Tạm dừng thử nghiệm xe điện du lịch ở Đồng Hới, nhiều hệ lụy phát sinh

Sau thời gian thí điểm, xe điện chở khách tại P.Đồng Hới, Quảng Trị (trước là TP.Đồng Hới, Quảng Bình) tạm dừng hoạt động từ ngày 1.7. Việc chuyển giao từ thí điểm sang quản lý chính thức bộc lộ nhiều bất cập.
NGƯNG THÍ ĐIỂM, XE ĐIỆN VẪN CHẠY
Trước ngày 1.7, trên địa bàn TP.Đồng Hới (nay là P.Đồng Hới, Quảng Trị) có khoảng 100 xe điện 4 bánh chở khách được phép tham gia thí điểm. Có 7 đơn vị được cấp phép, trong đó số lượng xe nhiều nhất là Công ty CP dịch vụ du lịch Cát Vàng (30 xe), tiếp theo là Công ty TNHH đầu tư Linh Việt Nam (20 xe) cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã khác như Đồng Thành, Hải Thành, Minh Quân...
Việc tạm dừng hoạt động xe điện được căn cứ theo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành. Theo đó, từ ngày 1.7, xe 4 bánh có gắn động cơ chỉ được phép hoạt động nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh và lưu thông, đặc biệt chỉ được chạy trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ tối đa 30 km/giờ áp dụng chung cho mọi phương tiện. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn P.Đồng Hới vẫn chưa có tuyến phố nào được cắm biển tốc độ như quy định. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều ngày sau thời điểm tạm dừng thí điểm, tại P.Đồng Hới xe điện vẫn xuất hiện đón khách.
Ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND P.Đồng Hới, cho biết địa phương đã phối hợp với công an phường để tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục sử dụng xe điện đưa đón khách trái phép. Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị cho biết tổ công tác phụ trách địa bàn sẽ phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Ngoài vi phạm giao thông, một số tài xế xe điện còn bị phản ánh về hành vi vòi vĩnh "chung chi" khi đưa khách đến khách sạn, nhà hàng. Khi bị từ chối hoặc phản ánh, họ còn lên mạng xã hội đánh giá tiêu cực, gây ảnh hưởng đến uy tín cơ sở du lịch. Trước tình hình này, phía Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị cho biết đã giao Phòng quản lý du lịch kiểm tra, xác minh và xử lý.
RÀ SOÁT CÁC TUYẾN ĐƯỜNG CHO XE ĐIỆN HOẠT ĐỘNG
Khi xe điện thí điểm buộc phải tạm dừng, nhiều hộ kinh doanh và tài xế rơi vào tình cảnh khó khăn. Phần lớn trong số họ đã phải vay vốn mua xe, đầu tư vào dịch vụ chở khách du lịch theo định hướng phát triển bền vững của tỉnh trước khi sáp nhập; giá mỗi xe lên tới hàng trăm triệu đồng. Giờ xe nằm bãi, nợ ngân hàng vẫn phải trả, họ không biết xoay xở thế nào. Không chỉ cá nhân, các doanh nghiệp vận tải cũng gặp vướng mắc. Họ đều mong muốn Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng sớm khảo sát các tuyến đường phù hợp, cắm biển tốc độ 30 km/giờ để xe điện được hoạt động trở lại, nhất là trong mùa du lịch cao điểm.
Trước tình hình đó, ông Trương Chí Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị, cho biết Sở đang rà soát toàn bộ các tuyến đường để xem xét lắp đặt biển báo tốc độ phù hợp. "Nếu phát hiện điểm vướng mắc hoặc bất hợp lý, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan trung ương điều chỉnh", ông Trung nói.
Ngày 22.7, Sở Xây dựng Quảng Trị đã có văn bản gửi UBND tỉnh, nêu vướng mắc và đề xuất hướng tháo gỡ cho hoạt động xe điện 4 bánh chở người. Theo Sở, loại hình vận tải này thân thiện môi trường, ít gây ồn, an toàn và được đánh giá tích cực. Tuy nhiên, hiện 27 tuyến đường đang cho phép xe điện hoạt động lại không có biển báo tốc độ tối đa 30 km/giờ áp dụng chung cho tất cả phương tiện, khiến xe điện không thể lưu thông.
Việc bổ sung biển báo này là không khả thi vì dễ gây ùn tắc, cản trở giao thông và không được người dân ủng hộ. Sau cuộc họp với các ngành liên quan, các bên thống nhất: biển báo tốc độ 30 km/giờ chỉ nên áp dụng trong phạm vi nội bộ (resort, khu du lịch, nghĩa trang…), không phù hợp với đường công cộng.
Từ đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ sửa đổi quy định để phù hợp thực tiễn.