Nhảy đến nội dung

Tại sao khách ngoại chưa 'phát cuồng' vì Đà Lạt?

Phân tích

khach quoc te Da Lat anh 1

Dịp lễ 30/4-1/5, Jack Pates (23 tuổi, quốc tịch Anh) cùng 2 người bạn du lịch Đà Lạt. Anh ghé 2-3 quầy hàng để thử bánh tráng nướng, gọi đây là “pizza kiểu Việt Nam”, bất ngờ khi khắp nơi đều bày bán món ăn này.

Pates là một trong 12.500 lượt khách ngoại đến với Đà Lạt vào dịp lễ vừa qua. Tính trên tổng số 195.000 lượt khách, khách quốc tế đến “thủ phủ du lịch” tỉnh Lâm Đồng chỉ đạt 6,4%.

Tuy vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã tăng đến 74%.

Tăng, nhưng vẫn “nhỏ giọt”

Số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho thấy lượng khách quốc tế tại thành phố ngàn hoa tăng ổn định trong 3 năm gần đây, dễ thấy nhất là qua các dịp lễ Tết. Song, khách nội địa vẫn ở thế áp đảo, tỷ lệ khách quốc tế chưa chạm mức 10%.

LƯỢNG KHÁCH NỘI ĐỊA VÀ QUỐC TẾ ĐẾN ĐÀ LẠT QUA MỘT SỐ NĂM
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng
Nhãn 2022 2023 2024
Khách nội địa Lượt khách 6187300 6337300 7400000
Khách quốc tế
135000 360000 437000

Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, nhìn nhận khách quốc tế tại Đà Lạt tăng đều là tín hiệu tích cực, nhưng chưa đủ mạnh. Xét trên tổng lượng khách, lượng khách quốc tế ở mức thấp phản ánh Đà Lạt đang thiếu sức hút.

Ông Minh nhận định việc thiếu đường bay trực tiếp đến các quốc gia có tiềm năng du lịch và chất lượng cảng hàng không đang giới hạn lượng khách quốc tế đến Đà Lạt.

"Các thị trường như Nhật Bản, Singapore hay Australia vẫn chưa khai thác đường bay thường lệ đến sân bay Liên Khương. Khách quốc tế đến Đà Lạt phải quá cảnh ở TP.HCM hoặc Hà Nội, làm tăng chi phí và thời gian di chuyển khiến sức cạnh tranh của thành phố giảm đi", ông Minh nói với Tri Thức - Znews.

khach quoc te Da Lat anh 2

Jack Pates (ngoài cùng bên trái) thưởng thức bánh tráng nướng tại chợ đêm Đà Lạt tối 1/5. Ảnh: Tường Vi.

Bên cạnh kết nối hàng không, dịch vụ vận chuyển nội đô, nhập cảnh đến chất lượng phòng chờ và khả năng ngoại ngữ của đội ngũ nhân viên vẫn chưa đạt chuẩn quốc tế. Điều này ảnh hưởng đến trải nghiệm ban đầu của du khách, trong khi đây là yếu tố hình thành ấn tượng, quyết định quay lại.

"Dù quy hoạch là 1 trong 14 cảng hàng không quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, Liên Khương vẫn cần nâng cao về hạ tầng và công suất khai thác, thu hút các hãng hàng không quốc tế mới, làm 'bàn đạp' đưa Đà Lạt tiếp cận đa thị trường", ông Minh nói.

Hàn Quốc là thị trường mũi nhọn

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Lâm Đồng, lượng khách quốc tế đến Đà Lạt các năm chưa được như kỳ vọng, dù tính cả mùa cao điểm (tháng 11-3). Song, gam màu sáng đang nằm ở khách Hàn Quốc với tỷ lệ khoảng 50% tổng lượng khách ngoại.

Lý giải về sự dẫn đầu của thị trường này, bà cho rằng chuyến bay thẳng từ Hàn Quốc đến sân bay Liên Khương là thuận lợi lớn. Hiện Vietjet Air đang khai thác 2 đường bay từ Đà Lạt đi Incheon và Busan, Jeju Air cũng khai thác 14 chuyến bay/tuần từ Hàn Quốc đến Đà Lạt. Điều này cho thấy khách Hàn Quốc hiện có kết nối hàng không ổn định nhất.

Đà Lạt có khí hậu và cảnh quan tương đồng với xứ sở kim chi. Các điểm đến đặc trưng của thành phố thường xuất hiện trên kênh truyền hình Hàn Quốc, làm tăng độ nhận diện. Mặt khác, nhiều sự kiện âm nhạc tại Đà Lạt cũng hợp thị hiếu của thị trường này.

khach quoc te Da Lat anh 3

Khách Việt chụp ảnh "trend Đại Lý" tại dốc Sương Nguyệt Anh, Đà Lạt ngày 2/5. Ảnh: Tường Vi.

Nói thêm về tệp khách Hàn Quốc ở Đà Lạt, thạc sĩ Phạm Đức Thiện, giảng viên khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhìn nhận khi định vị được Hàn Quốc có tiềm năng khai thác, Đà Lạt nên nhắm vào thị trường cốt lõi này trước, sau đó mới mở rộng thị trường.

Khách Hàn Quốc dễ tiếp cận, tần suất du lịch đều đặn và hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội cao. Thị trường này cũng có mức chi tiêu tốt, giúp Đà Lạt tăng doanh thu.

Song, thành phố không nên phụ thuộc vào một thị trường để các tránh rủi ro như suy thoái kinh tế, thay đổi thị hiếu hay bão hòa về điểm đến.

Các thị trường như châu Âu, châu Úc cũng mang lại giá trị cao về lâu dài bởi thời gian lưu trú nhiều, thích trải nghiệm văn hóa. Về thị trường khách, Đà Lạt cần cân bằng giữa Á và Tây để tạo môi trường du lịch đa văn hóa.

Kế gì cho Đà Lạt?

12%, đó là tỷ lệ khách quốc tế trên tổng lượng khách được chính quyền Đà Lạt đặt mục tiêu vào năm nay. Đến năm 2030, tỷ lệ này phấn đấu tăng lên 20%.

Những con số nêu trên đầy tham vọng, nhưng có thể đạt được nếu cải thiện sản phẩm du lịch - điểm nghẽn sau hàng không, theo thạc sĩ Thiện.

Trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế chuyển sang "đi chậm, ở lâu, hiểu sâu", Đà Lạt thiếu các tour có chiều sâu văn hóa bản địa và mô hình nghỉ dưỡng cao cấp.

khach quoc te Da Lat anh 4khach quoc te Da Lat anh 5khach quoc te Da Lat anh 6khach quoc te Da Lat anh 7

Đà Lạt thiếu sản phẩm du lịch đặc thù nên chưa thu hút được lượng khách quốc tế xứng tầm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ông Thiện lấy ví dụ Bali (Indonesia) được biết đến với dịch vụ nghỉ dưỡng và yoga, hay Chiang Mai (Thái Lan) nổi tiếng với văn hoá và thiên nhiên. Trong khi Đà Lạt - điểm đến có nhiều nét tương đồng - lại chưa thể khắc sâu hình ảnh trong mắt khách quốc tế. Điều cần làm là đầu tư vào 2 sản phẩm thế mạnh.

Trong khi đó, tiến sĩ Đức Minh từ Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch cho biết việc đẩy mạnh quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ cũng bổ trợ sức hút cho các sản phẩm du lịch.

Lực lượng lao động trong ngành du lịch tại Đà Lạt phần lớn chưa qua đào tạo nghiệp vụ bài bản. Đó là lý do các tour trải nghiệm văn hóa thường tổ chức ở mức đơn giản. Hướng dẫn viên thạo ngoại ngữ chuyên ngành, có thể giới thiệu văn hóa - lịch sử bằng tiếng Anh, Hàn, Trung... còn hiếm.

Ngoài ra, khi thiếu lao động có chuyên môn, doanh nghiệp lữ hành cũng e ngại việc duy trì chất lượng nên ít đầu tư sản phẩm mới. Điều này sẽ tạo ra vòng lặp, nếu không sớm nâng cấp lao động.

"Khi phát triển đúng hướng, Đà Lạt không chỉ tăng khách quốc tế, mà còn xây dựng được vị thế của một điểm đến sâu sắc và bền vững trên bản đồ du lịch thế giới", vị tiến sĩ nói.

Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?

Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.

> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'