Nhảy đến nội dung

Thiệt hại nặng do thời tiết xáo trộn, gây mưa đá, giông lốc, sét

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Gia Lai đã xảy ra hiện tượng mưa đá, giông lốc, sét và gió giật mạnh, gây thiệt hại về người và tài sản.

Tổng cộng, có 206 căn nhà tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Quảng Ngãi bị tốc mái, hư hỏng do mưa đá, giông lốc gây ra.

Hàng chục người bị sét đánh

Tại Kon Tum, chỉ trong 12 ngày qua, trên địa bàn tỉnh này đã xảy 3 vụ sét đánh khiến 2 người tử vong và 8 người khác bị thương.

Cụ thể, chiều 26.4, khi đang làm rẫy, vợ chồng ông Thao Brúc (56 tuổi, trú thôn Đăk Răng, xã Pờ Y, H.Ngọc Hồi) bị sét đánh trúng. Hậu quả, vợ ông Thao Brúc tử vong tại chỗ, ông Thao Brúc bị thương.

Trước đó, chiều 16.4, ông A Lang (ở thôn Kạch Nhỏ, xã Đăk Sao, H.Tu Mơ Rông) đang sinh hoạt trong nhà thì bị sét đánh chảy máu vùng đầu được đưa đi cấp cứu.

Trước nữa, 7 người dân thôn Tà Póc (xã Đăk Nông, H.Ngọc Hồi) đi nhổ mì thì gặp giông sét kèm mưa đá. Nhóm người này nhanh chóng di chuyển vào chòi rẫy gần đó để trú mưa. Tuy nhiên, một tia sét đánh vào chòi khiến chị Y.D. (34 tuổi) tử vong tại chỗ, 6 người còn lại bị thương.

Theo ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, trong thời điểm mưa chuyển mùa, gần như năm nào ở Kon Tum cũng có tình trạng sét đánh gây thiệt hại. Tuy nhiên, số lượng người bị sét đánh của những năm trước ít hơn.

Cũng theo ông Huy, năm nay số lượng sét nhiều hơn các năm. Nguyên nhân chủ yếu là do nắng nóng bất thường. Đến hết tháng 4 vẫn có những đợt không khí lạnh ở phía Bắc tràn về, khi gặp khối khí nóng sẽ có những sự xáo trộn không khí. Lúc này mây đối lưu phát triển mạnh sẽ tạo ra sét nhiều. Ngoài ra mức độ ô nhiễm không khí tạo ra những hạt vật chất trong không khí nhiều nên hiện tượng sét dễ phát sinh hơn.

"Đài khí tượng thủy văn liên tục đăng tải thông tin cảnh báo hiện tượng giông sét và thời điểm mưa trái mùa và cách phòng tránh. Thế nhưng do phong tục tập quán canh tác trên nương rẫy, khi xuất hiện mưa giông, bà con thường đến các chòi rẫy để trú ẩn trong khi các chòi rẫy thường ở khu vực trống vắng, có độ cao nhất định và không kiên cố. Do đó khi mưa giông, nếu trú trong các chòi rẫy thường gặp những tai nạn không mong muốn", ông Huy nói.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Không chỉ gây thiệt hại về người, mưa trái mùa tại Kon Tum đã khiến 42 căn nhà tốc mái, 7 trụ điện ngã đổ, 2 trường học tốc mái hoàn toàn và khoảng 0,7 ha cao su bị gãy đổ. Tổng thiệt hại trên 250 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND TP.Kon Tum, ngay sau khi giông lốc xảy ra, địa phương đã nhanh chóng triển khai khắc phục hậu quả. Thành phố đã giao các địa phương bị ảnh hưởng huy động nguồn lực để giúp đỡ các hộ bị thiệt hại khắc phục, ổn định cuộc sống. 

Tại Gia Lai, trong 2 ngày qua trên địa bàn H.Krông Pa xảy ra mưa lớn, kèm gió lốc khiến 69 căn nhà bị tốc mái, tập trung tại các xã Ia Rsươm, Ia Rsai và Chư Rcăm. Ngoài ra, nhiều công trình phụ như hiên nhà, tường rào cũng bị hư hỏng. Mưa giông còn gây thiệt hại hơn 1 ha điều tại xã Ia Rsươm. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn H.Krông Pa khoảng 573 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND H.Krông Pa cho biết, đã chỉ đạo lực lượng chức năng dốc sức giúp dân sửa chữa lại nhà ở bị hư hỏng do thiên tai gây ra.

"Hiện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn H.Krông Pa đã phối hợp với chính quyền các xã bị ảnh hưởng tổ chức thăm hỏi, động viên và hướng dẫn người dân chủ động mua vật tư sửa chữa nhà cửa, khẩn trương ổn định cuộc sống", ông Thảo nói.

Cũng trong thời gian này tại Quảng Ngãi, mưa đá kèm giông lốc mạnh đã khiến 95 căn nhà tại xã Ba Vì, H.Ba Tơ bị tốc mái. Các công trình như: trụ sở UBND xã, trụ sở nhà văn hóa xã, thôn bị tốc mái, làm hư hại các thiết bị bên trong.

Ban Chỉ huy quân sự H.Ba Tơ đã triển khai lực lượng vận động 18 hộ dân có nhà cửa thiệt hại nặng di dời xen ghép sang nhà người thân để đảm bảo an toàn. Đồng thời, giúp người dân thu gom đồ đạc, sửa chữa nhà cửa, dọn cây cối ngã đổ để thông tuyến các trục đường liên xã. Các nhà bị hư hỏng nhẹ và tốc mái đã được khắc phục bằng cách chằng chống tạm thời và lợp lại mái nhà để có chỗ cho người dân sinh hoạt.