Nhảy đến nội dung
 

Tăng chiều cao, sức bền cho trẻ em - Kỳ 1: Làm gì để trẻ có chiều cao tối ưu?

Nhiều trẻ em hiện ít vận động, ngủ trễ, dinh dưỡng chưa tốt... dẫn đến chiều cao không phát triển được tối ưu. Vậy làm thế nào để chiều cao trung bình của thanh niên nam nữ đạt mức cao hơn, nâng chiều cao, sức bền và thể lực nói chung?

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu mục tiêu song song với giáo dục trí tuệ là chiến lược nâng cao sức khỏe và thể chất của người Việt. Cần khuyến khích phát triển thể thao học đường một cách bài bản và hiệu quả, nhằm nâng cao tầm vóc người Việt Nam.

Chúng ta cần đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2045 chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam phải đạt một mức nào đó ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực (một số quốc gia trong khu vực đã đạt nam cao trung bình 175cm, nữ 163cm).

Việt Nam: trẻ em học quá nhiều, rất ít vận động

Thực tế trẻ em ở TP.HCM đa số học cả ngày ở trường. Khi tan học, nhiều trẻ được cha mẹ tranh thủ cho ăn bữa tối sau đó lại hối hả đi học thêm. Phần lớn thời gian của trẻ dành cho việc học tập. Hơn nữa không gian, nhà cửa chật hẹp, giờ thể dục trên lớp ít, trẻ em rất ít khi được vận động nên khó phát triển được chiều cao tối ưu.

Chị N.T.D.Q. (37 tuổi, ngụ Q.12) kể bé gái nhà chị đang học lớp 7 nhưng mới cao được 150cm, trong khi chiều cao chuẩn của bé gái 14 tuổi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 159,8cm. Như vậy bé thấp hơn gần 10cm so với chuẩn chiều cao cho các bé gái ở độ tuổi này. Theo chị, bé ăn uống ít, đi học tối ngày, rất ít vận động, tối cả nhà thường ngủ sau 22h nên bé cũng đi ngủ trễ.

Chị Q. chỉ thấy con mình thấp và cho rằng con bị thấp là do ăn uống ít, chứ không biết ngoài yếu tố dinh dưỡng, vận động thì việc đi ngủ sớm sẽ giúp con phát triển cao.

Chị Q. kể hai vợ chồng chị thuê mặt bằng mở một tiêm cà phê nhỏ ở Q.12, làm ăn khá vất vả, nhất là trong thời gian ít khách như hiện nay, nên cũng chỉ biết kiếm tiền cho các con ăn học chứ cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc làm gì đó để phát triển chiều cao cho con.

Con đi học cả ngày ở trường, tối về có hôm còn đi học thêm nên gần như rất ít vận động. Nghe con kể một tuần có hai tiết học thể dục nhưng cũng tập không nhiều. "Hai vợ chồng tôi bận buôn bán, con thì bận học suốt, nên cả ba mẹ cùng con không sắp xếp được thời gian đưa con đi bơi hay tập môn thể thao nào đó", chị Q. cho hay.

Tương tự, chị N.T.H. (39 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ con trai chị hơn 9 tuổi nhưng mới cao được 131cm, trong khi chiều cao chuẩn của lứa tuổi này cho bé trai là 135,2cm. Hai vợ chồng chị làm ở cơ quan nhà nước, đi làm về đến nhà thì tối mịt, xong bữa tối thường cũng đã 19h30, có hôm trễ đến 20h mới ăn xong. 

Nhà chỉ vẻn vẹn 30m2 nằm trong con hẻm nhỏ, xung quanh toàn nhà cửa san sát, không có chỗ nào để trẻ chơi được. Vợ chồng chị bận tối ngày, may ra thứ bảy - chủ nhật mới dẫn con đi chơi bên nội bên ngoại. Trong một tuần, chị chỉ trông chờ vào hai tiết thể dục trên trường. Nhưng chị nghe con kể con cũng vận động được rất ít từ hai tiết thể dục này.

Khác với chị Q., chị H. biết rõ ngoài dinh dưỡng, ngủ sớm và vận động sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu, nhất là trẻ ở giai đoạn tiền dậy thì. Thế nhưng, con đi học suốt, công việc chị bận bịu nên cũng đành... chịu.

Vốn sở hữu chiều cao rất khiêm tốn, chị N.H.T. (44 tuổi, ngụ ở Q.10 TP.HCM) luôn cảm thấy thiệt thòi với chiều cao 150cm của mình. Do vậy, ngay từ khi mang thai, chị T. đã "nung nấu" chăm sóc tốt cho thai nhi và có một chế độ dinh dưỡng, tắm nắng, vận động tốt, đi ngủ sớm cho con gái chị.

Ngày con còn nhỏ, chị và mẹ chị luôn thay nhau cho con ra ngoài trời chơi vận động, còn khi con vào lớp 1 hai vợ chồng chị đã tìm mua một căn chung cư vừa có không gian sinh hoạt chung rộng vừa có hồ bơi lớn. Từ lớp 1 đến lớp 10, mỗi tuần con chị bơi đều đặn từ 3-7 buổi. 

Đến nay, con gái chị đã cao được 171cm. Chị T. cho rằng để trẻ có thể cao được, nhất là cha mẹ có chiều cao khiêm tốn như vợ chồng chị, các bậc cha mẹ phải mất nhiều công sức và kiên trì với một chế độ ăn, ngủ, nghỉ, vận động chuẩn cho trẻ.

Chú ý đến sự phát triển chiều cao thay vì chỉ xem điểm số

PGS.TS Huỳnh Thoại Loan, chuyên gia nội tiết nhi với gần 40 năm kinh nghiệm, nguyên trưởng khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết chiều cao của trẻ phát triển liên tục đến năm 24 - 25 tuổi mới dừng lại. Trong khoảng thời gian này, có hai giai đoạn "đại nhảy vọt" về chiều cao cho trẻ là ba tháng cuối thai kỳ (xương đùi kéo rất dài) và giai đoạn tiền dậy thì.

Nếu bổ sung dinh dưỡng tối ưu cho bà mẹ trong ba tháng cuối thai kỳ và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong giai đoạn tiền dậy thì, trẻ sẽ tăng được 15 - 20cm. Theo PGS Loan, gene di truyền chỉ tác động đến 30% chiều cao của trẻ, 70% còn lại hoàn toàn có thể tác động được qua ba yếu tố gồm dinh dưỡng, vận động và giấc ngủ.

Để trẻ có thể phát triển chiều cao tối ưu, theo bà Loan, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ (trong đó có uống đủ lượng sữa), có thời gian hoạt động ngoài trời và cho trẻ đi ngủ sớm. Đầu tiên phải chú ý đến tổng năng lượng cho trẻ hằng ngày, thứ hai là thành phần canxi và nội tiết tố tăng trưởng GH, hoặc hoóc môn tăng trưởng tiết ở mức tối ưu.

Vận động không chỉ kéo chiều dài xương đùi mà còn làm tăng độ cứng của xương, giảm độ hụt mất xương và loãng xương sau này. Những môn thể thao giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu là những môn mà trẻ phải với, rướn người như bóng rổ, bóng chuyền, bơi.

Còn giờ vàng để tiết nội tiết tố là đúng 0h ban đêm. Tiết nội tiết tố ở đỉnh điểm vào giờ vàng thì trẻ phải rơi vào giấc ngủ sâu, do vậy trẻ phải được ngủ ít nhất hai giờ trước đó (22h).

PGS Loan nhấn mạnh hiện nay nhiều cha mẹ chỉ chú ý đến điểm số của trẻ, trong khi điểm số còn có thể cố gắng trong thời gian dài, còn sự phát triển chiều cao của trẻ chỉ trong một giai đoạn nhất định, thường "trổ mã" trước dậy thì, còn sau dậy thì sẽ phát triển chiều cao rất chậm.

Vì vậy, PGS Loan kêu gọi các bậc phụ huynh "hãy nhìn vào sự phát triển chiều cao của trẻ thay vì chỉ nhìn vào điểm số". Theo biểu đồ chiều cao, nếu chiều cao của trẻ chỉ ở mức độ trung bình là không tốt, mà phải đi lên trên mức trung bình của biểu đồ. Tùy tuổi, nhưng thường một năm phải tăng 5 - 10cm thì trẻ mới lớn được, còn những trường hợp 6 tháng mới tăng 1cm thì nên đến bác sĩ khám.

Ngoài ra, có một số trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng. Những trẻ này nếu được bổ sung hormone tăng trưởng sớm vẫn có thể bắt kịp chiều cao tối ưu theo tuổi, giới tính và di truyền so với trẻ không được bổ sung.

PGS Loan cũng chỉ ra nhiều bà mẹ có những cái sai trong quá trình phát triển chiều cao của trẻ như chỉ chú trọng vào sữa, "bỏ quên" giai đoạn bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho bà mẹ ở 3 tháng cuối thai kỳ, cho trẻ đeo cặp sách quá nặng hạn chế phát triển cột sống, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ...

Bà Loan cũng lưu ý có ba nhóm cần đặc biệt chú ý đến sự phát triển chiều cao của trẻ như những gia đình có chiều cao hạn chế với cả hai bên nội ngoại, trẻ sinh ra nhỏ (cân nặng, chiều cao hoặc cả hai) so với tuổi thai, những trẻ trong 3 năm đầu không bắt kịp chiều cao so với lứa tuổi.

Còn BS Trần Thị Ngọc Anh, khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khuyến nghị cha mẹ nên đo chiều cao cho trẻ 3 tháng/lần. Thông thường trẻ mới sinh có chiều cao 48 - 52cm, trong năm đầu bé tăng 20 - 25cm, sang năm thứ hai tăng 12cm, năm thứ ba tăng 10cm, năm thứ tư tăng 7cm.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn