Tặng vali hay tour du lịch: Xu hướng khen thưởng mới trong giáo dục?

Hàng trăm chiếc vali du lịch được trao tặng cho học sinh giỏi ở Hội An đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Sự thay đổi này liệu có đang gợi mở cho một hướng đi mới: giáo dục kết hợp du lịch - một mô hình đầy tiềm năng cần được đầu tư bài bản?
Gần 200 chiếc vali đã được trao tặng cho học sinh giỏi, xuất sắc lớp 12 tại một trường THPT ở Hội An (Quảng Nam), thể hiện mong muốn của thầy cô trong việc chuẩn bị hành trang cho các em bước vào giảng đường đại học và cuộc sống trưởng thành.
Trước sự quan tâm từ phụ huynh và dư luận, nhà trường cũng quyết định trao thêm các suất tour du lịch như phần thưởng cho những học sinh có thành tích nổi bật trong lễ tổng kết cuối năm.
Tặng vali du lịch hay tặng tour du lịch: quà nào cũng thích
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 26-5, chị Nguyễn Thị Trinh - phụ huynh có con học tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) - chia sẻ sự thích thú khi biết được câu chuyện học sinh giỏi, xuất sắc khối 12 sẽ được tặng vali du lịch trong lễ tổng kết năm học ở Hội An.
Chị Trinh nói nhà trường tặng vở, bộ sách giáo khoa là món quà phổ biến bao nhiêu năm nay. Với những gia đình khó khăn, đây là món quà ý nghĩa, nhưng theo chị cũng nên mở rộng phần thưởng, từ ngân sách của trường và vận động thêm phụ huynh.
"Chẳng hạn, tour du lịch trong nước; tour du lịch gắn với điểm đến lịch sử. Học sinh vừa du lịch, vừa trải nghiệm như một kỳ ngoại khóa nhưng tăng cảm hứng học tập", chị Trinh bày tỏ.
Trong khi đó, chị Minh Hà, đại diện hội phụ huynh một trường THPT ở quận 3, TP.HCM, cho hay món quà khen thưởng học sinh trong lễ tổng kết phụ thuộc vào ngân sách nhà trường.
Tuy nhiên, trường có nguồn "xã hội hóa" tốt, tặng học trò có thành tích những tour du lịch gần gần cũng là ý tưởng khích lệ mới mẻ.
Chị Hà nói: "Chẳng hạn cho đi tour gần TP.HCM, đến các điểm đến như Vũng Tàu, Đà Lạt, địa đạo Củ Chi hay những tour lịch sử 1-2 ngày do các đơn vị lữ hành uy tín bán tour. Các trường khác, tùy vào điểm đến gần trường cũng có thể chọn những tour ngắn ngày, kinh phí hợp lý, tính trải nghiệm cao".
Chia sẻ cảm xúc thích thú, em Nguyễn Thị Hà (học sinh Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bày tỏ nếu được tặng vali du lịch hay tour du lịch… trong lễ tổng kết năm học, em sẽ tận hưởng như một kỷ niệm đặc biệt, khác với việc gia đình cho đi du lịch.
"Các bạn không có điều kiện nhưng học giỏi, xuất sắc nếu được tặng tour du lịch chắc chắn đó là món quà ý nghĩa vô cùng. Học sinh cấp 2, 3 phù hợp với món quà tour du lịch dài ngày, chắc chắn khác với việc du lịch hè cùng ba mẹ", Hà cho biết.
Hướng du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục
Những năm gần đây, nhiều đơn vị lữ hành bắt đầu chú trọng phát triển các tour du lịch giáo dục kéo dài 1-2 ngày.
Đây là hình thức kết hợp giữa du lịch và học tập, mang đến cho học sinh không chỉ trải nghiệm thư giãn mà còn cả cơ hội mở rộng kiến thức.
Những chuyến đi như vậy không đơn thuần để giải trí, mà còn góp phần khơi dậy niềm vui học hỏi và khám phá thế giới xung quanh.
"Địa điểm chúng tôi xây dựng có lịch trình từ một đến hai ngày. Chủ yếu ở các di tích, công viên, bảo tàng, trang trại giáo dục, làng nghề truyền thống…
Còn với học sinh lớp 12 khi tốt nghiệp THPT, có những gói sản phẩm mang tính dài ngày và mở rộng điểm đến hơn các tuyến, tour lịch sử", nhân viên sale của một công ty du lịch ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM) nói.
Ngoài ra, theo các đơn vị lữ hành, hiện các đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch giáo dục rất đa dạng. Cụ thể như du lịch học tập, giáo dục di sản, du lịch giáo dục tình nguyện, du lịch nghiên cứu chuyên đề, du lịch môi trường và sinh thái…
Các sản phẩm tour được xây dựng phù hợp với từng lứa tuổi và nhu cầu. Mùa du lịch được chia thành: mùa xuân và Tết Nguyên đán, mùa hè, mùa thu và đông.
Theo giảng viên khoa du lịch Trường đại học Văn Hiến (TP.HCM), để mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm học tập phát triển một cách bài bản cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và ngành du lịch trong việc thiết kế và tổ chức các tour trải nghiệm lồng ghép yếu tố học tập.
Đồng thời cần xây dựng đề án quy hoạch các điểm đến và tuyến du lịch giáo dục nhằm nâng cao sức hút của chương trình và chất lượng sản phẩm du lịch.
"Nhà trường xem việc tặng vali, tặng tour du lịch cho học trò là món quà mở, phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại. Phụ huynh cũng thay đổi nhận thức, coi du lịch học tập cũng là khía cạnh của giáo dục. Qua mỗi chuyến đi, hành trình trải nghiệm, "du khách" có thể chủ động dung nạp các kiến thức về lịch sử, văn hóa, kỹ năng sống, tri thức dân gian… Từ đó có thể làm thay đổi tư duy, đánh giá vấn đề thực tiễn cho học sinh", giảng viên này nhìn nhận.
Theo báo cáo Thị trường du lịch giáo dục năm 2023, lĩnh vực này đạt khoảng 365,9 tỉ USD vào năm 2022 và dự kiến mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 13% từ 2023 - 2030.