Nhảy đến nội dung

Thanh lọc các dự án trì trệ

Tính đến cuối tháng 4.2025, Bình Thuận còn 246 dự án chậm hoặc chưa triển khai. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, xử lý, tránh lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tăng trưởng.

Theo thống kê của Sở Tài chính Bình Thuận, tính đến cuối tháng 4.2025, toàn tỉnh còn 1.630 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách đang còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.765 tỉ đồng. Trong đó, 246 dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai - tức các dự án "treo", "chây ì" - gây lãng phí nguồn lực.

Tại cuộc họp cuối tháng 4 vừa qua, ông Đỗ Hữu Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, yêu cầu các sở ngành phải chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; không để tồn tại tình trạng "ôm" kiến nghị mà không xử lý, gây ách tắc tiến độ.

Thực trạng dự án chậm triển khai không phải mới. Trong 3 năm qua, Bình Thuận đã xử phạt hành chính 129 dự án với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng và chấm dứt hoạt động trên 50 dự án. Nguyên nhân chính là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là chậm xác định giá đất để bồi thường. Một số chủ đầu tư cũng trì hoãn nhằm chờ thời cơ sang nhượng, hoặc do thiếu năng lực tài chính.

Trong quý 1/2025, tăng trưởng GRDP của Bình Thuận chỉ đạt 6,76%, thấp hơn so với mục tiêu 8,2%. Tỉnh kỳ vọng quý 2 sẽ có chuyển biến tích cực nhờ khởi công và hoàn thành một số dự án trọng điểm.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng, ngoài thúc đẩy vốn đầu tư công, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án ngoài ngân sách; phân loại nguyên nhân, rà soát từng dự án chậm triển khai. Các sở, ngành phải "xắn tay" tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng và xác định giá đền bù cho doanh nghiệp. Đối với các dự án đã nhiều lần được gia hạn nhưng vẫn không triển khai, tiếp tục để đất hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên thì cần kiên quyết xử phạt, tiến tới thu hồi dự án.

Chỉ khi xử lý dứt điểm các dự án trì trệ, tỉnh mới có thể tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra: đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ mức 8% lên mức hai con số.