên cạnh những phát minh vĩ đại như robot hay công nghệ... người Nhật còn nổi tiếng với những sản phẩm có thiết kế chu đáo, tiện lợi cho người dùng, đặc biệt là ở những chi tiết nhỏ, đôi khi ít người để ý. Đó có thể là tấm phù hiệu mang thai cho bà bầu, nhãn dán xe cho tài xế lớn tuổi, chữ nổi trên đồ dùng, hay những lá cờ vàng cho trẻ em băng qua những con đường đông đúc...
Độc giả Blknemesis chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tại Nhật Bản: "Thứ nhất, tất cả các loại nước đóng chai ở Nhật đều có lằn cắt sẵn để người dùng xé ra dễ dàng, có khoen cài để tránh bung, hở khi chưa dùng hết. Họ cũng phân loại rác nhựa và chai PET (nhựa chai trong suốt) rất rõ ràng để tiện xử lý về sau.
Thứ hai, hầu hết tất cả các bìa đĩa CD âm nhạc do Nhật Bản sản xuất đều có lằn màu đỏ để kéo và cắt bao bì rất tiện lợi. Ngoài ra, những CD đó đều có Obi (bìa kẹp có ghi chú thích về sản phẩm). Nếu bán CD đã qua sử dụng thì nó sẽ có giá cao hơn. Ngoài ra người ta còn có thêm Liner Notes - một cuốn sách kẹp bên trong có viết về sản phẩm, ca sĩ, lời bài hát, phần dịch lời bài hát bằng tiếng Nhật... Hầu hết CD của ca sĩ quốc tế sẽ có thêm một vài bài bổ sung cho phiên bản do Nhật Bản sản xuất.
>> Ổ cắm điện 'made in Vietnam' vừa dùng vừa bực bội
Thứ ba, đa số toilet công cộng tại Nhật Bản đều có giấy vệ sinh miễn phí. Họ còn để phòng hờ thêm một hoặc nhiều cuộn giấy khác để người sử dụng có thể thay thế ngay. Dĩ nhiên, có một số ít (rất hiếm) là người sử dụng phải mua giấy bán từ máy tự động ngay tại nhà vệ sinh.
Thứ tư, đa số toilet công cộng ở Nhật đều có nút bấm khẩn cấp để phòng hờ người dùng bị vấn đề sức khỏe.
Thứ năm, tất cả smartphone được bán tại Nhật Bản đều có thể điện thoại khẩn cấp chỉ bằng một cái quẹt trước khi nhập mật khẩu để mở khóa màn hình.
Thứ sáu, hầu hết các căn hộ hay văn phòng cho thuê ở Nhật đều có hệ thống báo động chống cháy nổ, được thiết kế dưới dạng cảm biến khi có khói bốc lên.
Thứ bảy, khi phân loại rác, những vật sắc nhọn như dao, kéo hay chén đĩa đã bị vỡ... người dân đều được yêu cầu sử dụng giấy cứng để gói lại và viết chữ 'Kiken' (nguy hiểm) ra ngoài để nhân viên thu gom rác dễ dàng phân biệt và không bị thương tích.
Thứ tám, tất cả các tuyến xe điện ở Nhật Bản đều có thể hỗ trợ rất tận tình cho người khiếm thị, người đi xe lăn, người lớn tuổi... Điển hình là khi đi xe lăn, hành khách chỉ cần yêu cầu nhân viên nhà ga chuẩn bị 'slope' (tấm ván) để nếu nền nhà ga thấp hơn sàn toa xe thì nhân viên nhà ga sẽ đem tấm ván bắc ngang như cầu nối để người đi xe lăn lên xuống toa dễ dàng. Dĩ nhiên họ sẽ cho người đón bạn ở ga xuống và làm điều tương tự. Ngoài ra, cửa xe điện và thang máy đều có ký tự nổi cho người khiếm thị và có gạch nổi màu vàng để họ có thể đi theo đúng hướng.
Thứ chín, bất cứ ở đâu trên lãnh thổ Nhật Bản, bạn đều có thể kêu cấp cứu bằng số điện thoại 119 và gọi cảnh sát bằng số 110. Họ sẽ cử nhân viên cấp cứu hay cảnh sát từ nơi gần nhất để tới hỗ trợ người gặp nạn nhanh nhất. Một điều nữa là Nhật Bản có vô số 'Koban' (đồn cảnh sát với quy mô nhỏ tầm hai, ba nhân viên trở lên) ở mọi hang cùng, ngõ hẻm để sẵn sàng hành động khi có yêu cầu.
Cuối cùng, tất cả chi phí xe cấp cứu, chữa cháy tại Nhật Bản đều miễn phí. Bạn chỉ cần gọi điện báo là nhân viên sẽ hỏi chi tiết và điều xe tới tận nơi hỗ trợ. Dĩ nhiên trong trường hợp cứu cấp thì chi phí xe sẽ miễn phí, còn chi phí thực tế phát sinh tại bệnh viện sẽ do bệnh nhân chi trả. Nếu cứu cấp ngoài giờ làm việc thì bệnh viện sẽ nhận một số tiền sau khi cấp cứu xong hoặc ghi biên lai trong trường hợp bệnh nhân không đem theo tiền. Tới giờ làm việc của bệnh viện, bệnh nhân có thể tới bệnh viện để thanh toán sau với số tiền chính xác hoặc nhận lại số tiền dư nếu có".
>> Lọ thuốc sát trùng Made in Vietnam không có vòi hãm
Cùng chung cảm nhận về sự tinh tế trong các thiết kế của người Nhật, bạn đọc Ngoquangcuong bình luận: "Khóa cài cửa toilet công cộng ở Nhật chính là cái khay để điện thoại và ví cá nhân. Nhờ thế, khi đi vệ sinh xong, tôi phải mở cửa ra bằng khóa đó nên không thể quên được đồ. Tiếc rằng ở Việt Nam, tôi chưa thấy những thiết kế tương tự".
Độc giả Luc Binh Trang bổ sung thêm: "Các dụng cụ, vật dụng (như ghế xếp) ở Nhật cũng thiết kế không có những góc, điểm nhọn, sắc, bén, tránh gây đứt tay, thương tích cho người sử dụng. Hay như các lối xe ra vào tòa nhà và công trường xây dựng cũng đều có các chú bảo vệ lớn tuổi đứng canh, cảnh báo lái xe và đảm bảo người đi bộ được ưu tiên đi trên vỉa hè mà không bị cản trở hay làm phiền. Đó chính là sự tinh tế và chu đáo của người Nhật".
"Chia sẻ đôi điều như vậy để các bạn hiểu rõ hơn về sự tinh tế, chu đáo, tỉ mỉ của người Nhật trong mọi hoàn cảnh, dịch vụ, đến từng ngóc ngách trong đời sống, mang lại sự tiện lợi tối đa cho người dùng. Mong một ngày không xa, chúng ta cũng có thể học hỏi và cải thiện chất lượng dịch vụ trong nước giống như vậy", bạn đọc Blknemesis kết lại.
Còn bạn nghĩ sao về thiết kế sản phẩm, dịch vụ ở những nước khác?
Thành Lê tổng hợp