Thách thức nào đang chờ Giáo hoàng Leo XIV?
Là Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên, Đức Giáo hoàng Leo XIV đối mặt hàng loạt thách thức gai góc, từ di sản của Đức Francis đến các vấn đề LGBTQ+, lạm dụng và vai trò phụ nữ.
|
Việc Hồng y Robert Prevost - một người Mỹ - được bầu làm Giáo hoàng Leo XIV vào ngày 8/5 đã đánh dấu bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử Giáo hội Công giáo.
Sự kiện không chỉ làm thay đổi cục diện quyền lực trong Giáo hội, mà còn khiến cả thế giới Công giáo với hơn 1,4 tỷ tín hữu dõi theo từng bước đi của vị tân Giáo hoàng: Liệu ông sẽ tiếp tục con đường mà cố Giáo hoàng Francis đã khởi xướng hay sẽ định hình một hướng đi hoàn toàn mới?
Cố Giáo hoàng Francis, qua đời ngày 21/4 ở tuổi 88, được nhớ đến với tư duy cởi mở và những nỗ lực không ngừng nhằm toàn cầu hóa Giáo hội.
Trong suốt 12 năm lãnh đạo, ông đã thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ: mở rộng tính đại diện toàn cầu trong Hồng y đoàn, thúc đẩy một Giáo hội bao trùm hơn và đưa Vatican vào trung tâm của các vấn đề môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, ông cũng để lại không ít thách thức và di sản phức tạp cho người kế nhiệm.
Dưới đây là những vấn đề gai góc mà tân Giáo hoàng Leo XIV sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ của mình trước con mắt soi xét của toàn thế giới.
![]() |
Di sản và những bài toán từ triều đại của cố Giáo hoàng Francis là những thách thức lớn chờ tân Giáo hoàng Leo XIV giải quyết. Ảnh: Vatican Media. |
Vấn đề LGBTQ+ trong Giáo hội
Ngay từ những ngày đầu trị vì, Giáo hoàng Francis đã vấp phải áp lực dữ dội từ phe bảo thủ, đặc biệt là tại Mỹ, do lập trường nhân văn của ông đối với người nghèo, người di cư, môi trường và cộng đồng LGBTQ+, theo tờ Time.
Dù không thay đổi giáo lý chính thức, ông lại là vị Giáo hoàng đầu tiên thể hiện sự bao dung công khai với người đồng tính và chuyển giới: ủng hộ kết hợp dân sự, gặp gỡ các nhóm LGBTQ+.
“Nếu một người đồng tính tìm kiếm Thiên Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà phán xét?”, ông từng nói vào năm 2013.
Năm 2023, ông cho phép linh mục ban phép lành cho các cặp đồng giới và ký văn bản chấp thuận cho người chuyển giới được rửa tội cũng như đảm nhiệm vai trò cha mẹ đỡ đầu.
![]() |
Vấn đề LGBTQ+ từng là vấn đề gây tranh cãi dữ dội trong triều đại của người tiền nhiệm Giáo hoàng Leo XIV. Ảnh: Vatican Media. |
Tuy nhiên, những cải cách này cũng phải đánh đổi khi chúng khiến Giáo hoàng Francis bị chống đối kịch liệt bởi giới bảo thủ và một bộ máy giáo quyền quyết liệt ngăn chặn sự thay đổi. Giờ đây, Giáo hoàng Leo XIV sẽ phải quyết định: tiếp tục con đường bao dung mà người tiền nhiệm đã vạch ra, hay quay về quỹ đạo cứng rắn hơn?
Theo New York Times, tân Giáo hoàng có quan điểm dè dặt hơn với cộng đồng LGBTQ+. Năm 2012, ông từng cảnh báo rằng một số giá trị phương Tây cổ vũ những điều “trái ngược với Phúc Âm”, trong đó có “lối sống đồng tính”. Và thời gian sẽ trả lời, liệu khi đã ở ngôi vị tối cao, ông sẽ giữ nguyên quan điểm này, hay sẽ có sự thay đổi.
Bóng ma lạm dụng tình dục
Giáo hoàng Francis nhậm chức trong bối cảnh các vụ bê bối lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong Giáo hội bùng nổ trên truyền thông, đặc biệt sau triều đại của Giáo hoàng Benedict XVI.
Ban đầu, ông bị chỉ trích vì phản ứng yếu ớt, nhưng về sau đã chủ động cải cách, thậm chí thừa nhận với các nạn nhân Chile rằng ông “là một phần của vấn đề” và xin lỗi vì từng bác bỏ cáo buộc che giấu của các giám mục.
Năm 2019, ông công khai thừa nhận tình trạng linh mục và giám mục lạm dụng các nữ tu, đồng thời cảnh báo về nguy cơ lạm dụng tinh thần và tâm lý đối với họ.
![]() |
Lạm dụng tình dục vẫn là "bóng ma" đen tối với Giáo hội, chờ đợi tân Giáo hoàng giải quyết. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, bóng ma đen tối này vẫn chưa thể khép lại. Trước khi trở thành Giáo hoàng, khi còn lãnh đạo Giáo phận Chiclayo (Peru), ông Prevost từng bị tổ chức Survivors Network of those Abused by Priests (SNAP) cáo buộc dung túng hành vi che giấu lạm dụng tình dục trong Giáo hội.
Năm 2023, Giáo hoàng Leo XIV kêu gọi đặt trọng tâm vào các nạn nhân khi nhắc đến vấn đề này.
"Ở nhiều nơi, công việc đã được thực hiện nghiêm túc suốt nhiều năm, và các quy định đã dần được áp dụng. Tuy vậy, tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều điều cần học hỏi", ngài chia sẻ với Vatican News.
"Tôi đang nói đến sự cấp thiết và trách nhiệm trong việc đồng hành cùng các nạn nhân", vị tân Giáo hoàng từng cho biết.
Giờ đây, khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn thể Giáo hội, cách Giáo hoàng Leo XIV xử lý những cáo buộc lạm dụng tình dục sẽ bị soi xét gắt gao hơn bao giờ hết.
Vai trò của phụ nữ trong Giáo hội
Tư tưởng bao dung của Giáo hoàng Francis cũng mở đường cho một cuộc đối thoại sâu rộng hơn về bình đẳng giới trong Giáo hội, đặc biệt trong bối cảnh số lượng nữ tu đang sụt giảm.
Năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử, ông cho phép phụ nữ bỏ phiếu tại một cuộc họp quan trọng của giám mục - một bước ngoặt mang tính lịch sử mà chính Giáo hoàng Leo XIV khi đó là người chủ trì.
![]() |
Vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, đặc biệt khi số nữ tu đã tụt giảm mạnh cũng là chủ đề được quan tâm. Ảnh: Reuters. |
Cuộc tranh luận về việc cho phép phụ nữ trở thành linh mục vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi trong Giáo hội Công giáo, nhưng dường như Đức Leo XIV không ủng hộ sự thay đổi này, Al Jazeera cho biết.
"Điều cần phải nói rõ là việc phong chức cho phụ nữ và thú vị là chính một số phụ nữ cũng đã chia sẻ điều này. Việc 'giáo sĩ hóa phụ nữ' không hẳn là giải pháp, mà thậm chí có thể tạo ra vấn đề mới", ngài phát biểu trước báo giới vào năm 2023.
Tuy nhiên, những câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ: Phụ nữ có nên được phong phó tế? Và liệu đây có thể là bước đệm để họ tiến tới chức linh mục trong tương lai? Giáo hoàng Lêô XIV sẽ phải là người đưa ra định hướng rõ ràng cho vấn đề này.
Đa dạng địa lý trong Giáo hội Công giáo
Kể từ khi Giáo hoàng Francis lên ngôi vào năm 2013, diện mạo của Hồng y đoàn đã thay đổi đáng kể.
Mật nghị Hồng y năm 2025 được đánh giá là có sự đa dạng địa lý cao nhất trong lịch sử, một phần là nhờ chủ trương toàn cầu hóa nhân sự cấp cao trong Giáo hội của Giáo hoàng Francis. Ông từng bác bỏ quan niệm rằng quốc tịch hay địa lý nên quyết định ai được chọn làm Giáo hoàng.
Dù châu Âu vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong Hồng y đoàn, theo Trung tâm nghiên cứu Pew, sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của châu Phi và châu Á đang làm thay đổi tương quan quyền lực trong Giáo hội toàn cầu.
Giáo hoàng Leo XIV, xuất thân từ châu Mỹ Latinh nhưng mang quốc tịch Mỹ được coi là biểu tượng cho bước chuyển mình này.
Những cuốn sách hay về châu Âu
Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.