Tăng 7,2% lương tối thiểu vùng: Tạo động lực cho người lao động

Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất tăng 7,2% lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2026, tương tương mức tăng 250.000 - 350.000 đồng tùy khu vực.
Theo đề xuất, lương tối thiểu vùng I tăng từ 4,96 triệu đồng/tháng lên 5,31 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng); vùng II tăng từ 4,41 triệu đồng/tháng lên 4,73 triệu đồng/tháng (tăng 320.000 đồng); vùng III tăng từ 3,86 triệu đồng/tháng lên 4,14 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng) và vùng IV tăng từ 3,45 triệu đồng/tháng lên 3,7 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).
Động viên người lao động
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Nguyễn Mạnh Khương đánh giá mức tiền lương tăng 7,2% phù hợp bối cảnh phát triển kinh tế đất nước hiện nay. Đồng thời, phù hợp với hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và hai con số các năm tiếp theo.
Còn ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cũng đánh giá mức đề xuất lương tối thiểu vùng tăng 7,2% từ ngày 1-1-2026 cơ bản đáp ứng được kỳ vọng của tổ chức công đoàn và đoàn viên lao động.
Ông cho rằng điều này thể hiện tinh thần chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp cũng tạo động lực để người lao động làm việc với tinh thần phấn chấn, cùng nỗ lực để cuối năm nay chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng. "
Sau khi Chính phủ có quyết định chính thức mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2026, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện và tuyên truyền người lao động đồng tình và ủng hộ mức tăng này để lao động với năng suất cao, chất lượng tốt cùng phát triển doanh nghiệp để cả nước bước vào kỷ nguyên mới", ông Hiểu thông tin.
Tương tự, ông Lê Đình Quảng - chuyên gia lao động công đoàn - bày tỏ thời gian tăng lương tối thiểu từ 1-1-2026 phù hợp với thông lệ trước đây (1-1 hằng năm).
Cùng với đó đúng tinh thần nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về điều chỉnh lương tối thiểu với các yếu tố như tương quan giữa mức lương tối thiểu với tiền lương trên thị trường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp...
"Để tăng tốc, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tiền lương tối thiểu phải tăng tương xứng, đồng bộ. Đây là thông điệp quan trọng khi đất nước vươn mình phát triển thì đời sống của người lao động cũng được cải thiện", ông Quảng bày tỏ.
Từ tăng lương tối thiểu vùng, tiến tới mức "lương đủ sống"
Nhìn ở góc độ rộng ra, đại biểu Nguyễn Quang Huân (TP.HCM) cũng cho rằng trong bối cảnh kinh tế đất nước hiện nay, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng như trên mang nhiều ý nghĩa. Đặc biệt trong tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay còn khó khăn và tình hình tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân sáu tháng đầu năm 2025 là 3,27% thì mức tăng 7,2% là hợp lý.
Theo ông Huân, tăng lương tối thiểu vùng không chỉ mang ý nghĩa liên quan ví tiền, mà còn mang giá trị con người trong nền kinh tế. Đặc biệt lương tối thiểu vùng là ranh giới thể hiện cam kết Nhà nước trong bảo vệ lao động yếu thế. Khi lương tối thiểu được điều chỉnh kịp thời với thị trường, niềm tin xã hội tăng lên, người lao động yên tâm lao động, sản xuất, giảm xung đột.
Tuy nhiên, dù đánh giá cao việc đề xuất tăng 7,2% lương tối thiểu vùng từ 2026, song ông Huân nhìn nhận nếu tính ra con số tuyệt đối, mức tăng cao nhất thuộc vùng I, khoảng 350.000 đồng không phải là con số lớn.
Với mức lương tối thiểu ở vùng I, theo đề xuất tăng lên là trên 5,3 triệu đồng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người lao động. Đặc biệt người lao động ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội... là những nơi có giá tiêu dùng cao.
Do vậy, theo ông Huân, từ việc tăng lương tối thiểu lần này cũng tiếp tục đặt ra kỳ vọng lớn hơn về câu chuyện khi nào lương tối thiểu vùng sẽ tiến tới mức "lương đủ sống" - chứ không chỉ là mức sàn như hiện nay.
Đồng thời tăng lương cần đi cùng tăng bảo hiểm, giảm chi phí y tế - giáo dục - nhà ở và đặc biệt là có chính sách để tránh câu chuyện lương chưa tăng mà mọi thứ hàng hóa đã tăng trước.
Một điểm khác, theo ông Huân, cùng với mức tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức trong khu vực công đã thực hiện từ 1-7-2024 và sẽ tăng lương tối thiểu vùng từ 1-1-2026, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu để sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.
Trong đó cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tế thu nhập, tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó để việc tăng lương cho người lao động nói chung thực sự có ý nghĩa.