Nhảy đến nội dung

Tây Ninh - Vùng biên mở lối: Sáp nhập để cất cánh

Khi câu chuyện sáp nhập tỉnh được đặt ra, không ít người lo ngại sẽ mất đi "tính riêng" của từng địa phương. Nhưng với Tây Ninh và Long An, hai tỉnh giáp ranh với nhiều điểm tương đồng, hứa hẹn việc hợp nhất có thể là bước nhảy chiến lược.

Hành lang kinh tế tiềm năng

Tây Ninh và Long An đều từng thuộc phủ Gia Định xưa, chia sẻ chung một nền tảng lịch sử, văn hóa và truyền thống. Cùng nằm ở vị trí cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam bộ với Campuchia và các nước ASEAN qua đường bộ, cả hai tỉnh đều giữ vai trò chiến lược trong giao thương khu vực. Địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống sông ngòi - kênh rạch dày đặc tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ logistics.

Hiện nay, tỷ trọng cơ cấu kinh tế của hai tỉnh khá tương đồng: công nghiệp - xây dựng chiếm trên 45%, nông - lâm - ngư nghiệp trên 15%, dịch vụ khoảng 26%. GRDP năm 2024 ước đạt hơn 312.000 tỉ đồng (Long An hơn 188.000 tỉ đồng, Tây Ninh hơn 123.000 tỉ đồng). Tổng thu ngân sách gần 40.000 tỉ đồng – cho thấy quy mô kinh tế của hai địa phương đã đạt mức đáng kể.

Địa giới giáp ranh giữa Tây Ninh và Long An dài khoảng 33,5 km, qua các địa phương H.Bến Cầu, TX.Trảng Bàng (Tây Ninh) và H.Đức Huệ, H.Đức Hòa (Long An). Trong những năm qua, hệ thống hạ tầng kết nối giữa hai tỉnh đã được đầu tư mạnh, với các tuyến ĐT 822, 823, 825 đóng vai trò then chốt trong vận chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp, hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu. Đây chính là hành lang kinh tế có tiềm năng lớn để hình thành một vùng động lực phát triển mới nếu hai tỉnh hợp nhất.

Việc sáp nhập còn giúp tối ưu hóa công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật, tránh trùng lặp và phân tán nguồn lực. Nhiều khu vực hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên nếu đứng độc lập, nhưng khi hợp nhất sẽ tạo nên một đơn vị hành chính đủ lớn để xây dựng các đô thị vệ tinh, khu công nghiệp tập trung, hệ thống logistics hiện đại và vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao.

Phát huy các thế mạnh

Không chỉ gần nhau về địa lý, Tây Ninh và Long An còn chia sẻ nhiều giá trị văn hóa - xã hội. Cả hai đều giàu bản sắc Nam bộ với tinh thần hào sảng, nghĩa tình và truyền thống đoàn kết cộng đồng. Nghệ thuật đờn ca tài tử - linh hồn văn hóa dân gian phương Nam - hiện diện sâu đậm ở cả hai tỉnh. Các tín ngưỡng dân gian phong phú, cùng sự đa dạng tôn giáo như Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo cũng tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc, phong phú.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, việc hợp nhất không chỉ để mở rộng không gian phát triển mà còn là cơ hội để tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự và cơ sở vật chất. Tỉnh mới sẽ tận dụng được lợi thế về quy mô kinh tế, nâng cao hiệu lực quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ công, đồng thời tạo ra động lực phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn.

Khi hai địa phương có cơ cấu kinh tế tương đồng, cùng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cùng giáp biên giới Campuchia, việc hợp nhất sẽ tạo ra một "vùng tăng trưởng mới", vừa có thế mạnh nông nghiệp, vừa là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó, đời sống người dân được nâng cao, cơ hội việc làm mở rộng và hình ảnh vùng đất Nam bộ thêm khởi sắc.