Tàu quay đầu, kho bốc nhiệt: Cú đảo chiều kịch tính từ Mỹ khiến loạt cảng ở Trung Quốc "thức giấc"

Đây là một sự đảo chiều đầy kịch tính so với chỉ một tháng trước.
Cú đảo chiều kịch tính giữa thương chiến Mỹ-Trung Quốc
Một bước ngoặt bất ngờ trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã thổi bùng hoạt động tại các nhà máy và cảng biển Trung Quốc, khi các công ty hai bên nhanh chóng tận dụng khoảng thời gian dỡ bỏ thuế quan nặng nề trong 90 ngày – chính sách vừa được công bố đầu tuần này.
Với Niki Ye, nhân viên kinh doanh ở miền Nam Trung Quốc chuyên cung cấp đồ chơi cho sàn thương mại Amazon, đơn hàng tăng vọt 30% kể từ khi có thông báo đã khiến công ty cô phải gấp rút tăng cường nhân sự để kịp đáp ứng nhu cầu. “Và đây mới chỉ là tuần đầu tiên”, cô nói.
Liu Changhai, giám đốc bán hàng của một công ty xuất khẩu đồ nội thất gia đình tại miền Đông Trung Quốc, cho biết doanh số hiện tại đã đạt mức tương đương với mùa cao điểm thông thường — tuy nhiên, việc giao hàng sẽ bị chậm trễ.
"Các đơn đặt hàng mới vẫn chưa được đưa vào sản xuất và chưa sẵn sàng để xuất kho", ông nói.
Trong khi đó, các cảng biển Trung Quốc đang chuẩn bị hoạt động trở lại nhộn nhịp khi các công ty gấp rút vận chuyển lượng hàng tồn kho đã bị giữ lại trong nhiều tuần căng thẳng thương mại leo thang.
Theo dữ liệu từ Vizion, một công ty cung cấp phần mềm theo dõi container, số đơn đặt container vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng gần 300% trong vòng 7 ngày tính đến ngày 13/5, so với tuần trước đó kết thúc vào ngày 5/5.
Đây là một sự đảo chiều đầy kịch tính so với chỉ một tháng trước, khi chính sách tăng thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng đã khiến mức thuế leo thang, dẫn tới tình trạng thương mại giữa hai nền kinh tế Mỹ-Trung Quốc gần như bị đình trệ hoàn toàn.
Vào thứ Hai (12/5), tại Geneva, các nhà đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố đạt được thỏa thuận tạm thời: Cả hai bên sẽ cùng giảm mức thuế quan 115% trong vòng 90 ngày đầu tiên.
Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực từ thứ Tư (14/5), theo đó mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được điều chỉnh xuống còn 30% — không bao gồm các mức thuế đã được áp dụng từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Mỹ: Từ mức 125% vào tháng trước xuống còn 10% đối với hầu hết các mặt hàng.
Tuy nhiên, theo các quan chức, một số mức thuế cao hơn trước đó đối với các sản phẩm cụ thể vẫn được giữ nguyên. Các cuộc đàm phán bổ sung dự kiến sẽ tiếp tục trong những tuần tới.
Ge Jizhong, Chủ tịch công ty môi giới hải quan lớn Shanghai Xinhai Customs Brokerage, cho biết vào đầu tuần này rằng: "Dù kết quả của các vòng đàm phán sắp tới ra sao, các doanh nghiệp cần phải tận dụng tối đa khoảng thời gian 90 ngày này".
"Các công ty Mỹ sẽ nhanh chóng bổ sung hàng tồn kho trong giai đoạn này, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh xuất hàng và giải phóng kho càng nhanh càng tốt".
"Hãy đưa đơn hàng trở lại Trung Quốc"
Trong số những người hỗ trợ các công ty vượt qua cơn sốt này có Ben Schwall, người có công ty quản lý chuỗi cung ứng STG Consultants tại Trung Quốc, giúp các công ty tìm nguồn sản phẩm và cũng tư vấn cho họ về chiến lược Trung Quốc và Châu Á. Ông cho biết ông đã dành cả tuần này để trả lời các câu hỏi từ khách hàng.
Ông tiết lộ một số công ty đã chuyển chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác do mức thuế quan cao đối với Bắc Kinh, và đặt hàng tại các quốc gia Đông Nam Á.
Sau khi nghe tin căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã lắng xuống, họ đã gọi điện hỏi: "Chúng tôi đã đặt hàng ở [Đông Nam Á], các bạn có thể chuyển [đơn hàng] trở lại Trung Quốc không?".
Ông Schwall cũng mô tả tình hình liên lạc với các nhà sản xuất Trung Quốc, trong đó nhiều nhà máy từng phải cho công nhân nghỉ việc tạm thời do thiếu đơn hàng.
“Ít nhất hai nhà máy mà chúng tôi hợp tác đã đóng cửa sau đợt áp thuế vừa rồi", Schwall nói. "Giờ đây, chúng tôi đang trong tình huống kiểu: ‘Làm ơn hãy tiếp tục sản xuất các đơn hàng đã bị hủy".
Ở phía bên kia là các nhà sản xuất Trung Quốc như Vivi Tong, người đang chuẩn bị cho một làn sóng đơn hàng mới khi các công ty Mỹ tranh thủ gom hàng trong thời gian tạm dỡ bỏ thuế quan.
Tại tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, Tong đang khẩn trương lên kế hoạch vận chuyển hàng hóa từ kho và chuẩn bị mở rộng sản xuất. Nhà máy của Tong chuyên sản xuất ô tô đồ chơi điều khiển từ xa, được tiêu thụ bởi các nhà bán lẻ lớn tại Mỹ.
"Với tư cách là một nhà máy, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được càng nhiều đơn đặt hàng càng tốt trong ba tháng tới, và cố gắng hoàn thành sản xuất cũng như giao hàng nhanh nhất có thể", Tong chia sẻ. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng mình “không thể dự đoán” điều gì sẽ xảy ra sau khi giai đoạn miễn thuế tạm thời kết thúc.
Tuần này, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đồng loạt đưa tin về làn sóng sản xuất tăng tốc, phản ánh thực trạng các nhà cung cấp đang phải tăng ca, thậm chí làm việc xuyên đêm để đáp ứng nhu cầu tăng vọt từ các công ty Mỹ — những doanh nghiệp đang gấp rút khởi động lại đơn hàng và đẩy nhanh tiến độ giao hàng trong khung thời gian 90 ngày được miễn giảm thuế quan.
Greg Mazza, chủ sở hữu một công ty chiếu sáng có trụ sở tại Danbury, bang Connecticut (Mỹ), cho biết ông nằm trong số những người “hành động nhanh chóng” để kịp vận chuyển số hàng tồn kho đã được sản xuất tại Trung Quốc nhưng chưa được đưa lên container.
"Tôi lo ngại rằng chi phí vận chuyển sẽ tăng mạnh khi các công ty khác cũng đồng loạt làm điều tương tự", ông chia sẻ.
Mazza, người nhấn mạnh rằng công ty ông đang ở thế thuận lợi hơn nhiều doanh nghiệp khác vốn đã chuẩn bị đối phó với thuế quan bằng cách tích trữ hàng tồn kho tại Mỹ từ năm ngoái, cho biết: “Chúng tôi đã giải phóng rất nhiều container ngay lúc này, hoặc chúng đang trong quá trình được giải phóng, và chúng tôi đang tiếp tục đặt hàng mới".
Các công ty vận chuyển đã nhận thấy sự gia tăng này.
Hãng vận tải Đan Mạch Maersk, vốn chứng kiến lượng hàng hóa vận chuyển đường biển giữa Trung Quốc và Mỹ giảm từ 30% đến 40% vào cuối tháng 4, hiện đang tăng cường sức chứa cho các tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương sau khi lượng đặt chỗ tăng mạnh nhờ thỏa thuận mới.
Ben Tracy, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh chiến lược tại Vizion — công ty chuyên theo dõi container vận chuyển — cho biết lượng đặt hàng container đã tăng tới 277% trong vòng bảy ngày tính đến thứ Ba vừa qua. Ông gọi đây là "cơn sốt xuất khẩu container" và cảnh báo rằng hiện tượng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến mùa vận chuyển cao điểm vào mùa hè.
"Câu hỏi đặt ra là – cơn sốt này sẽ kéo dài bao lâu? Có bao nhiêu đơn hàng tồn đọng đang chờ được đặt chỗ và vận chuyển? Và liệu tình trạng này sẽ kéo dài ba tuần, sáu tuần hay hơn nữa?", ông nói. "Dù thế nào đi nữa… tôi không nghĩ sẽ có đủ thời gian để những container này quay trở lại Trung Quốc cho chuyến vận chuyển tiếp theo trong mùa cao điểm".
"Cơn sốt xuất khẩu" ở Trung Quốc
Cảng Diêm Điền Thâm Quyến là một trong những cảng có tuyến đường hàng hải Bắc Mỹ dày đặc nhất ở phía Nam Trung Quốc. Ngay khi chính sách điều chỉnh thuế quan Trung-Mỹ được thực hiện vào trưa ngày 14/5, cảng này bắt đầu hoạt động hết công suất.
Trước đó, do tác động của chính sách thuế quan thời gian qua, nhiều hãng tàu đã điều chỉnh năng lực sang các tuyến Đông Nam Á và châu Âu. Do đó, năng lực vận chuyển hàng hóa đến Mỹ hiện tương đối hạn chế.
Theo nhân viên cảng Diêm Điền, trong hai ngày qua, họ đã nhận được yêu cầu từ nhiều công ty vận chuyển, hy vọng có thể phối hợp gấp một số bến tàu và điều chỉnh toàn bộ kế hoạch lịch trình.
Các công ty vận tải sẽ triển khai tàu từ các tuyến khác cập cảng Diêm Điền sớm nhất có thể để đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng cao.
Tại Thương Hải trưa 14/5, vài giờ sau khi chính sách thuế quan Mỹ-Trung có hiệu lực, hàng loạt nhà nhập khẩu Mỹ đã liên hệ với các nhà sản xuất Trung Quốc để vận chuyển hàng hóa sớm nhất có thể.
Vào lúc 14h chiều, tại một công ty dịch vụ hậu cần quốc tế ở Thượng Hải, tiếng chuông điện thoại vang lên liên tục. Theo một nhân viên, các tuyến hàng đến Mỹ gần như kín chỗ trong hai ngày này và lượng khách hàng liên tục gửi yêu cầu nên họ phải làm thêm giờ để phục vụ khách hàng.
Hiện nay, với việc điều chỉnh chính sách thuế, chỗ trên các tàu vận chuyển từ tuyến Mỹ vào cuối tháng 5 hiện đã gần kín.
Cùng lúc đó, các công ty vận chuyển như Evergreen và COSCO cũng ban hành thông báo tăng giá, với mức giá cước vận chuyển cho mỗi container tăng từ 500 đến 1.500 USD. Lấy tuyến Thượng Hải-New York làm ví dụ, giá hiện tại cho một container 12m là khoảng 4.300 USD.
Nhà máy Trung Quốc làm việc xuyên đêm
Sau khi Trung Quốc và Mỹ giảm đáng kể thuế quan đối ứng, một nhà máy dệt kim ở Thượng Hải đã nhận được thông báo từ khách hàng Mỹ rằng họ có thể vận chuyển hàng hóa. Hơn 50.000 sản phẩm quần áo được chất đống trong xưởng đóng gói trong suốt một tháng cuối cùng cũng có thể bắt đầu quá trình hoàn thiện.
Tại nhà kho gần đó, những chiếc áo len vừa ra khỏi dây chuyền sản xuất đã được đóng gói và sẽ sớm được vận chuyển đến Mỹ.
Công ty hy vọng rằng tất cả 300.000 mặt hàng trước đây đang tồn đọng có thể được vận chuyển trong vòng 90 ngày này.
Các đơn đặt hàng từ Mỹ đang đổ về, đặt ra thách thức đối với năng lực sản xuất và cung ứng của các công ty thương mại nước ngoài của Trung Quốc.
Tại một công ty sản xuất thiết bị sửa chữa ô tô ở Thâm Quyến, người phụ trách đang kiểm kê hàng tồn kho hiện tại.
Ông cho biết trong hai ngày qua, những khách hàng Mỹ trước đây mất liên lạc đã gọi điện và gửi email cho họ, yêu cầu khởi động lại việc giao hàng.
Ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thúc giục các nhà cung cấp ở thượng nguồn và hạ nguồn làm thêm giờ vào ban đêm để đảm bảo sản phẩm có thể được vận chuyển nhanh nhất có thể.
Theo CNN, CCTV