Nhảy đến nội dung
 

Tâm tư của người dân khi Hà Nội cấm xe máy xăng vào vành đai 1 từ tháng 7/2026

Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương cấm xe máy xăng tại trung tâm Hà Nội để đảm bảo chất lượng không khí. Tuy nhiên, không ít người dân thường xuyên di chuyển bằng xe máy ở Thủ đô vẫn tâm tư về sinh kế cũng như hạ tầng trạm sạc xe điện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn.

Đáng chú ý, Chỉ thị nêu rõ, Hà Nội cần thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến 1/7/2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1; từ 1/1/2028, không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1, vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong vành đai 3.

Ủng hộ mục tiêu xanh, nhưng vẫn lắm tâm tư

Thông tin này ngay lập tức tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Trong khi một bộ phận người dân ủng hộ vì cho rằng đây là bước đi cần thiết để giảm khói bụi, ùn tắc, thì phần đông lại tỏ ra băn khoăn khi chưa thấy giải pháp thay thế thực sự khả thi.

Chị Nguyễn Thị Thảo (phường Thanh Xuân, Hà Nội) hiện đang làm việc cho một tổ chức nước ngoài tại khu vực Hoàn Kiếm. Giống như số đông nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chị Thảo thường xuyên sử dụng xe máy cá nhân để di chuyển từ nhà đến cơ quan.

Dù có thể phải thay đổi phương thức di chuyển đi làm sau 1 năm nữa, kéo theo một số bất tiện nhất định, chị Thảo vẫn khá đồng tình với việc Hà Nội không cho phép đi xe máy động cơ xăng vào khu vực trung tâm nhằm bảo vệ môi trường.

“Thực tế đi xe máy trong nội đô giờ cao điểm chẳng sung sướng gì, rất ngột ngạt, khói bụi khiến chất lượng không khí suy giảm nghiêm trọng. Nếu loại bỏ xe máy và tiến tới là ô tô sử dụng xăng dầu thì môi trường đô thị chắc chắn sẽ tốt lên", chị Thảo nói.

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Minh Trí (phường Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đã chuyển sang đi tàu điện và xe buýt cách đây nửa năm. Lúc đầu hơi bất tiện, nhưng giờ thấy nhẹ đầu, không lo tắc đường, không lo phải gửi xe. Nếu thành phố phát triển tốt hệ thống xe công cộng, tôi tin nhiều người sẽ bỏ xe cá nhân, đặc biệt là xe máy xăng.”

Tuy nhiên, anh Trí cũng nêu ra một số tâm tư, ngoài việc nâng cao giao thông công cộng, thành phố cần kết hợp các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe điện, như miễn lệ phí, cho vay ưu đãi, phát triển hạ tầng sạc.

“Vấn đề là nếu cấm xe máy xăng, thành phố cần có phương án thay thế rõ ràng. Xe buýt đông và ngột ngạt, đường sắt đô thị thì còn quá ít và không phải ai cũng tiện, lại đi bộ xa. Trong khi đó, không phải ai cũng có khả năng chuyên đổi ngay sang xe máy điện. Cấm xe xăng mà giá xe điện vẫn đắt đỏ, trạm sạc ít thì khó có ai dám đổi", anh Trí chia sẻ.

Ở chiều ngược lại, nhiều người lao động tự do - nhóm chịu tác động trực tiếp nếu chính sách được áp dụng đang tỏ ra lo lắng nhất.

Anh Trần Văn Sơn, một shipper chuyên giao hàng ở khu vực phố cổ Hà Nội thẳng thắn: “Tôi vừa mua xe máy xăng trả góp để chạy, còn chưa trả hết tiền. Giờ bảo bỏ xe xăng để chuyển sang xe điện thì tiền đâu? Mỗi ngày tôi chạy đến cả trăm cây số, xe máy điện có đáp ứng nổi?”

Theo anh Sơn, thành phố không thể chỉ cấm, mà phải có giải pháp, trong đó có thể có gói hỗ trợ cho người thu nhập thấp, ít nhất là trợ giá hoặc thu hồi xe xăng cũ để đổi sang xe điện giá rẻ. Đồng thời hệ thống trạm sạc hoặc đổi pin xe máy điện cần tiện lợi để những người như anh có thể dễ dàng chuyển đổi, không làm ảnh hưởng đến công việc. 

Nỗi lo sinh kế và lấp khoảng trống hạ tầng

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, Nhà giáo ưu tú, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, việc cấm xe máy xăng trong khu vực trung tâm Thủ đô là phù hợp với xu thế khi nhiều đô thị trên thế giới cũng đã áp dụng hoặc có kế hoạch tương tự.

Tuy nhiên, một chính sách đúng, nếu thiếu sự chuẩn bị đủ tốt, có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực kiểu "ngăn sông cấm chợ". Theo GS.TS Sùa, để chủ trương này đi vào thực tiễn, cần một lộ trình được thiết kế bài bản cùng hàng loạt giải pháp về pháp lý, hạ tầng rất cụ thể với thời gian ít nhất 5 năm. Trong đó, đầu tiên cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục cho người dân lộ trình sử dụng phương tiện giao thông tại đô thị.

"Rất nhiều người dân hiện nay dùng xe máy xăng để di chuyển đến các bệnh viện, trường học, cơ quan ở khu vực trung tâm, trong khi điều kiện hạ tầng công cộng chưa đáp ứng đủ, họ biết phải sử dụng phương tiện gì để di chuyển vào khu vực trên? Nếu mua thêm hoặc chuyển sang xe máy điện sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và mưu sinh, nhất là với dân lao động.

Rồi sau này nếu cấm xe xăng thì việc xử lý vi phạm sẽ như thế nào? Ai là người kiểm soát trong một phạm vi rộng như vậy? Nếu làm không khéo sẽ dẫn đến ùn ứ, ách tắc giao thông, thậm chí lãng phí lớn nguồn lực", GS.TS Từ Sỹ Sùa nêu một số vấn đề.

Theo vị chuyên gia giao thông này, vấn đề không thể chỉ cấm xe máy chạy xăng đơn lẻ mà phải đi cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ bủa vây như: Tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng, tàu điện, xe buýt sử dụng năng lượng sách, cùng với đó là các bãi gửi xe thuận lợi, giá rẻ. Đồng thời có chính sách khuyến khích người dân đổi xe máy cũ lấy xe điện mới, đặc biệt là lồng ghép, phối hợp hỗ trợ với nhà sản xuất, người tiêu dùng trong việc chuyển đổi phương tiện và phủ rộng hệ thống trạm sạc...

“Mục tiêu là tốt, nhưng phương pháp thực hiện phải đồng bộ, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. Nếu người dân thấy họ được lợi, đi lại thuận tiện họ sẽ tự nguyện làm theo, thay vì cảm thấy bị ép buộc,” GS.TS Từ Sỹ Sùa chia sẻ thêm.

Bạn có góc nhìn như thế nào về nội dung trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn