Thi hành án tích hợp VNeID: Đương sự vụ Trương Mỹ Lan, Alibaba nhận thông báo online

Từ tháng 7.2025, các thông báo thi hành án dân sự tại TP.HCM sẽ được gửi qua ứng dụng VNeID. Những vụ án có hàng chục ngàn người liên quan như vụ Trương Mỹ Lan, Alibaba… sẽ được áp dụng hình thức thông báo điện tử.
Ngày 5.7.2025, Thi hành án dân sự TP.HCM (trước đây là Cục Thi hành án dân sự TP.HCM) tổ chức lễ công bố và triển khai thực hiện thông báo thi hành án dân sự qua ứng dụng VNeID.
Thông qua nền tảng VNeID, các đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể nhận được các thông báo thi hành án dân sự chính xác, kịp thời và thuận tiện, không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian.
Việc triển khai hình thức thông báo này không chỉ góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động thi hành án, mà còn hạn chế tối đa tình trạng chậm trễ, thất lạc thông báo do phụ thuộc vào hình thức gửi trực tiếp, hoặc qua đường bưu chính truyền thống.
Đặc biệt, việc triển khai hệ thống thông báo thi hành án dân sự qua ứng dụng VNeID khắc phục những khó khăn về nhân sự, giảm tải áp lực cho đội ngũ công chức thi hành án, đồng thời tiết kiệm nguồn lực và chi phí từ ngân sách nhà nước.
Theo Thi hành án dân sự TP.HCM, thông báo về thi hành án là việc chấp hành viên, thẩm tra viên thực hiện việc chuyển tải giấy tờ chứa đựng thông tin về thi hành án cho người được thông báo theo trình tự, thủ tục nhất định.
Theo quy định có 3 hình thức thông báo, gồm: thông báo trực tiếp, niêm yết công khai, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức thi hành án tại TP.HCM, đặc biệt đối với các vụ việc có số lượng đương sự lớn (như vụ địa ốc Alibaba với hơn 5.000 đương sự, vụ Trương Mỹ Lan và đồng phạm với hơn 43.000 đương sự) cho thấy các hình thức thông báo theo quy định hiện hành không còn phù hợp và không thể triển khai đầy đủ, hiệu quả trong thực tế.
Quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo rất nhiều loại văn bản. Số lượng văn bản cần thông báo sẽ tăng lên khi số đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhiều.
Ngoài ra, tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc thi hành án, đặc biệt là đối với các vụ việc phải tổ chức kê biên, cưỡng chế thi hành án, bán đấu giá tài sản nhiều lần... thì số lượng các văn bản thông báo này lại càng nhiều hơn.
Việc phải thông báo một lượng lớn văn bản làm tốn khá nhiều chi phí từ ngân sách nhà nước và chiếm rất nhiều thời gian, công sức của chấp hành viên làm công tác thi hành án dân sự.
Do đó, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an để triển khai kết nối phần mềm thông báo Thi hành án dân sự TP.HCM với ứng dụng VNeID.
Từ tháng 6.2024, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã triển khai xây dựng Phần mềm thông báo Thi hành án dân sự bằng phương tiện điện tử và đã thực hiện hơn 8.000 lượt thông báo thành công trên môi trường điện tử (thông quan tin nhắn SMS).
Trên cơ sở đó, ngày 26.4,2025, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an để triển khai kết nối phần mềm thông báo Thi hành án dân sự với ứng dụng VNeID.