Thiết bị siêu trọng nặng 110 tấn vừa hạ đặt thành công, dự án 9.200 tỷ đồng đang thần tốc về đích

Các nhà thầu đang nỗ lực bám sát tiến độ, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây cho biết, vào 11h30 ngày 23/5/2025, tại công trường dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (tỉnh Hòa Bình), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) cùng các đơn vị liên quan đã hạ đặt thành công bánh xe công tác (tổ máy 1) vào vị trí thi công.
Theo đại diện EVN, đây là một trong những cột mốc kỹ thuật quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong quá trình lắp đặt thiết bị của dự án.
Bánh xe công tác có trọng lượng 110 tấn, là thiết bị siêu trọng, được nhập khẩu từ nước ngoài. Việc hạ đặt bánh xe công tác do nhà thầu Lilama thực hiện, đòi hỏi sự phối hợp chính xác và an toàn tuyệt đối giữa các bên liên quan.
Ban quản lý dự án cho biết, việc hoàn thành hạ đặt bánh xe công tác là điều kiện tiên quyết để tiếp tục triển khai lắp đặt thiết bị quan trọng tiếp theo như: nắp hầm tuabin, trục tuabin, vành điều khiển, ổ hướng tuabin...
Đây cũng là bước chuẩn bị cần thiết cho việc tổ hợp rotor tổ máy số 1, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2025.
Theo Báo cáo của Ban Quản lý, đến quý I/2025, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đối với một số hạng mục. Khối lượng tổng thể quý I đạt được cụ thể: thi công bê-tông cửa lấy nước đạt 157% kế hoạch; bê-tông nhà máy đạt 84,7% kế hoạch; đào hố móng kênh xả 25%; tháo dỡ đê quây cửa lấy nước đạt 122% kế hoạch; thi công bê-tông hầm số 1 đạt 115,8% và hầm số 2 đạt 121,4% kế hoạch;...
Trong quý II/2025, dự án sẽ phải hoàn thành một một số mục tiêu tiến độ quan trọng như: hoàn thành toàn bộ việc đổ bê-tông kết cấu đến cao độ 122,5m của hạng mục cửa lấy nước; hoàn thành công tác thi công tháo dỡ đê quây cửa lấy nước; thực hiện đào hố móng giai đoạn 3; gia cố mái kênh dưới cao độ 95m trước ngày 15/6/2025.
Tính đến thời điểm tháng 5/2025, công trình đã hoàn thành hơn 80% khối lượng xây dựng và lắp đặt thiết bị. Các nhà thầu đang nỗ lực bám sát tiến độ, phấn đấu đưa tổ máy số 1 phát điện trước 2/9/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.
Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ bổ sung khoảng 500 triệu kWh điện
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ban đầu được khởi công xây dựng năm 1979 và hoàn thành năm 1994, là công trình thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á của thế kỷ 20. Công trình do Liên Xô thiết kế và cung cấp thiết bị cho Việt Nam, đồng thời có nhiệm vụ quan trọng như điều tiết chống lũ đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và cung cấp điện được cho là trọng yếu. Từ khi hoạt động phát điện trong 30 năm qua, thủy điện Hòa Bình đã sản xuất khoảng 230 tỷ kWh, đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách tỉnh Hòa Bình.
Sau hơn 10 năm nghiên cứu dự án, cuối tháng 1/2021, dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng chính thức được Tập đoàn Điện lực Việt Nam khởi công xây dựng, nằm bên bờ phải tuyến đập Thủy điện Hòa Bình hiện tại. Dự án này được phê duyệt tại Quyết định số 389/TTg-CN ngày 11/4/2018 của Thủ tướng, là công trình xây dựng cấp đặc biệt có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh, nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia.
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng có tổng mức đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng, do Tập đoàn EVN làm chủ đầu tư và EVNPMB1 trực tiếp quản lý điều hành. Công trình có quy mô lắp đặt 2 tổ máy với tổng công suất 480 MW, mỗi tổ máy có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm dự kiến khoảng 488,3 triệu kWh, tương đương với việc cung cấp đủ điện cho cả nước trong nửa ngày cao điểm.
Nhà máy chính thuộc phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh dẫn vào thuộc các phường Thái Bình, Phương Lâm, Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Gói thầu xây lắp chính được thực hiện bởi Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng 47 - Lilama 10, với giá trị gói thầu hơn 3.100 tỷ đồng.
Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ bổ sung khoảng 500 triệu kWh điện mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia. Quan trọng hơn, nhà máy sẽ góp phần nâng cao khả năng khai thác công suất phủ đỉnh, góp phần tích cực vào điều tiết phụ tải giờ cao điểm. Đồng thời, nó cũng giúp nâng cao độ ổn định, tin cậy cho hệ thống điện miền Bắc trong điều kiện biến đổi khí hậu và các bất định của nguồn năng lượng tái tạo.
Dự án này sẽ tăng tổng công suất của toàn bộ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình lên 2.400MW, bằng với công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La. Khi hoàn thành, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (2.400 MW) cùng với 2 nhà máy thủy điện khác trên sông Đà là Sơn La (2.400 MW) và Lai Châu (1.200 MW), sẽ có tổng công suất 6.000 MW, tạo thành chuỗi thủy điện lớn nhất Đông Nam Á và đóng góp 30% sản lượng điện quốc gia