Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm: Tạo thuận lợi nhưng không để bị lợi dụng

Đại biểu Quốc hội cho rằng các quy định pháp lý cần được thiết kế chặt chẽ, thông thoáng theo hướng hỗ trợ đặc biệt để tạo thuận lợi tối đa giúp doanh nghiệp tư nhân.
Nhiều đại biểu ủng hộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển nhưng đề nghị cân nhắc quy định thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mỗi năm không quá một lần, trong khi các chính sách hỗ trợ vay vốn, đất đai... phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Chiều 15-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ sau khi Chính phủ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm sẽ khó quản?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết để đạt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, dự thảo đưa ra hai nhóm chính sách. Trong đó, nhóm chính sách thứ nhất đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Nhóm chính sách thứ hai hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Nghị quyết còn đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thuế và mua sắm công, hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công. Hỗ trợ tài chính tín dụng như việc Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay khởi nghiệp; ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực.
Đặc biệt số lần thanh tra kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá một lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Ưu tiên thanh tra kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra kiểm tra trực tiếp. Miễn kiểm tra nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật; thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng việc xây dựng chính sách đặc biệt, đột phá phát triển kinh tế tư nhân rất cần thiết, song các cơ chế chính sách cần được xem xét kỹ để đáp ứng đúng nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Khẳng định "không đồng ý việc thanh tra nhũng nhiễu, tiêu cực, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh", nhưng bà Lan cho rằng không phải vì một bộ phận tiêu cực mà loại bỏ tính hiệu quả của hoạt động thanh tra.
"Nếu chỉ sử dụng hình thức thanh tra kế hoạch mỗi năm một lần sẽ rất khó đạt hiệu quả của hoạt động thanh tra. Nhất là trong bối cảnh tình hình hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng càng lúc càng phức tạp" - bà Lan nói và đề nghị xem xét một cách nghiêm túc các quy định thanh tra kiểm tra để vừa đúng luật, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cũng theo bà Lan, những cản trở để doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển tương xứng do nhiều nguyên nhân, như khả năng tiếp cận vốn, nguồn lực đất đai, hỗ trợ lãi suất, giải quyết thủ tục hành chính... còn hạn chế. Những doanh nghiệp, cá nhân làm ăn chân chính bị hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng bủa vây, phá giá. "Nếu không đẩy mạnh thanh tra kiểm tra để dẹp "cỏ dại", sao "lúa mạch" phát triển được?", bà Lan nói.
Phải có cơ chế ngăn ngừa doanh nghiệp lợi dụng
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng việc quy định thanh tra và kiểm tra với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá một lần/năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh hơn. Tuy nhiên, nếu quy định không rõ ràng sẽ tạo khoảng trống pháp lý, dễ bị lợi dụng.
Do đó, ông Tuấn cho rằng các quy định pháp lý cần được thiết kế chặt chẽ, thông thoáng theo hướng hỗ trợ đặc biệt để tạo thuận lợi tối đa giúp doanh nghiệp tư nhân. Do vậy cần bổ sung cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra với các cơ quan khác có liên quan nhằm đảm bảo việc thanh tra và kiểm tra không quá một lần trong năm nhưng hiệu quả, giúp ngăn ngừa khả năng một số doanh nghiệp không chân chính lợi dụng để vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị bổ sung quy định trong quá trình thanh tra kiểm tra, cơ quan nhà nước không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình các loại giấy tờ do chính cơ quan đó đã cấp, các loại giấy tờ đã công bố hoặc đã được cập nhật trên các cơ sở dữ liệu quốc gia mà cơ quan đó có quyền truy cập nhằm giúp thúc đẩy Chính phủ điện tử, cơ quan nhà nước buộc phải sử dụng các cơ sở dữ liệu điện tử.
"Nhiều thứ đã điện tử hóa rồi mà cơ quan nhà nước cứ đòi bản giấy" - ông Đồng nói và đề xuất có quy định cho phép doanh nghiệp được quyền viện dẫn các trường hợp tương tự đã có kết luận trước đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nếu cơ quan nhà nước quyết định khác so với vụ việc trước, cần phải giải thích rõ lý do để tránh tùy tiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cấp phép.
Thảo luận tại tổ, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc băn khoăn nếu thanh tra kiểm tra chỉ thực hiện một năm/lần "không biết có đầy đủ không", nhất là khi có những lĩnh vực liên quan tới an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, những vấn đề cấp thiết cấp bách... có thể bộc lộ những lỗ hổng. Vì vậy, ông đề nghị cân nhắc nội dung này để giao cho Chính phủ quy định phù hợp chi tiết tùy vào từng ngành, lĩnh vực.
Ngoài ra, những vi phạm được phát hiện trong thanh tra kiểm tra phải xử lý nghiêm, thậm chí phải xử lý hình sự với những việc nghiêm trọng, vi phạm có hệ thống... Với quy định miễn kiểm tra thực tế đối với doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật, theo ông Phớc, cũng cần phải cân nhắc kỹ bởi cơ quan quản lý nhà nước không biết doanh nghiệp tuân thủ đúng hay không và chỉ được kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.