Tại sao phải khổ sở, nợ nần mua nhà bằng mọi giá?

Nhiều người nước ngoài thường không quan trọng chuyện phải mua nhà vì khả năng tài chính của họ chưa đủ, hoặc bản thân họ không thích sống kiểu hình thức. Tôi có nhiều người bạn ở nước ngoài, đa số họ là người bản xứ, chưa có nhà, vẫn ở nhà thuê bình thường, vẫn sống thoải mái và đi du lịch đều đặn.
Ngược lại, nhiều người Việt vì sợ mang tiếng là chưa có nhà hay phải ở nhà thuê, vì sĩ diện cá nhân nên vô tình tự đeo cho mình áp lực phải vay mượn để mua nhà bằng mọi giá. Người phương Tây không bao giờ quan tâm ai nghĩ gì về mình, kể cả có bị người ngoài nói họ là "homeless" (vô gia cư). Họ sống cho bản thân và luôn ưu tiện sự thoải mái.
Bản thân tôi cũng là một người từng đi thuê nhà để ở trong thời gian học tập và sinh sống ở nhiều nước. Hiện tại, tôi đang sở hữu nhà ở cả Việt Nam và nước ngoài. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ đánh giá ai chỉ vì họ chưa mua được nhà. Tôi cũng không lấy việc mình sở hữu nhiều nhà, đất ra để tự cao tự đại với người khác.
>> Bạn tôi ở Anh không mua nhà vì 'ở thuê rất khỏe'
Một số người trong nước tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi tới thăm nhà tôi. Họ thắc mắc với vẻ ngưỡng mộ rằng tại sao tôi còn trẻ mà lại có nhiều nhà như vậy? Mỗi lần như vậy, tôi chỉ cười trừ rồi đáp: "Đây là nhà của ba mẹ, chứ tôi không có cái gì hết". Những người nợ nần đầm đìa để mua nhà, không hiểu họ làm vậy được gì? Sao phải khổ sở sống vì đánh giá của người khác như vậy?
Có một số người phản biện rằng "việc thuê nhà ở Việt Nam có nhiều bất cập nên người ta mới bằng mọi cách mua nhà". Bản thân tôi cũng từng đi thuê nhà để ở trong thời gian học tập và sinh sống ở nhiều nước nên tôi hiểu khá rõ sự khác nhau giữa việc thuê nhà ở trong và ngoài nước.
Ở phương Tây, họ có luật lệ rất rõ ràng, người cho thuê phải theo luật và hợp đồng ký kết, không được tự ý thay đổi, tăng giá, đòi nhà, hay làm những việc xâm phạm lợi ích của người thuê. Và ngược lại, người đi thuê cũng phải tuân theo luật lệ và quy định trong hợp đồng. Vấn đề này có vẻ ở ta chưa được quản lý chặt nên phần thiệt thòi chủ yếu thuộc về bên thuê nhà. Có lẽ thời gian tới cần sự hoàn thiện về mặt pháp luật và quản lý để hoạt động thuê nhà được cân bằng quyền lợi hơn.
Tôi cũng đang có nhà cho thuê ở Việt Nam, nhưng luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho người thuê. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của người đi thuê nhà để hiểu những gì tốt nhất cho họ. Ngược lại, tôi yêu cầu người thuê nhà của mình cũng phải thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng như sống phải có ý thức, không làm phiền những người xung quanh... nếu không tôi sẽ ngừng hợp đồng ngay lập tức. Tóm lại, đây là vấn đề của cả đôi bên, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của cả hai phía.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, quan điểm về việc sở hữu nhà vẫn phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa, thói quen sống của mỗi cá nhân. Nếu như tài chính đủ đáp ứng để mua nhà thì dù ở Việt Nam hay nước ngoài tôi cũng hoàn toàn ủng hộ bạn mua nhà. Tuy nhiên, nếu chỉ vì tư duy "an cư lạc nghiệp", "sau này có cái để lại cho con cháu", cố chấp vay nợ mua nhà bằng mọi giá, rồi sống mệt mỏi thì thật sự không đáng. Cái này chúng ta còn phải học hỏi người phương Tây rất nhiều.
Bản thân tôi đã làm sẵn di chúc rằng "tất cả tài sản của mình sau này sẽ đóng góp cho quỹ cứu trợ và bảo vệ động vật trên toàn thế giới". Tôi sẽ không để lại toàn bộ nhà, đất, tiền bạc cho con cháu như phần lớn người Việt vẫn làm. Tôi chỉ lo cho con mình được ăn học đầy đủ, có tri thức và đạo đức để tự lập cuộc sống. Đó mới là tài sản lớn nhất cho con chứ không phải những thứ vật chất ngoài thân.
Racing