Nhảy đến nội dung
 

Tháp cổ 600 năm vững như bàn thạch – phần mới sửa lại bị “rụng từng mảng”: Bí ẩn sự cố di sản ở Trung Quốc

Tờ Yangtze Evening News (Trung Quốc) đưa tin, ngày 19/5, một số viên ngói trên mái của Tháp Trống Trung Đô thời Minh ở huyện Phụng Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc, đã rơi xuống đất.

Cơ quan Văn hóa và Du lịch huyện Phụng Dương cùng ngày thông báo rằng vụ việc không gây ra thương vong.

Ngày 20/5, phóng viên của Yangtze Evening News đã đến hiện trường và phát hiện ra rằng phần mái ngói rơi xuống là phần kiến trúc mới được trùng tu vào tháng 3/2024, tức là chỉ 14 tháng trước đó.

Tình trạng này khiến người dân địa phương đặt câu hỏi: Tại sao dự án trùng tu có kinh phí lên tới 3,41 triệu nhân dân tệ (RMB, số tiền quyết toán hợp đồng là 2,9023 triệu RMB) lại “đoản mệnh” như vậy?

(Mái ngói của Tháp Trống Trung Đô thời Minh ở huyện Phụng Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc, rơi xuống đất vào chiều tối ngày 19/5/2025. Nguồn: hnntv.cn)

Sớm hay muộn nửa giờ đều gây hậu quả thảm khốc

Ngày 20/5, phóng viên Yangtze Evening News đã phỏng vấn một số nhân chứng tại hiện trường. Một người dân kể lại rằng, vào khoảng 18h20 ngày 19/5, cô đang ngồi nghỉ tại quảng trường phía đông Tháp Trống Trung Đô thì bất ngờ nghe thấy một tiếng động lớn và những viên ngói trên đỉnh tháp bắt đầu rơi xuống liên tiếp trong khoảng 1 đến 2 phút. Vào thời điểm đó, cô không bị thương vì ở khá xa nơi xảy ra vụ ngói rơi.

Theo một nhân viên vệ sinh đang dọn dẹp dưới Tháp Trống vào thời điểm đó, không có ai bị thương tại hiện trường và chỉ có một bà lão bị mảnh vỡ rơi vào người. "Lúc đầu, bà ấy nghĩ đó là một con chim sẻ, nhưng sau đó phát hiện đó là một viên ngói, nên bà ấy đã vội vã rời khỏi khu vực tòa tháp."

Nhân viên vệ sinh cũng tiết lộ rằng thường có rất đông người tụ tập dưới Tháp Trống từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều, và từ 7 giờ tối đến 9 giờ tối mỗi ngày. "Buổi chiều có biểu diễn ca kịch, nhiều người sẽ tụ tập bên dưới tháp để nghe ca kịch. Buổi tối, người dân sống gần đó sẽ tụ tập ở quảng trường để khiêu vũ."

Nhân viên vệ sinh nói với phóng viên rằng khi những viên ngói rơi xuống, đúng giờ người dân đang ăn tối. "Nếu sự việc xảy ra sớm hoặc muộn hơn nửa giờ, hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được."

Sau vụ việc, chính quyền địa phương đã lắp rào chắn xung quanh Tháp Trống ngay trong đêm. Phóng viên nhìn thấy tại hiện trường có một biển cảnh báo an toàn được gắn trên hàng rào: "Ngói trên mái Tháp Trống đã rơi ra. Vì lý do an toàn, vui lòng không đến gần."

Cùng lúc đó, phóng viên nhận thấy một số lượng lớn cảnh sát và tình nguyện viên đã được triển khai xung quanh Tháp Trống để duy trì trật tự. Một cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ cho biết, do việc phong tỏa đã ảnh hưởng đến giao thông trên một số đoạn đường xung quanh nên Cơ quan Cảnh sát huyện Phụng Dương đã điều động hơn 200 cảnh sát để điều tiết giao thông.

180 ngày thi công và 3,41 triệu RMB đầu tư, 14 tháng sau trùng tu đã “rớt ngói”

Từ bản đồ tổng quan dự án do người dân địa phương cung cấp, phóng viên Yangtze Evening News được biết thông tin về dự án trùng tu phần nhà của Tháp Trống Trung Đô thời Minh tại huyện Phụng Dương như sau: đơn vị thi công là Công ty TNHH Phát triển Du lịch Đại Minh Phụng Dương, đơn vị giám sát là Công ty TNHH Quản lý Kỹ thuật Dự Thông, đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây lắp Kiến trúc Vườn cổ điển Trung Á Huy Châu ở thành phố Hoàng Sơn (tỉnh An Huy), đơn vị thiết kế là Công ty TNHH Kiểm định Kỹ thuật Xây dựng Trí Bang ở tỉnh Sơn Đông.

Thời gian thi công dự án là 180 ngày, giá trị hợp đồng là 3,412 triệu RMB (tương đương 11,78 tỷ VNĐ), diện tích trùng tu là 1.490 m2, khởi công vào ngày 11/9/2023 và hoàn thành ngày 10/3/2024.

Người dân địa phương chỉ ra rằng các vấn đề phát sinh chỉ 14 tháng sau khi dự án trùng tu hoàn thành, hoàn toàn trái ngược với phần nền tòa tháp có từ thời nhà Minh vẫn vững bền sau 600 năm hứng chịu mưa gió. “Với thời gian thi công 180 ngày, tổng mức đầu tư 3,412 triệu RMB, tại sao vấn đề lại phát sinh sớm như vậy?” người dân đặt câu hỏi.

Để giải đáp những nghi ngờ này, phóng viên đã gọi điện cho chính quyền địa phương. Bộ phận truyền thông của huyện Phụng Dương trả lời rằng cuộc điều tra đang được tiến hành và các chi tiết cụ thể sẽ được thông báo chính thức.

Báo cáo do Cơ quan Văn hóa và Du lịch huyện Phụng Dương công bố sáng ngày 20/5 cho biết, vào tháng 5/2023, chính quyền địa phương đã xác định đơn vị thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị giám sát dự án trùng tu phần nhà của Tháp Trống Trung Đô thông qua đấu thầu công khai. Việc trùng tu bắt đầu vào tháng 9/2023; dự án hoàn thành và được nghiệm thu vào tháng 3/2024.

Phóng viên tìm thấy "Thông tin về công tác trùng tu phần nhà của Tháp Trống Trung Đô thời Minh tại huyện Phụng Dương" trên internet. Ngày công bố là 18/3/2024. Đơn vị công bố là Công ty TNHH Phát triển Du lịch Đại Minh Phụng Dương, đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây lắp Kiến trúc Vườn cổ điển Trung Á Huy Châu và tên dự án là “Trùng tu phần nhà của Tháp Trống Trung Đô thời Minh ở Phụng Dương”. Giá trị hợp đồng là 3.412.057,08 RMB và giá trị thanh lý hợp đồng là 2.902.300,00 RMB (10,10 tỷ VNĐ). Hạng mục trùng tu bao gồm: mái ngói, xà gồ và lan can gỗ ở tầng 2, thêm lớp chống thấm, lưới thép, lớp vữa xi măng…

Cũng trong ngày 20/5, Lư Đức Vĩnh - người đứng đầu Cơ quan Văn hóa và Du lịch huyện Phụng Dương - nói với giới truyền thông rằng: "Theo giám sát của cơ quan khí tượng, chênh lệch nhiệt độ ngày hôm qua [19/5] lên tới 20℃ (tối thiểu 17℃/tối đa 37℃). Đây là tình hình thời tiết khá hiếm gặp. Tất nhiên, chúng tôi không biết liệu có liên quan đến yếu tố này hay không. Chúng tôi cũng đã báo cáo thông tin này với nhóm chuyên gia."

Công trình phục dựng trái phép?

Theo điều tra của phóng viên Yangtze Evening News, Tháp Trống Trung Đô thời Minh nằm ở thành cổ huyện Phụng Dương. Tòa tháp được xây dựng vào năm thứ tám thời vua Hồng Vũ nhà Minh (1375) và bao gồm hai phần: phần đế và phần nhà. Tháp Trống Trung Đô đã được đưa vào danh sách các di sản văn hóa quan trọng cần được bảo vệ của tỉnh An Huy từ năm 1989. Phần nhà ban đầu đã bị phá hủy vào năm thứ ba thời vua Hàm Phong nhà Thanh (1853), và kiến trúc hiện tại được phục dựng vào năm 1995. Phần đế của tòa tháp sử dụng kết cấu gạch và đá, còn phần nhà bên trên sử dụng kết cấu bê tông cốt thép.

Thậm chí, phóng viên còn tìm hiểu được rằng, theo quy định có liên quan của Luật bảo vệ di sản văn hóa Trung Quốc, dự án phục dựng phần nhà của Tháp Trống Trung Đô ít nhất cần được sự chấp thuận của cơ quan quản lý di sản văn hóa cấp tỉnh và Cục Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế là các thủ tục có liên quan đã không được Cục Văn vật tỉnh An Huy phê duyệt vào năm 1995, khiến đây trở thành một công trình xây dựng trái phép.

Theo Yangtze Evening News

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn