Nhảy đến nội dung
 

Tên phường xã mới sáp nhập ở TP.HCM: Phường Tân Định nổi tiếng ‘chợ nhà giàu’

Sau sáp nhập, phường Tân Định không chỉ sầm uất mà còn lưu giữ 'chợ nhà giàu' trăm tuổi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định…

Phường Tân Định, TP.HCM được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ phường Tân Định và một phần phường Đa Kao (quận 1 cũ). Diện tích phường Tân Định mới là 1,23 km², dân số 48.524 người.

Phường Tân Định - truyền thống cách mạng hào hùng

Ngày trước, phường Tân Định có tên là phường Trần Quang Khải - địa phương giàu truyền thống cách mạng với nhiều cơ sở hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn.

Theo Lịch sử Đảng bộ phường Tân Định 1930 - 2010, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhân dân phường Trần Quang Khải đã cùng các lực lượng vũ trang từ bên ngoài chuẩn bị mọi mặt, bảo đảm cho trận đánh cuối cùng giành thắng lợi trọn vẹn.

Ngày 30.4.1975, khi các mũi tiến công của quân giải phóng từ các ngả tiến vào thành phố, vào lúc 7 giờ sáng, tại phường Trần Quang Khải, lá cờ đầu tiên được treo tại trụ sở khóm 6 của ngụy.

Cùng lúc đó, các cán bộ bám chốt tại các cơ sở trong phường Trần Quang Khải phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, phường, khóm, chiếm bốt cảnh sát Tân Định, buộc chúng đầu hàng và tước đoạt 1.400 súng các loại.

Sau giải phóng, phường Trần Quang Khải được chia thành các phường 1, 2, 3, 4. Năm 1989, quận 1 chia lại địa giới hành chính cấp phường, trong đó, sáp nhập phường 1, 3, 4 thành phường Tân Định.

Dấu ấn qua những địa danh lịch sử

Sau sáp nhập, phường Tân Định không chỉ là vùng đất sầm uất mà còn là nơi lưu giữ nhiều địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử.

Nằm trên tuyến đường Hai Bà Trưng tấp nập, chợ Tân Định là một biểu tượng lâu đời, chứng kiến biết bao thăng trầm của TP.HCM.

Theo sách Khám phá Sài Gòn - Chợ Lớn - Di sản của TP.HCM, tác giả Tim Doling có viết, vào thập niên 1880, chợ Phú Hòa được hình thành trên mảnh đất của làng Phú Hòa, thuộc vùng Tân Định. Đây là một chợ làng trù phú của vùng bắc Sài Gòn. Nhưng sau đó, có lẽ do nằm gần Nhà thờ Tân Định nên được đổi tên thành chợ Tân Định.

Năm 1926, chợ được xây dựng lại theo kiến trúc Pháp với mái vòm cao, ba tháp chuông vươn lên giữa trời và mặt tiền sơn vàng nổi bật. Vào thời điểm ấy, chợ Tân Định nổi danh là “chợ nhà giàu” với hàng hóa phong phú, giá cả cao hơn mặt bằng chung.

Không chỉ là nơi buôn bán sầm uất, chợ từng là nơi ẩn náu của các chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh. Năm 2003, chợ được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Một điểm độc đáo của chợ Tân Định xưa là phía sau có con đường mang tên “Mã Lộ” (đường ngựa), nơi các xe ngựa thường đậu chờ khách. Cách đó khoảng 500 m, khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc, trước đình Xuân Hòa (129 Lý Chính Thắng, phường Xuân Hòa, TP.HCM) là bến tắm ngựa.

Cách chợ Tân Định chừng 400 m, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định nằm trong một ngôi nhà ba tầng xây từ năm 1963 tại 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, TP.HCM. Nơi đây từng là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn do ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai) phụ trách.

Sau năm 1975, căn nhà được chia nhỏ để bán, nhưng gia đình ông Lai đã mua lại phần trệt và hai tầng trên để phục dựng thành bảo tàng.

Từ cuối năm 2019, bảo tàng bắt đầu được sưu tập hiện vật, đến nay đã có khoảng 300 hiện vật liên quan đến quá trình hình thành, chiến đấu và hoạt động nội thành của lực lượng biệt động.

Kiến trúc ngôi nhà vẫn được giữ nguyên với nhiều hầm bí mật và vật dụng gắn liền những nhiệm vụ đặc biệt như chuyển thư từ, vàng bạc, vũ khí vào chiến khu.

Bảo tàng trưng bày theo các nhóm chủ đề: vũ khí, xe cộ, thiết bị liên lạc và vật dụng sinh hoạt. Đáng chú ý là nhiều mẫu bom, súng, hình ảnh các trận tập kích từng làm đối phương khiếp sợ giữa lòng Sài Gòn.

Tại phường Tân Định, còn có ngôi đình cổ Phú Hòa (159 Trần Quang Khải) thờ thần thành hoàng bổn cảnh phù hộ cư dân thôn làng. Trong sân đình có bức bình phong, phía trước đặt tượng tượng Ông Hổ uy nghi. Bên phải sân đình, có miếu thờ thần nông cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước

Tại lễ phát động thi đua “Sáng tạo, cùng đồng hành vì phường Tân Định đoàn kết - an toàn - văn minh - phát triển” ngày 20.7, ông Nguyễn Hải Quân, Chủ tịch UBND phường Tân Định, nhấn mạnh phong trào thi đua yêu nước là sức mạnh để phường Tân Định có những bước phát triển trong tương lai.

Theo đó, chính quyền và người dân phường Tân Định sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc sắp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp; đảm bảo các cơ quan chuyên môn, giúp việc trong hệ thống chính trị phường hoạt động ổn định, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

“Các cơ quan, đơn vị, khu phố tập trung thi đua triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ đã đề ra, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm đã đăng ký. Người đứng đầu các đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, giao việc cần: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành”, ông Quân chỉ đạo.


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn